Chất lượng dự báo có tốt thì việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển mới có tính khả thi cao. Trong công tác dự báo, thống kê là một trong những công cụ quan trọng nhất, bởi nó cung cấp các thông tin, dữ kiện cần thiết để làm cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển, đồng thời cũng là thước đo để đánh giá năng lực, hiệu quả thực thi.


Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Thung Nham (Ninh Bình).

Với du lịch - một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, thống kê càng giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ở nước ta, thống kê du lịch còn bộc lộ nhiều bất cập, khiến nguồn dữ liệu đáng tin cậy để nhận diện chính xác bức tranh du lịch cả nước thiếu và nhiều lỗ hổng, dẫn đến chất lượng dự báo không chính xác, kịp thời.

Dù số liệu thống kê du lịch Việt Nam vẫn thường xuyên được tổng hợp và công bố định kỳ hằng tháng, song, không ít lần, giới chuyên gia đã phải đặt dấu hỏi về tính xác thực của những con số mà cơ quan quản lý du lịch các cấp đưa ra.

Sự "nhảy múa” của những con số...

Đã nhiều lần số liệu thống kê du lịch của các cơ quan chức năng công bố vênh nhau đến khó tin.

Đơn cử, năm 2022, khi Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố đón lượng khách quốc tế tới địa phương trong 11 tháng của năm ước đạt 3,1 triệu lượt, thì Tổng cục Thống kê công bố lượng khách quốc tế đến cả nước trong cùng thời gian chỉ là 2,95 triệu lượt.

Hay như thời điểm sau Tết Quý Mão 2023, khi Sở Du lịch Quảng Ninh công bố đón lượng khách tăng gần gấp đôi so với dịp Tết năm trước, chính quyền tỉnh này đã phải chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán lại vì thực tế nhiều nhà hàng, tàu du lịch, cơ sở lưu trú nơi đây vẫn chỉ hoạt động cầm chừng và thưa vắng khách.

Chưa hết, giữa năm 2023, ngay khi một số tỉnh, thành phố công bố những con số ấn tượng về sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch địa phương 6 tháng đầu năm đã lập tức vấp phải phản ứng của những đơn vị làm du lịch trên địa bàn, bởi tình hình kinh doanh lưu trú, lữ hành ế ẩm, khó khăn, lượng khách không đạt như kỳ vọng.

Không ít người đã hoài nghi với số liệu thống kê của du lịch Phú Quốc, khi "Đảo Ngọc” đưa ra con số đón 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm trong năm 2023, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi trước đó, huyện đảo liên tục phản ánh tình trạng kinh doanh du lịch thất bát, suy giảm mạnh về lượng khách trong những đợt nghỉ lễ cao điểm; các chủ khách sạn, nhà hàng thường xuyên than thở việc ế khách…

Lý giải về tình trạng "nhảy múa” của dữ liệu thống kê du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân là do đến nay, việc thu thập, tổng hợp các số liệu thống kê của từng địa phương vẫn chưa được thống nhất theo một chuẩn mực, lại thiếu kiểm chứng, đối chiếu.

Chẳng hạn, cùng một chỉ số thống kê lượng khách đến, có địa phương tổng hợp dựa trên số khách do các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành báo cáo, có địa phương lại dựa trên số khách tới các điểm đến trên địa bàn, dẫn đến sự chênh lệch, thiếu nhất quán.

Có những chỉ tiêu thống kê du lịch muốn thu được kết quả sát thực tế cần kết hợp cả phương pháp tính toán và điều tra, như với lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn.

Nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi chỉ dựa trên số liệu báo cáo của các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ, nên chưa thể cụ thể hóa chính xác về đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế địa phương.

Đó là chưa kể, thay vì tính theo đầu người, rất nhiều tỉnh, thành phố đang thống kê lượng khách theo đơn vị lượt người được tổng hợp từ số liệu của các điểm đến, dẫn tới hiện tượng tính trùng (một du khách được tính thành vài du khách tương đương số điểm đến mà người này ghé qua).

Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, chúng ta chưa phân biệt được đâu là khách du lịch thuần túy, đâu là khách đi công vụ, thăm thân…, cũng chưa thống kê được việc khách di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác, nên việc đánh giá thực lực của hoạt động du lịch chưa thể xác đáng.

Thêm nữa, nhiều địa phương chỉ quan tâm tổng hợp số lượng khách tới các điểm đến tham quan, chứ chưa bóc tách được cụ thể về đối tượng khách (đâu là khách lưu trú qua đêm, đâu là khách tham quan trong ngày), dẫn đến việc xuất hiện những con số thống kê "đẹp như mơ” nhưng không hề tương xứng với tổng thu của du lịch địa phương.

Bên cạnh sự "nhảy múa” về số liệu lượng khách, nhiều chuyên gia cũng đề cập sự chậm trễ trong thống kê cập nhật chỉ số nhân lực ngành du lịch.

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định: Việc thống kê số liệu chính xác về nhân lực hiện có của ngành du lịch Việt Nam cũng như dự báo nhu cầu nhân lực ngành chưa được làm tốt. Số liệu hiện trạng nhân lực trong các báo cáo của ngành du lịch không nhất quán và rất ít được cập nhật.

Điều này cho thấy việc điều tra tổng thể về nhân lực trong ngành chưa được thực hiện bài bản. Và chính vì số liệu không đầy đủ và thiếu nhất quán, khiến việc dự báo nhu cầu nhân lực trong các giai đoạn phát triển của du lịch còn nhiều hạn chế dẫn đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực khó khả thi…

Sớm hoàn thiện thống kê du lịch theo chuẩn mực quốc tế

Trên lộ trình đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần sớm chuyên nghiệp hóa công tác thống kê du lịch thống nhất theo chuẩn mực quốc tế. Có được dữ liệu thực chất, đáng tin cậy thì mới giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan có đánh giá chính xác tình hình, tiềm năng của ngành du lịch, từ đó hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển hiệu quả và bền vững.

Nghị quyết 103/NQ-CP (ngày 6/10/2017) ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định rõ: "Bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch”.

Tiếp đó, Nghị quyết 82/NQ-CP (ngày 18/5/2023) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, cũng chỉ rõ: tăng cường công tác thống kê du lịch là một trong những nội dung trọng tâm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần có những điều chỉnh, thay đổi trong cách xác định đối tượng thống kê. Thay vì thống kê lượt khách, cần thống kê theo đầu người; có công cụ để xác định đúng lượng khách du lịch thuần túy, tránh trường hợp thống kê trùng lắp khách du lịch đi tham quan nhiều điểm đến trong một địa phương; tách bạch giữa khách đi trong ngày và khách có lưu trú qua đêm…

Ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, từ năm 2009, trung tâm đã chủ động nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án "Áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam” theo khung khuyến nghị của các cơ quan chuyên trách về thống kê và du lịch của Liên hợp quốc.

Đề án đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống thống kê du lịch ở Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế, có tính thống nhất và có thể so sánh giữa các quốc gia, khu vực.

Đề án đã đạt một số kết quả quan trọng, tạo cơ sở cho phát triển hệ thống thống kê du lịch Việt Nam, hình thành được phương pháp khung để thống kê du lịch theo mô hình "Tài khoản vệ tinh du lịch”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các thông tư quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê du lịch và Chế độ báo cáo thống kê du lịch. Hệ thống dữ liệu thống kê ngành du lịch bước đầu được hình thành.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch và Điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia (Quyết định số 268, ngày 10/11/2023), xác định nhóm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2030 là xây dựng, kiện toàn cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hoạt động thống kê du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê du lịch...

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 06/CĐ-TTg (ngày 15/1/2024) về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các bộ liên quan khẩn trương phổ biến, triển khai nền tảng số về "Quản trị và kinh doanh du lịch” theo Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, hoàn thành trong quý II/2024.

Trên cơ sở nền tảng này, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê du lịch; tổ chức kết nối, cập nhật đầy đủ, kịp thời, thông suốt dữ liệu từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tới cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Công an đẩy mạnh kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu về du lịch với dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là việc triển khai ứng dụng trên VneID; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia; xây dựng và triển khai Kế hoạch áp dụng "Tài khoản vệ tinh du lịch” theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới, hoàn thành trong tháng 9/2024...

Bộ Tài chính phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống..., bảo đảm thống kê, tính toán chính xác thu nhập từ hoạt động du lịch…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất hoàn thiện ngay các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch bảo đảm đầy đủ, khoa học, kịp thời, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế, hoàn thành trong tháng 6/2024…

Sau đại dịch Covid-19, cấu trúc thị trường du lịch, nhu cầu, hành vi, thị hiếu của du khách đều có sự thay đổi lớn.

Bởi vậy, rất cần phối hợp liên ngành trong cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê du lịch, bảo đảm tính khoa học, chính xác... để ngành du lịch đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới trong thu hút du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm hiện thực hóa mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Năm Du lịch Quốc gia 2024: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Hoa Ban

Từ ngày 13 - 18/3, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024.

Huy động các nguồn lực triển khai hoạt động du lịch

Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 43/KH-BCĐDL về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Thu hút 60 dự án đầu tư vào du lịch

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có 165 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ với tổng vốn đăng ký khoảng 27.000 tỷ đồng. Trong đó, có 60 dự án đầu tư về du lịch (khu du lịch, nghỉ dưỡng). Tiêu biểu như: dự án Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam (thành phố Hòa Bình); Khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ (Kim Bôi); khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hóa (thành phố Hòa Bình)...

Các điểm đến hấp dẫn dịp 8/3 ở Hoà Bình

Tháng 3 có một dịp đặc biệt dành riêng cho phái đẹp là ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Hiện nay, các điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Hòa Bình đã sẵn sàng mở cửa chào đón du khách cùng nhiều chương trình hấp dẫn, hoạt động trải nghiệm thú vị dành tặng cho các gia đình, chị em phụ nữ.

Khu du lịch hồ Hòa Bình hút khách du xuân

Với cảnh quan hùng vĩ, lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trải rộng qua 5 huyện, thành phố trong tỉnh cùng nhiều điểm đến hấp dẫn, khu du lịch hồ Hòa Bình nhộn nhịp đón khách du Xuân.

Huyện Tân Lạc hướng tới phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Tự hào là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, Mường Bi - Tân Lạc lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường, nơi quy tụ nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Với tiềm năng, thế mạnh của mình, du lịch cộng đồng (DLCĐ) của huyện Tân Lạc đã ghi nhận bước chuyển mình tích cực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục