Với cảnh quan hùng vĩ, lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trải rộng qua 5 huyện, thành phố trong tỉnh cùng nhiều điểm đến hấp dẫn, khu du lịch hồ Hòa Bình nhộn nhịp đón khách du Xuân.



Tàu thuyền tấp nập đưa khách vãn cảnh, trẩy hội đền Bờ trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, điểm nhấn trên hành trình trải nghiệm, khám phá của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh là tour tham quan, check- in cùng biểu tượng linh vật rồng tại Quảng trường Hòa Bình (TP Hòa Bình) kết hợp du Xuân trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Anh Bạch Minh Trà ở xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) cho biết: Nhân dịp có bà con họ hàng ở TP Hải Phòng lên Hòa Bình chơi Tết, gia đình tôi và mọi người vừa thực hiện chuyến du xuân đầy ý nghĩa. Hơn 7h cả đoàn tập trung tại Quảng trường Hòa Bình chụp ảnh bên biểu tượng linh vật chào Xuân Giáp Thìn. 8h chúng tôi lên xe đi thêm 20km đường bộ đến cảng Thung Nai (Cao Phong) và xuống tàu trẩy hội đền Bờ. Không khí du Xuân trên hồ Hòa Bình rất dễ chịu, cảnh quan tuyệt đẹp, tâm trạng ai cũng thoải mái, vui vẻ.

Hiện nay có 2 bến cảng chính được du khách lựa chọn du Xuân khu du lịch hồ Hòa Bình là cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) và cảng Thung Nai (Cao Phong). Không chỉ vào dịp cuối tuần mà cả ngày thường, các bến tàu vẫn đón nhiều đoàn khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An...

Chị Nguyễn Thị Hằng, du khách đến từ TP Hà Nội hào hứng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Hòa Bình và cũng là chuyến du Xuân đầu tiên trong năm mới. Đi tàu trên hồ Hòa Bình cảm giác thật dễ chịu, cảnh sắc nên thơ. Mây trời, sông nước một màu xanh ngắt. Những hòn đảo lớn, nhỏ nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến vịnh Hạ Long. Tôi đặc biệt thích không khí ở đây, hẹn một ngày không xa sẽ rủ bạn bè, đồng nghiệp đến với khu du lịch để khám phá, trải nghiệm nhiều hơn.

Dịp này, ngoài điểm du lịch tâm linh đền Chúa Thác Bờ, đền Cô, đền Cậu..., các bản làng du lịch cộng đồng, khu nghỉ dưỡng sinh thái trên khu du lịch hồ Hòa Bình cũng có đông khách tham quan, trải nghiệm. Tại đền Chúa Thác Bờ vừa sửa sang một số hạng mục tạo sự quy củ, cảnh quan đẹp hơn, có chỗ để du khách đến chiêm bái, vãn cảnh nghỉ chân, không gian đền thoáng đạt, tạo được ấn tượng tốt.

Theo đồng chí Bùi Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai (Cao Phong), từ ngày mùng 1 Tết đã có đông khách đến du Xuân và đi lễ đền Bờ, cao điểm từ ngày mùng 4 Tết. Gần 100 tàu vận tải chở khách khu vực cảng Thung Nai hoạt động liên tục trong ngày đón nhiều đoàn khách. Ngoài trẩy hội đền Bờ, nhiều đoàn khách đặt tàu tham quan, khám phá động Tiên, vịnh Ngòi Hoa (Tân Lạc), đảo Sung (Đà Bắc), đảo Ngọc (Cao Phong); các khu nghỉ dưỡng Xoan Retreat, Maida Logde (Đà Bắc), Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort (Mai Châu).

Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khu du lịch hồ Hòa Bình là một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh và vùng Tây Bắc. Đến nay, thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, khu du lịch đã đạt 3/5 tiêu chí của khu du lịch quốc gia. Trên khu du lịch hình thành các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; từng bước hình thành tuyến du lịch đường thủy di chuyển bằng tàu trên sông Đà qua các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; mở tuyến du lịch đi bộ, đạp xe dọc 2 bờ sông Đà thuộc các huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc; xây dựng chương trình nghỉ dưỡng cuối tuần với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Tỉnh cũng tăng cường kết nối khu du lịch hồ Hòa Bình với các khu, điểm khác trong tỉnh và tuyến Tây Bắc. Cùng với tour tham quan, trải nghiệm một số điểm đến của TP Hòa Bình kết hợp du Xuân trên khu du lịch hồ Hòa Bình, tuyến du lịch lòng hồ Hòa Bình - thác Bờ - hang Miếng liên kết 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

 

Bùi Minh

Các tin khác


Khám phá, trải nghiệm du lịch huyện Đà Bắc

Với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái và sự ưu đãi của thiên nhiên đã ban tặng cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ, huyện vùng cao Đà Bắc đang từng bước phát triển du lịch theo hướng đa dạng, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ), trên địa bàn có một số khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái được đầu tư và đi vào hoạt động, cung cấp nhiều sản phẩm trải nghiệm cho du khách. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng quan tâm hoạt động lễ hội hàng năm như lễ hội người Dao mừng Xuân mới - xã Cao Sơn; lễ hội đền Thác Bờ - xã Vầy Nưa; lễ hội cầu Mường - xã Mường Chiềng và nhiều lễ hội nhỏ nhằm tăng sức hút cho du lịch.

Đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và lễ hội đền Khụ Chẹ, xã Đông Lai 

Ngày 16/2 (mùng 7 tháng Giêng), UBND huyện Tân Lạc tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và lễ hội đền Khụ Chẹ, xã Đông Lai.

Homestay đón khách đầu Xuân

Những ngày đầu Xuân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, điểm du lịch trải nghiệm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh "vào mùa” đón và phục vụ khách du lịch. Đây là cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương đến với du khách muôn phương.

Huyện Mai Châu đưa văn hóa thành “đặc sản” hút khách du lịch

Không chỉ bà F.Martine đến từ nước Pháp mà nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới đã hào hứng, thích thú khi được hòa mình cùng đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu trong điệu nhảy sạp truyền thống; được nghe âm thanh rộn rã trong điệu keng loóng đặc sắc...

Hoà Bình đón 200.000 lượt khách dịp Tết 

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thời tiết ấm áp trong dịp Tết Nguyên đán rất thuận lợi cho người dân trong, ngoài tỉnh và du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch của Hoà Bình.

Du lịch Việt Nam sôi động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động du lịch trên cả nước diễn ra sôi nổi với cả khách nội địa và khách quốc tế, báo hiệu một năm Giáp Thìn tràn đầy hy vọng của du lịch Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục