Từ ngày 13 - 18/3, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024.

Trong khuôn khổ chương trình, du khách có dịp trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; được ôn lại Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hào hùng của dân tộc.


Hoa ban nở trắng trên núi rừng Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Theo đó, các hoạt động chính của sự kiện gồm: Lễ dâng hương tại đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên Phủ 2024 - chủ đề "Về miền Hoa Ban” với chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại, chất lượng nghệ thuật cao, sân khấu được thiết kế theo biểu tượng Hoa Ban. Phần kết của Lễ khai mạc là màn bắn pháo hoa tầm cao tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ vào tối 16/3… Điểm nhấn trong lễ hội năm nay là lần đầu tiên Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông được tổ chức quy mô cấp tỉnh mở rộng, có sự tham gia của các nghệ nhân đến từ các tỉnh bạn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai…

Nhiều hoạt động văn hóa khác cũng đồng thời diễn ra như: Trình diễn show thực cảnh và giới thiệu huyền tích, lịch sử và các vũ điệu dân gian đặc sắc, văn hóa dân gian dân tộc Thái, được tổ chức tại bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên; trình diễn trang phục các dân tộc; Không gian văn hóa vùng cao tổ chức tại Khu di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Hầm Đờ Cát); trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch, OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống...

Đến với Điện Biên dịp này, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian, truyền thống của các dân tộc như: Bịt mắt đập niêu, bập bênh, tung còn giao lưu, cầu lắc, đẩy gậy, kéo co, giã bánh dày… Đặc biệt, du khách được "thưởng thức" những phần thi mang đậm dấu ấn của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như đẩy xe đạp thồ, tải đạn, tái hiện hình ảnh của những chiến sĩ năm xưa trên mảnh đất lịch sử này.

Bên cạnh các hoạt động tập trung tại thành phố Điện Biên Phủ, nhiều hoạt động cũng đồng loạt diễn ra trong tháng 3 như: Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Mường Ảng và Giải Dù lượn năm 2024; Lễ Xên bản của người Thái; Lễ Tra hạt của người Khơ Mú; các hoạt động trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc ở tất cả các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, tỉnh xác định đây là dịp để quảng bá sâu rộng đến du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người, những sản phẩm du lịch đặc trưng của Điện Biên để mời gọi du khách đến với tỉnh; qua đó, phấn đấu thực hiện mục tiêu đón hơn 1,3 triệu lượt du khách trong Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024.

Đến thời điểm này, tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Điện Biên đã sẵn sàng đón đông đảo du khách đến trải nghiệm những danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa của 19 dân tộc cũng như tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ 70 năm về trước…



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Huyện Tân Lạc hướng tới phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Tự hào là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, Mường Bi - Tân Lạc lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường, nơi quy tụ nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Với tiềm năng, thế mạnh của mình, du lịch cộng đồng (DLCĐ) của huyện Tân Lạc đã ghi nhận bước chuyển mình tích cực.

10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024

Hội An, Phong Nha và Ninh Binh là 3 điểm đến đứng đầu về độ hiếu khách tại Việt Nam trong năm 2024.

Homestay đón khách đầu Xuân

Những ngày đầu Xuân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, điểm du lịch trải nghiệm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh "vào mùa” đón và phục vụ khách du lịch. Đây là cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương đến với du khách muôn phương.

Khám phá, trải nghiệm du lịch huyện Đà Bắc

Với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái và sự ưu đãi của thiên nhiên đã ban tặng cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ, huyện vùng cao Đà Bắc đang từng bước phát triển du lịch theo hướng đa dạng, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ), trên địa bàn có một số khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái được đầu tư và đi vào hoạt động, cung cấp nhiều sản phẩm trải nghiệm cho du khách. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng quan tâm hoạt động lễ hội hàng năm như lễ hội người Dao mừng Xuân mới - xã Cao Sơn; lễ hội đền Thác Bờ - xã Vầy Nưa; lễ hội cầu Mường - xã Mường Chiềng và nhiều lễ hội nhỏ nhằm tăng sức hút cho du lịch.

Đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và lễ hội đền Khụ Chẹ, xã Đông Lai 

Ngày 16/2 (mùng 7 tháng Giêng), UBND huyện Tân Lạc tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và lễ hội đền Khụ Chẹ, xã Đông Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục