Du lịch thông minh là xu hướng tất yếu trong thời kỳ công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch, đòi hỏi ngành du lịch cần có những thay đổi nhanh chóng, phù hợp.


Ra mắt phần mềm ứng dụng du lịch thông minh Sapa Tour.

Việc nhập cuộc tích cực vào công tác chuyển đổi số để thu hút khách du lịch được thể hiện qua hàng loạt các hoạt động và sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước.

Tại Hà Nội, các địa chỉ như Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... đã tổ chức nhiều triển lãm trực tuyến, bán vé tham quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Còn tại TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện ứng dụng công nghệ 3D vào việc cung cấp thông tin và quảng bá du lịch được đẩy mạnh với sản phẩm đáng chú ý nhất là bản đồ du lịch tương tác thông minh kèm tính năng hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến được du khách đánh giá cao.

Nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Ninh Bình... cũng đẩy mạnh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 360 độ thực tế ảo (VR 360), thanh toán bằng hình thức quét mã QR... góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Cùng với đó, thời gian qua, nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm với quy mô lớn về du lịch thông minh đã được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức của các cơ quan, ban, ngành có liên quan về du lịch thông minh để từ đó có những phương thức thực hiện hiệu quả.

Dù có những chuyển biến tích cực nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh nhỏ lẻ, hạn chế về vốn cho nên việc đầu tư cho các ứng dụng công nghệ còn manh mún, thiếu đồng bộ.

Không khó để nhận ra, trên thị trường du lịch trực tuyến hiện nay, các công ty lữ hành online mang thương hiệu quốc tế đang độc chiếm thị phần. Hiện chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến. Bên cạnh vấn đề cạnh tranh, các đơn vị kinh doanh du lịch trong nước còn phải đối diện với nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (gồm mạng lưới viễn thông, trang thiết bị hiện đại,…) ở nhiều địa phương còn đang chắp vá, chưa được đầu tư đúng mức, thiếu đồng bộ. Chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh quốc tế ở mảng du lịch trực tuyến, bởi du lịch vẫn nghiêng về cách làm truyền thống là chính; nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch thông minh lại vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Những giải pháp căn cơ cần được triển khai nhanh chóng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, để du lịch thật sự thông minh. Cần dành nguồn kinh phí đúng mức cho đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho du lịch thông minh phát triển bền vững, đồng bộ. Để có thể vận hành hệ thống công nghệ hiện đại, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái du lịch thông minh cũng cần chú trọng bởi nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tham gia vận hành, sử dụng, triển khai sáng tạo các ứng dụng công nghệ mới, cập nhật các xu hướng mới nhanh hơn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những khó khăn trên sẽ được tập trung tháo gỡ trong giai đoạn tiếp theo của đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường sẽ tạo đà cho du lịch Việt Nam tăng tốc, sớm trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.



Theo Nhandan.vn

Các tin khác


Nông dân huyện Mai Châu phát triển du lịch homestay

Những năm gần đây, nhiều nhà nông "chính hiệu” ở huyện Mai Châu đã lựa chọn hướng đi khác để phát triển kinh tế. Với tư duy ngày một tiến bộ, không còn bỡ ngỡ, lạ lẫm như thuở ban đầu, nông dân quyết tâm làm du lịch cộng đồng, phấn đấu vươn lên trở thành những nông dân tiêu biểu, thu nhập khá, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển bứt phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của vùng, việc đẩy mạnh liên kết để hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang tính đặc thù là hướng đi cần được quan tâm hàng đầu.

Du lịch Nha Trang hòa quyện với đời sống văn hóa​

Thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nằm bên vịnh biển cùng tên và được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đã từ lâu, Nha Trang trở thành một điểm đến đầy cuốn hút cho hàng triệu du khách gần xa, trong nước và quốc tế.

Nét đẹp Việt 2024: Quảng bá du lịch quốc gia trên Tiktok

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông cho du lịch Việt Nam, vừa qua tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội 2024 - VITM Hanoi 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Truyền hình Quốc hội Việt Nam và TikTok Việt Nam để xây dựng, thực hiện các chương trình giới thiệu về du lịch Việt Nam.

Huyện Cao Phong đa dạng các sản phẩm du lịch vùng lòng hồ

Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Cao Phong là Thung Nai, Bình Thanh có nhiều tiềm năng về địa lý, tự nhiên và môi trường phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nơi đây còn có điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, nhất là vào dịp đầu năm.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến hấp dẫn

Cách Hà Nội khoảng 150km Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vừa là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc, được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch "Qua miền Tây Bắc” trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục