(HBĐT) - Tại Hội nghị giao ban chuyên đề thực trạng, giải pháp "Nâng cao hiệu quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý” được tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải làm thật tốt công tác phối hợp để việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân phải hướng đến mục tiêu thực chất và hiệu quả, tập trung nâng cao chất lượng kết nạp đảng và đảng viên, kiên quyết sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 183-KH/TU, ngày 30/11/ 2018 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và tổ chức Đảng, đảng viên năm 2018. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 14-HD/BTCTU hướng dẫn tổ chức thực hiện. Từ năm 2018, cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện kiểm điểm sau khi tập thể lãnh đạo, quản lý của chính quyền, chuyên môn, đoàn thể đã hoàn thành kiểm điểm. Như vậy, không chỉ đánh giá, phân loại chất lượng các đoàn thể trước khi đánh giá, phân loại tổ chức Đảng mà còn bổ sung việc đánh giá, phân loại tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Theo quy định của Trung ương, đối với đảng viên, trước khi kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên phải tiến hành xong việc đánh giá chất lượng công chức, viên chức hoặc xếp loại lao động; đảng viên là cán bộ, lãnh đạo, quản lý thì đánh giá xếp loại đảng viên trước, cán bộ lãnh đạo, quản lý sau. Một điểm mới nữa là các tiêu chí đánh giá được xây dựng cụ thể thông qua phiếu phân tích chất lượng tập thể lãnh đạo, cơ quan; chất lượng đảng viên; chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý; chất lượng tổ chức Đảng với 4 cấp độ gồm: Xuất sắc, tốt, trung bình, kém, thực hiện đánh giá đa chiều theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đồng; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng cá nhân với tập thể, tổ chức Đảng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Đảng ủy xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) duy trì nền nếp công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.
Đồng chí Hoàng Minh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Các cấp ủy đã lãnh đạo triển khai thực hiện các quy định hướng dẫn về kiểm điểm, đánh giá chất lượng đối với tổ chức Đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiêm túc, kịp thời. Việc kiểm điểm được cấp cấp ủy thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, thời gian quy định, bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng, nhiệm vụ được giao của đảng viên. Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau, lấy kết quả kiểm điểm tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể. Đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được thực hiện đa chiều, theo tiêu chí, công việc, nhiệm vụ cụ thể theo từng nhóm đối tượng, phát huy trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong tự đánh giá, xếp loại, nhất là vai trò của cơ quan, người đứng đầu trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ. Thực hiện đồng bộ giữa đánh giá các tổ chức trong hệ thống chính trị; đánh giá, xếp loại chính quyền, MTTQ và các CT-XH, tổ chức Đảng cùng cấp. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tại một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị còn lúng túng, bị động; chưa chú trọng kiểm điểm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chưa xác định rõ định trách nhiệm của tập thể đối với hạn chế, khuyết điểm của cá nhân và trách nhiệm cá nhân trong việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Một số đảng viên chưa thực sự nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; tự đánh giá, xếp loại của tập thể, cá nhân một số nơi chưa bám sát tiêu chí. Một số cấp ủy chưa mạnh dạn xem xét gợi ý kiểm điểm. Có nội dung đánh giá còn hình thức, chưa phù hợp với thực tế, chưa đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức Đảng, đảng viên.
Những bất cập, vướng mắc phát sinh
Một số đơn vị ở cấp tỉnh có sự chồng chéo về thành phần cá nhân là cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong tập thể như: Đảng, đoàn, HĐND với thường trực HĐND, Ban cán sự Đảng UBND với tập thể lãnh đạo UBND. Việc lấy ý kiến đánh giá của các chủ thể tham gia đánh giá đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo quản lý, về phiếu tham gia đánh giá của các chủ thể, kết cấu chưa thống nhất, có nơi hoàn chỉnh phiếu nhưng chưa tự đánh giá vào phiếu để gửi đến các chủ thể đánh giá theo cấp độ; có nơi hoàn chỉnh phiếu đã được tổ chức Đảng, tập thể tự đánh giá rồi gửi đến các chủ thể tham gia nhận xét, tỷ lệ hồi âm đạt 86%, phát sinh nhiều TTHC, thiếu thông tin chính xác, toàn diện về đối tượng được đánh giá. Có tập thể, tổ chức Đảng thực hiện đánh giá đa chiều, song cũng có tổ chức Đảng chỉ thực hiện xin ý kiến đánh giá của cấp trên và đồng cấp, không xin ý kiến cấp dưới. Việc lấy ý kiến của các chủ thể cho cá nhân lãnh đạo, quản lý được đánh giá chưa đồng bộ, thống nhất. Đối với cấp trên, cấp dưới chưa xác định rõ là tập thể hay cá nhân. Đối với chủ thể đồng cấp, nếu lấy ý kiến tham gia trước khi tổ chức đánh giá, xếp loại thì trùng với đối tượng trực tiếp tham gia ý kiến đánh giá, biểu quyết xếp loại. Đối với chi bộ có đông đảng viên (từ 50 - 100 đảng viên) thì việc xem xét, bỏ phiếu kín quyết định xếp loại từng đảng viên gặp nhiều khó khăn. Về khung tiêu chuẩn các mức chất lượng, có một số trường hợp tổ chức Đảng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, song lại có cá nhân cấp ủy sinh con thứ 3, theo quy định của T.Ư xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, không phản ánh được đúng chất lượng tổ chức Đảng và tập thể cấp ủy. Quy định tỷ lệ 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ảnh hưởng đến tâm lý phấn đấu của cán bộ, công chức, đảng viên...
Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổng hợp những bất cập, hạn chế trình cấp có thẩm quyền, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hướng dẫn của tỉnh về đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và tổ chức Đảng, đảng viên đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh giá, xếp loại.
Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại thực chất và hiệu quả
Để thực hiện tốt công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và tổ chức Đảng, đảng viên, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị: Các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ sau: Kịp thời triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội, đặc biệt là công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Kế hoạch số 212-KH/TU, ngày 25/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW. Thông qua đánh giá, kiểm điểm, xếp loại để giáo dục, rèn luyện, rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên về tầm quan trọng và tác dụng tích cực của việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và tổ chức Đảng, đảng viên gắn với đấu tranh tự phê bình, phê bình, tự soi, tự sửa và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; xác định đây là việc làm thường xuyên trong mọi hoạt động của tổ chức Đảng.
Thực hiện nghiêm Quy định số 34-QĐ/TU, ngày 28/1/2019 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc gương mẫu, tiên phong thực hiện tự phê bình và phê bình; đồng thời, lãnh đạo kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và tổ chức Đảng, đảng viên.
Tăng cường công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ giữa đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và tổ chức Đảng, đảng viên. Thực hiện tốt Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ, các tổ chức CT-XH và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, bản thân mỗi đảng viên cần đề cao trách nhiệm, tự giác, thẳng thắn, trung thực, nghiêm túc trong quá trình kiểm điểm, đánh giá, phân loại. Từ đó, tự đề ra giải pháp, lộ trình phù hợp để phấn đấu khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm.
Nắm vững và thực hiện nghiêm túc các nội dung, phương pháp, yêu cầu, tiêu chí đánh giá, quy trình đánh giá, xếp loại chất lượng, khen thưởng đảng viên và tổ chức Đảng. Trong quá trình đánh giá, phân loại, cần bám sát các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Coi việc đánh giá, phân loại đảng viên thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao nhận thức về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật và tinh thần phấn đấu của đảng viên; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Lê Chung
Làm tốt công tác đánh giá cán bộ, công chức hàng tháng
Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, quan trọng trong công tác
cán bộ, làm tốt để nâng cao chất lượng bộ máy hoạt động, hiệu lực hiệu quả.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong đánh giá cán bộ, công chức, Sở Nội vụ đã
hoàn thiện văn bản, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét ban hành quy định về đánh
giá cán bộ, công chức áp dụng có tính thống nhất, bắt buộc, làm cơ sở đánh giá
hàng tháng, cuối năm, phân loại cán bộ, công chức. Trong đó, đánh giá cụ thể
chất lượng làm việc của cán bộ, công chức trong 1 tháng làm được gì, kết quả
đến đâu, có giải pháp sáng kiến gì trong công tác, từ đó phân loại gì để cuối
năm đánh giá xác thực. Qua đó sẽ góp phần xác định chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, những yếu kém cần khắc phục để có giải
pháp cụ thể phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Nhiều năm nay, UBND
tỉnh đã thực hiện đánh giá việc thực hiện mức độ thực hiện nhiệm vụ của các sở,
ngành thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND tỉnh giao, các phó Chủ tịch UBND
tỉnh giao làm căn cứ để xếp loại thi đua cơ quan, đơn vị hàng năm.
Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ
Đánh giá ngang còn hình thức và chưa hiệu quả
Theo cách đánh giá mới có hiệu quả đó là: Việc kiểm điểm
đánh giá, rõ ràng cụ thể hơn. Chất lượng phân loại rõ hơn. Phạm vi đánh giá
cũng tốt, phương pháp đánh giá đa chiều phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như
thủ tục mất nhiều thời gian, giấy tờ, tài liệu chưa phù hợp với thực tế... Quá
trình thực hiện cho thấy, việc đánh giá ngang còn hình thức và không hiệu quả.
Đối với việc đánh giá của các chủ thể không liên quan nhiều (đánh giá ngang).
Chỉ nên giữ nội dung chủ thể đánh giá cấp trên trực tiếp và chủ thể cấp dưới
trực tiếp là liên quan nhiều hơn đến đánh giá. Việc đánh giá của chủ thể cấp
trên thì nội dung cũng cần trọng tâm. Ví dụ Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá các
Đảng bộ trực thuộc, chỉ đánh giá lĩnh vực của Ban Tổ chức phụ trách. Tức là cơ
quan cấp trên nào đánh giá chỉ tập trung đánh giá vào lĩnh vực mình phụ trách
sẽ sát hơn, thay vì tất cả các cơ quan đánh giá như nhau thì chưa sát thực tế
và hiệu quả.
Quách Thế Ngọc, Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy
Nghiêm túc phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt chi bộ
Trong công tác xếp loại năm 2018, ngoài quy định của Trung
ương, tỉnh có thêm Hướng dẫn số 12 và Quy định số 31 của BTV Tỉnh ủy ban hành
có 6 tiêu chí đánh giá. Theo đó, tổ chức Đảng nào không tự chấm điểm được,
không được cấp ủy công nhận suốt 12 tháng (12 kỳ sinh hoạt thường kỳ và 4 kỳ
sinh hoạt chuyên đề) thì không có xếp loại.
Để nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên phải lấy
chi bộ làm nòng cốt, thực hiện nâng cao chất lượng phê bình, tự phê bình từ chi
bộ. Theo quy định, chi bộ không xuất sắc thì bí thư chi bộ, lãnh đạo phụ trách
không thể xuất sắc. Muốn làm tốt được nội dung này cần có sự phối hợp đồng bộ,
phát huy vai trò của bí thư chi bộ, cấp ủy viên phụ trách và người đứng đầu cấp
ủy cơ quan, đơn vị. Đối với chi bộ, ngoài việc đổi mới, nâng cao chất lượng
sinh hoạt, chuẩn bị chu đáo các nội dung sinh hoạt, nội dung kiểm điểm và gợi ý
kiểm điểm cho đảng viên thực hiện phê bình, tự phê bình. Trong sinh hoạt chi
bộ, thấy đúng bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nếu không sẽ mất phê bình ngay
từ sinh hoạt chi bộ.
Đoàn Văn Thu, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh