(HBĐT) - Chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021 với ý nghĩa nhân văn vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện được phát triển toàn diện. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người"Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.


Hội LHPN thành phố Hòa Bình thăm, tặng quà 2 trẻ mồ côi tại phường Tân Hòa (TP Hòa Bình). Hiện nay, Hội Phụ nữ Công an thành phố Hòa Bình là "Mẹ đỡ đầu" hai cháu.

Ấm áp tình mẹ

Có dịp cùng các "Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) đến thăm trẻ con Lừ Thị Hồng Lợi, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi của tình mẹ con trong ánh nhìn, cái nắm tay, lời nói ân cần của các mẹ. Em Lừ Thị Hồng Lợi mồ côi mẹ từ khi mới lọt lòng, nỗi đau chưa dừng lại khi em mất cả bố. Được biết hoàn cảnh của em, Hội LHPN phường thường xuyên quan tâm, chia sẻ cùng em và gia đình từ trước khi có chương trình "Mẹ đỡ đầu”. Chính vì thế mà đến nay, Lợi đã tự tin hơn, đôi mắt trong trẻo luôn ánh lên niềm vui và hy vọng khi được gặp các mẹ, được đón nhận tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, dạy dỗ của các mẹ.

Em Nguyễn Trần Anh Quân ở xóm Tân Lập, xã Thịnh Minh (thành phố Hoà Bình) mất bố khi mới 3 tuổi. Quân và mẹ cùng chị gái phải dựa vào nhau để vượt qua nỗi đau. Gia đình thuộc hộ nghèo, một mình chị Trần Thị Kim Chi phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ ăn học. Thiếu trụ cột gia đình, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai gầy của người phụ nữ. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Chi, Hội LHPN xã Thịnh Minh đã nhận đỡ đầu em Quân, cùng đồng hành với em và gia đình trong cuộc sống. Quân vui lắm khi có các mẹ đến chơi. Lúc đồng quà, tấm bánh, lần thì tấm áo, quyển vở, đôi dép… Quân được các mẹ chăm sóc, yêu thương nên cứ gần gũi, thân thương như mẹ Chi của Quân vậy.

Nỗi đau mất cha mẹ của các em nhỏ không gì bù đắp. Các em sống bên cạnh người thân của mình như ông bà, cô bác nhưng đa phần đều là hộ gia đình khó khăn. Chính vì vậy, là những người mẹ đỡ đầu - cán bộ, hội viên phụ nữ không chỉ của các cơ sở Hội trên địa bàn thành phố Hòa Bình, mà trên địa bàn tỉnh và cả nước, các mẹ đỡ đầu luôn yêu thương, chia sẻ với các con mồ côi như chính con đẻ của mình. Mỗi lần đến thăm, thấy các con thiếu thốn cả tình cảm và vật chất mà quặn lòng. Các mẹ đỡ đầu lại nhắc mình dành nhiều thời gian hơn cho các con; hỗ trợ, quan tâm, yêu thương, bù đắp cho các con nhiều hơn…

Chung tay kết nối yêu thương

Đồng chí Hà Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Từ cuối năm 2021, căn cứ nội dung phát động và hướng dẫn của T.Ư Hội LHPN Việt Nam về triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu", Hội LHPN tỉnh đã ban hành hướng dẫn triển khai chương trình trong các cấp Hội nhằm giúp Hội LHPN các cấp, các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia hiểu rõ nội dung, cách thức triển khai chương trình, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chăm lo cho trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 hoặc các nguyên nhân khác.

Hội Phụ nữ các cấp đã thực hiện song song việc đóng góp, gây quỹ và kêu gọi tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, giúp các cháu có môi trường phát triển tốt hơn. Bám sát thực tế tại địa phương, nhu cầu của từng cháu để Hội đưa ra phương án hỗ trợ bằng tiền mặt, thực phẩm, đồ dùng học tập với mức từ 2 – 5 triệu đồng/năm, thời gian hỗ trợ đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Tính đến nay, Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc đã tổng hợp danh sách, kết nối, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng 213 trẻ mồ côi, trong đó có 15 trẻ mồ côi mất bố, mẹ do dịch Covid-19.

Với thông điệp "Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau. Hãy hành động vì một tương lai hạnh phúc, tươi sáng của các em", đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Chương trình đã đem đến cho các con không chỉ có thêm một người mẹ, mà có thêm nhiều người thân, thêm một mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho các con về vật chất và tinh thần. Chương trình thực sự là cầu nối yêu thương - đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các con…

Tuy nhiên, qua rà soát của các cấp Hội Phụ nữ, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 trẻ mồ côi. Để chương trình thực sự lan tỏa và có tính bền vững, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục hình thành mạng lưới để quản lý chương trình, rà soát trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ. Đồng thời tăng cường kết nối, huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ để mang yêu thương đến với những trẻ mồ côi, giúp các em có tương lai tươi sáng hơn.

Để chương trình "Mẹ đỡ đầu" hoạt động bền vững

Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Chương trình "Mẹ đỡ đầu” tuy đã đạt được hiệu quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như các cấp Hội LHPN lúng túng về phương pháp, cách thức triển khai, kết nối nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, một số nơi chưa có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nguồn lực vận động của Hội LHPN các cấp còn hạn chế, đặc biệt là đối với địa bàn vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn...

Chính vì thế, theo đồng chí Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, ở giai đoạn tiếp theo, để thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" hiệu quả, bền vững và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, các cấp Hội LHPN trong tỉnh cần chú trọng vào một số giải pháp cụ thể trong công tác rà soát, kết nối đối tượng, bồi dưỡng nâng cao năng lực của "Mẹ đỡ đầu" và vận động chính sách, huy động nguồn lực để thực hiện chương trình. Cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo và tuyên truyền rộng rãi tính nhân văn của chương trình; thực hiện rà soát, khảo sát đối tượng, đảm bảo tiêu chí đỡ đầu, giúp đỡ kịp thời, đúng đối tượng. Phối hợp với các ngành chức năng xác minh thông tin của trẻ mồ côi và người nuôi dưỡng đảm bảo đúng yêu cầu của pháp luật và quy định của nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, Hội cần làm tốt vai trò vận động, kết nối hỗ trợ cho trẻ em mồ côi; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình và người đại diện chăm sóc thay thế; quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm… Tùy điều kiện của địa phương, có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các mẹ đỡ đầu, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn; kết nối tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề… Học hỏi, cập nhật các địa phương thực hiện ứng dụng phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu về trẻ mồ côi và các thông tin liên quan trẻ mồ côi để Hội quản lý trong chương trình hiệu quả hơn.

Đặc biệt, tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và các ngành để có được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi khó khăn. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc quản lý, điều phối và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo tính công bằng, kịp thời và hiệu quả; tham mưu, kiến nghị, đề xuất chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp để phát triển toàn diện.

Hồng Duyên


Nhóm ý kiến:

Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu

Ngay sau khi nhận được Kế hoạch của Hội Phụ nữ Bộ Công an; hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về nội dung chương trình "Mẹ đỡ đầu", nhận thấy đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, BCH Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các Hội Phụ nữ cơ sở tiến hành khảo sát tình hình trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 và trẻ em mồ côi do các nguyên nhân khác trong và ngoài lực lượng Công an tỉnh với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”.

Sau khi có kết quả khảo sát, BCH Hội đã họp, thảo luận thống nhất về nội dung, chương trình thực hiện, mức kinh phí để tổ chức thực hiện. Hội đã lựa chọn 13 trẻ, trong đó trẻ em mồ côi là con cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an tỉnh 5 cháu (2 cháu là con liệt sỹ Công an nhân dân), 1 cháu con công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn và 7 cháu là trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Kinh phí để triển khai thực hiện chương trình do toàn thể hội viên phụ nữ lực lượng Công an tỉnh đóng góp để hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/trẻ.

Ngay sau khi được lãnh đạo Công an tỉnh đồng ý phê duyệt nội dung, chương trình, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã có công văn trao đổi với Hội Phụ nữ các huyện, thành hội về thực hiện đỡ đầu đối với trẻ em mồ côi trên địa bàn. Đồng thời ban hành văn bản phân công thực hiện trao quà đỡ đầu hàng tháng, quý cho các con. Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi với chính quyền xã nơi trẻ em mồ côi sinh sống để ký giao ước giữa "mẹ đỡ đầu" với gia đình người đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tổ chức trao quà, thăm hỏi, động viên trẻ em mồ côi và gia đình.

Tính đến cuối năm 2022, số trẻ mồ côi được Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp với Chi đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ ngoài lực lượng, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu là 21 trẻ, mức hỗ trợ 130 triệu đồng/năm. Ngoài kinh phí đỡ đầu hàng tháng, chương trình còn trao quà cho các con nhân dịp năm học mới gồm: 12 triệu đồng tiền mặt, 3 chiếc xe đạp, 12 bộ quần áo, vở, 3 bộ bàn học…

 

Nguyễn Thị Thanh Hoàng

Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh


 

"Mẹ đỡ đầu" sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các con

Sau một thời gian triển khai, chương trình "Mẹ đỡ đầu” đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay, góp sức cùng chính quyền các cấp giúp đỡ, chăm lo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Với nhiều cách làm cụ thể, dựa trên thực tiễn của từng địa phương, sau hơn 1 năm triển khai, qua rà soát trên địa bàn thành phố có 198 trẻ mồ côi, trong đó 3 cháu mồ côi do dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác. Các cấp Hội đã lựa chọn kết nối nhận đỡ đầu 32 em bằng các hình thức về tài chính cho trẻ hàng tháng đến tuổi trưởng thành, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo… tổng giá trị trên 130 triệu đồng.

Để chương trình thực sự lan tỏa và có tính bền vững, thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp thành phố Hòa Bình tiếp tục hình thành mạng lưới quản lý chương trình; rà soát số trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ; tăng cường kết nối, huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu ý nghĩa của chương trình. Từ đó huy động sự chung tay, vào cuộc của mọi người nhằm giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt thiệt thòi, yên tâm học tập, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội.

Phạm Thị Phương

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hòa Bình


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục