Rác thải nhựa (RTN) phát sinh trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong sản xuất nông nghiệp (SXNN)... từ lâu đã trở thành một trong những vấn đề cấp thiết. Nhiều biện pháp, giải pháp đã được đặt ra, tuy nhiên, các vấn đề, nguy cơ ảnh hưởng của RTN tới môi trường, cuộc sống vẫn hiện hữu...


Chi hội phụ nữ tổ 6, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) thu gom, phân loại rác thải để "đổi rác thải thành tiền”, giúp hội viên hoàn cảnh khó khăn có sinh kế ổn định cuộc sống.


Đoàn Thanh niên huyện Đà Bắc phối hợp các cơ quan chức năng địa phương triển khai mô hình "Ngôi nhà xanh hạn chế rác thải nhựa” tại các trường học trên địa bàn huyện.

Tăng cường công tác quản lý

Xuất phát từ thực tế và nhận thức về những nguy cơ ảnh hưởng, tác động, hệ lụy của RTN đến môi trường sống, đồng thời đảm bảo an ninh môi trường, những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường nói chung và giải quyết các vấn đề liên quan đến RTN nói riêng. Điển hình như Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 30/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND, ngày 15/01/2018 của UBND tỉnh quy định quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 62-CT/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào "Chung tay hành động giải quyết vấn đề RTN trên địa bàn tỉnh”... Đây là cơ sở để các cấp, ngành, các địa phương triển khai chương trình hành động giải quyết vấn đề RTN, thu gom RTN; giải quyết các tồn đọng về xử lý RTN trên địa bàn tỉnh. 

Cùng với đó, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa, xây dựng, ban hành các chương trình hành động phù hợp; kịp thời triển khai các văn bản, chỉ đạo giải quyết những nội dung mang tính ưu tiên, vấn đề cấp thiết liên quan đến RTN như: Tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt, giảm thiểu RTN...; triển khai phổ biến đến các địa phương, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp, làng nghề... Theo đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở quán triệt, triển khai đồng bộ các văn bản, chỉ đạo của các cấp về việc "Chung tay hành động giải quyết vấn đề RTN trên địa bàn tỉnh”, các đơn vị chuyên môn đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện phong trào "Phòng, chống RTN", "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, góp phần thiết thực BVMT.

Tạo chuyển biến từ những việc nhỏ

Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, giải quyết vấn đề RTN đã tạo ra những bước chuyển quan trọng trong nhận thức về giải quyết RTN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc BVMT, phòng chống những ảnh hưởng, tác hại của RTN. Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình, cách làm hay về thu gom, xử lý RTN. Điển hình như mô hình "Thu gom rác thải tái chế” tạo nguồn quỹ giúp đỡ hội viên và phụ nữ nghèo của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hòa Bình. Từ triển khai mô hình, chi hội phụ nữ tổ 6, phường Quỳnh Lâm đã "đổi rác thải thành tiền”, giúp hội viên hoàn cảnh khó khăn có sinh kế để ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên. Bằng cách làm này, từ năm 2021 đến nay, chi hội đã trao tặng 2 con trâu, trị giá 32 triệu đồng và 12 suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn. Theo chị Nguyễn Thị Minh, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ 6, phường Quỳnh Lâm, hiệu quả đạt được của mô hình là vừa góp phần BVMT sống, vừa hỗ trợ được hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình "Phòng chống và phân loại RTN trong trường học” do Tỉnh Đoàn phát động nhằm hưởng ứng phong trào "Nói không với RTN”. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng, triển khai mô hình, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình từ thầy, cô giáo và học sinh. Cô giáo Phạm Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) cho biết: Mô hình "Phòng chống và phân loại RTN trong trường học” giúp các em học sinh có thể nhận thức rõ mối nguy hại và phân loại rác thải, như vỏ lon, vỏ chai nhựa dùng để thực hiện phong trào và các hoạt động của Đoàn, của lớp. Các loại rác thải được thu gom hàng ngày, đúng nơi quy định. Mô hình là giải pháp cần thiết và cấp bách, giáo dục ý thức BVMT cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, qua đó không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực mà còn góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, bền vững.

Huyện Đoàn Đà Bắc cũng tích cực phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong hoạt động BVMT với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả. Nổi bật là các mô hình: "Chợ dân sinh giảm thiểu RTN”, "Đổi RTN lấy cây xanh”, "Ngôi nhà xanh hạn chế RTN”... Theo đồng chí Phùng Hoà Hiệp, Phó Bí thư Huyện Đoàn Đà Bắc: Phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, Huyện Đoàn Đà Bắc đã duy trì, đẩy mạnh hoạt động BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng thành lập các đội, câu lạc bộ thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động BVMT, vận động đoàn viên, thanh niên hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên đăng ký thực hiện các mô hình kinh tế xanh, sản xuất, chế biến theo hướng nông nghiệp xanh, sạch. Từ đó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi đoàn viên, thanh niên trong việc BVMT.

Ngoài các mô hình trên, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong toàn tỉnh đã xây dựng trên 300 mô hình BVMT nông thôn; tổ chức hàng chục lễ phát động phong trào "Phòng, chống RTN”; hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường thế giới với chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon” với hàng chục nghìn lượt người tham gia. Từng bước tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động trong công tác phòng, chống RTN.

Mỗi hành động nhỏ sẽ mang lại lợi ích lớn

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giải quyết vấn đề RTN. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, vấn đề này vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, nhất là vấn đề xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trong SXNN ở khu vực nông thôn và RTN phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Theo thống kê, hiện nay, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh trên 395,2 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, lượng RTN phát sinh ước khoảng 80 tấn/ngày. Song chỉ một số ít RTN được thu gom, tái chế, tận dụng, vẫn còn lượng lớn RTN bị thải trực tiếp ra môi trường.

Đối với rác thải từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng và chất thải nhựa trong SXNN, mặc dù việc thu gom đã trở thành thói quen của đa số nông dân, người SXNN, nhất là ở các vùng sản xuất tập trung; tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng vật liệu nhựa trong SXNN đạt gần 70% (khoảng trên 800 tấn/năm). Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm, đó là số bể chứa bao gói thuốc BVTV còn thấp, cả tỉnh hiện mới có 1.653 bể chứa; tỷ lệ thu gom, tiêu hủy vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thấp, mới đạt khoảng 20%. Ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người dân trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong SXNN chưa tốt. Nhiều nơi người dân còn xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong SXNN bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp về vấn đề RTN chưa được coi trọng, còn tình trạng thực hiện đối phó. Kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại nói riêng và RTN nói chung còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều bể chứa quá tải, không có kho lưu chứa... gây ô nhiễm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, sơ chế, chế biến trên địa bàn phần lớn là cơ sở nhỏ lẻ, phân tán tại các địa bàn, vì vậy công tác quản lý gặp nhiều khó khăn...

Để giải quyết vấn đề trên, theo các chuyên gia về môi trường, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân "Chung tay hành động giải quyết vấn đề RTN” gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và chương trình  xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai quyết liệt đề án "Thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV và chất thải nhựa trong SXNN giai đoạn 2021 - 2025”. Thu hút các mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, cải thiện sinh kế, đẩy mạnh hoạt động du lịch để tạo giá trị gia tăng cho vùng nông nghiệp nông thôn; hình thành các khu vực SXNN áp dụng triệt để nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn. Nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động của mỗi người dân, chung tay, góp sức để giải quyết vấn đề RTN trên tinh thần "một hành động nhỏ cũng sẽ mang lại những lợi ích lớn”...


Mạnh Hùng


Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối

Nguyễn Văn Cường
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ  

Như chúng ta đã biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề rất nhức nhối. Rác thải nhựa không chỉ khó phân hủy mà còn gây ô nhiễm đất, tác động xấu đến hệ động thực vật, đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học đã được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá và chỉ rõ. 

Về lâu dài, nếu chúng ta không kiểm soát và xử lý tốt các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn đến hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường sống. Do vậy, đã đến lúc cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn ô nhiễm từ rác thải nhựa một cách quyết liệt với các biện pháp hiệu quả hơn.


Cần chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Nguyễn Hồng Yến
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 62-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào "Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh”. Đây là cơ sở để các cấp, ngành, các địa phương triển khai chương trình hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, những tồn đọng xung quanh vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp về vấn đề rác thải nhựa chưa được coi trọng, vẫn còn tình trạng thực hiện chiếu lệ, đối phó. Để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả cần đẩy mạnh phong trào toàn dân "Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa”; kiểm soát sự phát sinh chất thải nhựa theo hướng hạn chế sử dụng ngay từ đầu vào của các quy trình sản xuất, nhằm hạn chế tình trạng rác thải nhựa, nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, xử lý bao gói, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.


Người dân còn thải vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường   

Lường Văn Xứng
Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (Đà Bắc)

Là địa phương có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, do vậy, quá trình sản xuất người dân đã sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. 

Liên quan đến vấn đề này, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở bà con về việc tuân thủ các nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sau khi sử dụng phải thu gom bao gói đúng quy định. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nguy hại như thuốc diệt cỏ trong sản xuất; sau khi sử dụng còn vứt vỏ bao gói bừa bãi ra mương máng, nguồn nước...

Các tin khác


Tăng tốc phát triển du lịch bền vững

Với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, du lịch Hòa Bình có đầy đủ điều kiện để xây dựng, hình thành các sản phẩm hấp dẫn, thu hút được đông đảo khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bên cạnh bước phục hồi, tăng trưởng tốt, hoạt động du lịch của tỉnh còn không ít tồn tại, hạn chế.

Huy động nguồn lực xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thời gian qua, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là chủ trương lớn, đúng đắn và kịp thời, được tỉnh Hòa Bình quan tâm thực hiện thông qua hình thức đa dạng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã chung tay, huy động nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực giúp người nghèo "an cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ đi vào thực chất

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo (HT<) Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phục vụ quê hương, đất nước, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực.


Sử dụng hiệu quả nguồn quỹ chăm sóc người cao tuổi

Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy (CS&PH) vai trò người cao tuổi (NCT) tỉnh Hòa Bình đã được thành lập và hoạt động hiệu quả tại 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương dành cho công tác chăm lo cho NCT còn hạn hẹp thì việc phát huy nội lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó tạo thêm nguồn lực góp phần thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ, CS&PH vai trò NCT, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên

Năm 2023, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình kết nạp được 1.856 đảng viên, đạt tỷ lệ 2,65% tổng số đảng viên và xếp thứ 55 toàn quốc về công tác phát triển đảng viên (PTĐV). Năm 2024, tỉnh ta phấn đấu kết nạp được 2.100 đảng viên mới trở lên so với tổng số 70.045 đảng viên có đến thời điểm 31/12/2023 (đạt tỷ lệ 3%). 6 tháng đầu năm 2024, với rất nhiều nỗ lực và giải pháp quyết liệt, toàn tỉnh đã kết nạp được 876 đảng viên, đạt 41,71% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một số đảng bộ thực hiện kết nạp đảng viên mới trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá như Lạc Thủy đạt 67%, Tân Lạc 59,5%, Công an tỉnh đạt 48,57%, Mai Châu đạt 47,65%... Tuy nhiên cũng có một số đảng bộ thực hiện đạt thấp như Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh 36,13%, huyện Kim Bôi 33,17%, huyện Cao Phong 33%, thành phố Hòa Bình 26,52%.

Xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân

Thực tiễn hiện nay cho thấy, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng đã có bước phát triển lớn mạnh, trưởng thành về chất và có những đóng góp to lớn vào quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đủ sức làm chủ quá trình đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên có không ít thách thức đặt ra cho sự phát triển, lớn mạnh của giai cấp công nhân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục