Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy (CS&PH) vai trò người cao tuổi (NCT) tỉnh Hòa Bình đã được thành lập và hoạt động hiệu quả tại 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương dành cho công tác chăm lo cho NCT còn hạn hẹp thì việc phát huy nội lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó tạo thêm nguồn lực góp phần thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ, CS&PH vai trò NCT, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.


Lãnh đạo Hội Người cao tuổi tỉnh nắm bắt việc thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi tại phường Dân Chủ, TP Hòa Bình.

Hưởng lợi từ nguồn quỹ

Kim Bôi là một trong những địa phương tiêu biểu trong công tác vận động xây dựng Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT giai đoạn 2018 - 2023. Theo đó, với tổng nguồn quỹ gần 2,5 tỷ đồng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 11 căn nhà, kinh phí 360 triệu đồng; tặng quà NCT thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách dịp lễ, Tết với số tiền trên 600 triệu đồng; đối ứng nguồn kinh phí trên 500 triệu đồng xây dựng các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ngoài dự án.

Hộ bà Bùi Thị Nhiên, xóm Suối Thượng, xã Nuông Dăm là một trong những hộ được hưởng lợi từ nguồn quỹ để xây dựng nhà ở. Bà Nhiên chia sẻ: "Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên được hỗ trợ xây dựng nhà mới là niềm mơ ước của cả gia đình. Vào dịp lễ, Tết, Hội NCT các cấp cũng đến thăm hỏi, động viên và trao những phần quà ý nghĩa”.

Thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 23/03/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với cuộc vận động nhân dân quyên góp ủng hộ các quỹ xã hội, từ thiện. Hàng năm, Hội đồng Quản lý (HĐQL) Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT đã xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy cho phép xây dựng kế hoạch và phát động cuộc vận động trong toàn tỉnh. Từ đó huy động sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ quỹ ở cả 3 cấp. Để cuộc vận động đạt kết quả cao, HĐQL quỹ lấy dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT 1/10 là đợt cao điểm vận động quỹ hàng năm. Trong quá trình vận động, nguồn quỹ nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, tiêu biểu như các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Công an, NN&PTNT, Công ty thủy điện Hòa Bình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh… Đối với quỹ cấp huyện tiêu biểu như: Kim Bôi, Yên Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy.

Tổng kết giai đoạn 2018 - 2023, Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT tại 3 cấp đã huy động được gần 28 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Nhiều hoạt động tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… đối với NCT được triển khai. Cụ thể, HĐQL quỹ đã sử dụng nguồn kinh phí trên 1 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhà ở cho NCT thuộc hộ nghèo, khó khăn về nhà ở; trên 20 tỷ đồng thực hiện các hoạt động tri ân, tặng quà, đảm bảo an sinh xã hội cho NCT; trích kinh phí 1,4 tỷ đồng để thành lập, nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Cao Phong Lạc Sơn…

Toàn tỉnh hiện có gần 121.800 hội viên NCT, trong đó có trên 40.000 NCT trực tiếp lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi; trên 6.000 NCT tham gia công tác đảng, chính quyền, đoàn thể như: bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu dân cư; trên 15.200 NCT tham gia giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Khó khăn trong huy động nguồn quỹ

Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với NCT. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên nguồn ngân sách dành cho quỹ các cấp vẫn chưa được thực hiện. Theo rà soát, tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm xấp xỉ 18% tổng số NCT. Trong đó, 9.301 NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và các khoản trợ cấp khác (chiếm 8%), 6.261 NCT từ 60 - 79 tuổi khó khăn, tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa (chiếm 5,2%). Tỷ lệ NCT là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 65% dân số toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn… Chính vì thế, nguồn Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT hạn hẹp ít nhiều tác động tới hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCT.

Tại huyện vùng cao Đà Bắc, giai đoạn 2018 - 2023 chỉ huy động được 180 triệu đồng xây dựng Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT, thấp nhất các địa phương trong toàn tỉnh. Trong đó, năm 2023, nguồn quỹ cấp huyện vận động chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng. Bà Xa Thị Huyền, Trưởng Ban đại diện Hội NCT huyện, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT huyện Đà Bắc chia sẻ: "Công tác vận động xây dựng quỹ trong thời gian qua còn chậm, số thu quỹ thấp, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân do Đà Bắc là huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển. Số lượng doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn ít nên công tác xã hội hóa, vận động xây dựng quỹ gặp nhiều khó khăn”.

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT thời gian qua chưa kịp thời. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của nguồn quỹ đối với NCT. Hình thức vận động, triển khai xây dựng nguồn quỹ chưa có nhiều đổi mới về phương pháp và cách làm. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đó ít nhiều làm suy giảm nguồn quỹ xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Hiện nay, Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT các cấp đã thực hiện theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, ngày 25/11/2019 của Chính phủ, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc. Công tác kiện toàn HĐQL quỹ tại cơ sở chậm. Cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia ủng hộ nhiều nguồn quỹ như quỹ "Vì người nghèo, quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa”, quỹ Khuyến học... nên nguồn lực xã hội hóa bị phân tán, chia nhỏ.

Vì sự nghiệp chăm lo cho người cao tuổi

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với công tác xây dựng nguồn quỹ. HĐQL quỹ chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức phát động trong bối cảnh chuyển đổi số. Huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng doanh nghiệp để NCT được thụ hưởng các chương trình chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Để tiếp tục chăm lo cho NCT, góp phần thực hiện hiệu quả công tác CS&PH vai trò NCT theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Luật NCT, HĐQL quỹ chú trọng đổi mới cách làm, sáng tạo trong việc vận động nhằm nâng cao hiệu quả nguồn quỹ. Trong đó, tập trung làm tốt công tác theo dõi về tổ chức, quản lý sử dụng quỹ. Xây dựng kế hoạch, kiểm tra định kỳ đối với quỹ cấp huyện, cấp xã. Thông qua đó phát hiện sai sót có thể điều chỉnh và hỗ trợ cơ sở trong hoạt động và triển khai sử dụng quỹ hiệu quả hơn. HĐQL quỹ các cấp và Hội NCT tỉnh phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý quỹ cho cán bộ Hội và cán bộ làm công tác quản lý quỹ các cấp.

Đồng chí Bùi Tuấn Hải, Chủ tịch Hội NCT tỉnh, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT tỉnh khẳng định: "Sau thời gian triển khai huy động và xây dựng nguồn quỹ cho thấy sự chung tay của toàn xã hội trong sự nghiệp CS&PH vai trò NCT. Thời gian tới, HĐQL quỹ tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện xây dựng Quỹ toàn dân CS&PH vai trò NCT trong cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng kế hoạch vận động quỹ hàng năm gắn với thực hiện "Tháng hành động vì NCT Việt Nam”. Chú trọng đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý quỹ các cấp. Làm tốt công tác theo dõi về tổ chức, quản lý sử dụng quỹ đảm bảo theo điều lệ và quy chế quản lý quỹ. HĐQL quỹ cấp tỉnh hàng năm tổ chức kiểm tra lồng ghép với kiểm tra hoạt động công tác hội định kỳ. Từ đó góp phần phát huy hiệu quả nguồn quỹ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chăm sóc, động viên NCT sống vui - sống khỏe - sống hạnh phúc, tích cực hiến công, hiến kế và tham gia xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đức Anh


Nhóm ý kiến: 

Huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp

Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2018 - 2023 nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, trong đó huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Từ nguồn quỹ đã triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT. Đồng thời phát huy vai trò NCT trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp hoạt động. Đây là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng là lực lượng tiên phong trong việc hỗ trợ thực hiện các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động chăm lo và phát huy vai trò NCT. Từ đó xây dựng nguồn quỹ dồi dào để triển khai đa dạng, thiết thực các hoạt động hướng về NCT, đặc biệt đối với NCT tại vùng sâu, vùng xa, NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Nguyễn Văn Toàn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tỉnh

 


Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi 

Mai Châu là huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gồm các dân tộc: Mường, Thái, Mông, Dao, Kinh. Trong đó, một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Hang Kia, Pà Cò, Cun Pheo, Tân Thành... đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, chất lượng cuộc sống của NCT thấp hơn so với địa bàn vùng trung tâm.

Giai đoạn 2018 - 2023, huyện Mai Châu đã tập trung xây dựng Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò NCT nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT, từ đó phát huy vai trò NCT trong cộng đồng dân cư, hoạt động xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giúp NCT được sống vui - sống khỏe - sống hạnh phúc, là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

 

Hoàng Đức Minh

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu,

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi huyện Mai Châu


 

Thiết thực các hoạt động chăm sóc người cao tuổi 

Đối với NCT có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì nguồn Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò NCT có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ NCT cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ nguồn quỹ vận động đã triển khai đa dạng, phong phú các hoạt động chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn, thể hiện sự quan tâm, chung tay của cộng đồng xã hội đối với NCT trên địa bàn tỉnh.

Để nguồn quỹ triển khai thực hiện hiệu quả, đúng mục đích, NCT mong muốn tiếp tục được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, mong tỉnh có cơ chế, chính sách vận động linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Duy trì triển khai đa dạng, thiết thực các hoạt động ý nghĩa hướng về NCT như: tư vấn chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao thu nhập…; quan tâm đến NCT thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách.

Hà Công Cọt

Người cao tuổi xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc


 

Các tin khác


Sẻ chia những "giọt hồng" nhân ái

Với mong muốn giúp những người bệnh nguy kịch cần máu được cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể và tình nguyện viên trên khắp địa bàn tỉnh không ngần ngại đăng ký hiến máu tình nguyện (HMTN), chia sẻ những "giọt hồng" để cứu người. Đó là hành động cao đẹp, ý nghĩa, đề cao tinh thần "tương thân tương ái” trong cộng đồng, giúp phong trào HMTN của tỉnh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng và phát triển, là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cộng đồng đang chung tay thực hiện. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với việc xác định mục tiêu, có những biện pháp tích cực và sự nỗ lực từ các tổ chức, dự án, chương trình… mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản

Theo các chuyên gia kinh tế, tháo gỡ rào cản về pháp lý và nguồn vốn là hai vấn đề tỉnh Hòa Bình cần tập trung triển khai thực hiện nhằm khơi thông thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững.

Góp phần bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Đà

Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên quý giá, có khả năng tái tạo, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và đời sống người dân. Đối với tỉnh Hòa Bình, thủy sản được nuôi trồng chủ yếu ở khu vực lòng hồ sông Đà. Đây không chỉ là nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng phục vụ đời sống hàng ngày mà còn tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân vùng hồ. Bởi vậy, việc tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trên lưu vực sông Đà không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương mà cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân.

Đưa kiến thức pháp luật đến người lao động trong doanh nghiệp

(HBĐT) - Để người lao động (NLĐ) không vi phạm pháp luật và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì trước tiên NLĐ phải được trang bị, hiểu biết về pháp luật và các quy định liên quan. Do đó, Công đoàn tỉnh xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, các cấp Công đoàn trong tỉnh chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức tuyên truyền giúp NLĐ dễ tiếp cận thông tin, nắm vững kiến thức. 

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục