(HBĐT) - Năm 1999, hệ thống nước sinh hoạt bao gồm 26 bể nước sạch được xây dựng mang lại hy vọng và niềm vui lớn cho người dân xã Phúc Sạn (Mai Châu). Tuy nhiên, chỉ sau vài năm sử dụng, những công trình tiền tỷ này đã hư hỏng nghiêm trọng, không thể sử dụng được.
Từ trung tâm huyện Mai Châu, vượt qua chặng đường gập ghềnh gần 20 km, chúng tôi có mặt ở xã Phúc Sạn. Giữa những ngày tháng 7, chúng tôi cảm nhận rõ “cơn khát” nước sạch của người dân nơi đây.
Công trình nước sạch ở xóm Sộp, xã Phúc Sạn (Mai Châu) bị bỏ hoang nhiều năm.
Qua tìm hiểu thực tế được biết, xã Phúc Sạn được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch dùng cho cộng đồng vùng khó khăn theo Dự án 747. Năm 1999, xã được khởi công xây dựng 26 công trình bể chứa nước tại 8 xóm và tổ Bãi Sang. Các công trình hoàn thành đi vào sử dụng mang lại cuộc sống mới cho người dân. Tuy nhiên, công trình sử dụng được đến năm 2007, từ đó đến nay, các bể chứa nước sạch hầu như bị bỏ hoang.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn cho biết: Các bể chứa nước công cộng được Nhà nước đầu tư xây dựng ở tất cả các xóm trong xã. Tuy nhiên, các bể nước này đa phần được xây dựng ở xa KDC, không thuận lợi cho người dân trong việc dẫn nước về hộ gia đình. Các hộ mất rất nhiều công sức, tiền của để dẫn nước về phục vụ sinh hoạt. Đặc biệt, chưa có hướng dẫn, quy định về việc đấu nối nên “mạnh ai, nấy làm” dẫn đến hỏng hóc, xuống cấp hệ thống cấp nước. Ngoài ra còn phải nói đến cơn bão số 5 năm 2007 đã vùi lấp, làm hư hỏng gần như hoàn toàn một số bể chứa nước, làm vỡ đường ống. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng và bảo vệ công trình của nguời dân còn kém. Nhiều người chỉ biết sử dụng mà không có ý thức vệ sinh, bảo vệ công trình. Do đó, một số công trình nước sạch gần như bị bỏ không hoàn toàn như ở các xóm Gò Mu, Gò Lào, So Lo... Các hư hỏng từ năm 2007 đến nay vẫn không được quan tâm sửa chữa càng khiến cho công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Xã Phúc Sạn hiện có 512 hộ với 2.056 nhân khẩu sống ở 8 xóm. Theo khảo sát của chúng tôi, xã có địa hình đồi, núi dốc, khả năng giữ nước kém. Người dân không thể đào giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Chính vì vậy, để có nước sinh hoạt hàng ngày, người dân phải tự mua ống nhựa để dẫn nước từ các khe suối về nhà. Một số hộ không có điều kiện xây bể chứa thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nước hoặc sử dụng nước chưa đảm bảo vệ sinh. Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Hoa, xóm Sộp cho biết: Mùa khô, khe suối đầu nguồn cạn, chúng tôi phải chắt từng xô nước vào can chở về nhà dùng. Mùa mưa, nước suối đục ngầu, nhìn bằng mắt thường đã thấy không đảm bảo vệ sinh. Một năm chỉ được vài tháng có nước dùng còn lại phải đi xin hoặc chở cách vài cây số.
Phúc Sạn là xã di dân để xây dựng Thủy điện Hòa Bình, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 chỉ đạt 8,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã còn chiếm 63%. Do đó, việc để người dân tự đóng góp tiền xây dựng hoặc sửa chữa các công trình nước sạch vô cùng khó khăn. Việc phải sử dụng nước tự chảy từ các khe đá, vách núi không đảm bảo vệ sinh trong nhiều năm liên tục tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người dân nơi đây.
Trước thực tế này, đồng chí Chủ tịch UBND xã trăn trở: Đối với công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, nơi nào không thể đầu tư xây dựng tập trung thì Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí cho nhân dân xây dựng các công trình nhỏ lẻ ngay tại gia đình. Sau sự việc này, xã cũng rút ra bài học là cần chú trọng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác, tinh thần xây dựng trong sử dụng các công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng, có như vậy mới phát huy hiệu quả và hạn chế hỏng hóc. Trước mắt, chính quyền và nhân dân xã Phúc Sạn tha thiết mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp trong sửa chữa hệ thống bể hư hỏng để cấp lại nước cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi ông Hà Công Hợi, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Châu cho biết: Đây là công trình của Dự án di dân lòng hồ sông Đà (747) làm chủ đầu tư. Khi khảo sát để xây dựng, ngoài chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế đều có đại diện các hộ dân tham gia. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, mưa lũ nhiều, công trình đã bị hư hỏng không thể sử dụng được. Mặt khác, thực hiện chương trình tái định cư của tỉnh, nhiều hộ dân chuyển đến sinh sống tại huyện Yên Thủy. Do vậy, một số công trình bỏ hoang. Còn những công trình khác, hàng năm huyện vẫn bố trí nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng nhưng mấy năm nay không thấy UBND xã đề xuất sửa chữa mà để người dân tự làm.
Thu Thủy
Ngày 5-8, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN-MT thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản yêu cầu đơn vị đổ trái phép khoảng 95 tấn rác thải các loại của Công ty Formosa Hà Tĩnh tại khu vực mỏ đá ở địa bàn phường Kỳ Phương phải tự phân loại, bốc xúc, thu gom để vận chuyển đến địa điểm xử lý đảm bảo theo đúng quy định.
Một vụ tai nạn sập nhà nghiêm trọng đã xảy ra vào rạng sáng nay tại ngôi nhà 4 tầng số 43 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội làm vùi lấp nhiều người ở trong nhà
Theo tin từ Viettel và VNPT cho biết, tuyến cáp quang biển AAG lại gặp sự cố vào lúc 17h39’ ngày hôm qua 2-8. Vị trí cáp đứt cách trạm cập bờ South Lantau của Hong Kong khoảng 90 km. Sự cố đứt tuyến cáp quang biển AAG khiến internet đi quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng.
(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có 30 mỏ vật liệu xây dựng, 24 mỏ nguyên liệu và 2 nhà máy xi măng. Do đó, hoạt động vận tải diễn ra khá sôi động và phổ biến tình trạng vi phạm quy định về trọng tải. Tuy nhiên, công tác kiểm soát trọng tải phương tiện đang gặp phải khá nhiều khó khăn.
(HBĐT) - Ngày 2/8, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo triển khai Dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” tại tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Ngày 2-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết luận về việc chôn lấp bùn thải trái phép của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh. Kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm cho thấy, trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải chứa xyanua vượt ngưỡng chất thải nguy hại.