Năm 2017, vượt qua nhiều thách thức, ngành NN&PTNT đã đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn. Thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. KHCN – nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP hàng nông sản tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai được quan tâm. Vốn đầu tư công được quản lý chặt chẽ. Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được chỉ đạo sát sao, thu hút sự tham gia của toàn xã hội... Theo số liệu thống kê, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 tăng 2,9% (nếu không bị thiệt hại nặng bởi các cơn bão số 10, 12 thì khả năng sẽ tăng trên 3%), giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Nhìn chung, ngành NN&PTNT đã hoàn thành tốt kế hoạch năm 2017. Trong đó, một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như: kim ngạch xuất khẩu (đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 36,37 tỷ USD); xây dựng NTM (cả nước có 2.884 xã, tương đương 32,3% và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn), xây dựng thể chế và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành (cả nước hiện có 33.500 trang trại, 11.688 HTX nông nghiệp, trong năm 2017 đã có 1.189 HTX, 1.955 doanh nghiệp thành lập mới)...
Các đại biểu tỉnh ta tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Những kết quả nổi bật và toàn diện trong năm 2017 chính là thành quả quan trọng của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đồng thời thể hiện nỗ lực lớn của ngành trong bối cảnh khó khăn và thiên tai chồng chất. Bên cạnh kết quả đạt được, ngành NN&PTNT vẫn còn những hạn chế như cơ cấu lại nông nghiệp đạt kết quả chưa đồng đều, công nghiệp chế biến chậm phát triển, hội nhập quốc tế chưa sâu rộng, còn nhiều lúng túng trong ứng phó với biến đổi khí hậu... Đó cũng chính là những thách thức đặt ra cho năm 2018 – năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 của ngành NN&PTNT.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những diễn biến nổi bật của ngành nông nghiệp năm 2017, từ đó kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phát triển thời gian tới. Về triển khai nhiệm vụ năm 2018, hội nghị đã thống nhất định hướng trọng tâm là: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước. Triển khai ngay từ đầu năm Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8 – 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí NTM... Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, Bộ NN&PTNT xác định 08 nhóm giải pháp chính cần tập trung thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là phải đối mặt với những đợt thiên tai kỷ lục nhưng ngành NN&PTNT vẫn đạt được những thành tích vượt trội, đóng góp quan trọng vào thành công của đất nước trong năm 2017. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ngành và đề nghị trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT và các địa phương tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Về nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những hạn chế cần tập trung khắc phục, nhấn mạnh định hướng xuyên suốt là tạo chuyển biến rõ nét và thực chất hơn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để làm được điều đó, Thủ tướng yêu cầu ngay từ đầu năm cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành và hệ thống chính trị, chú trọng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức lại sản xuất theo hướng ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao; nhân rộng các mô hình hiệu quả theo chuỗi giá trị; kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào của sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; nâng cao đời sống cho người dân khi thực hiện chương trình NTM; chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục thể chế mô hình phát triển, cải thiện môi trường thu hút đầu tư... Về những kiến nghị mà đại biểu đưa ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số vấn đề, sau đó giao cho các bộ, ngành liên quan để giải quyết cụ thể, thấu đáo.
Thu Trang