Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh, lưỡi cao áp lạnh lục địa tiếp tục di chuyển mạnh xuống phía nam, các tỉnh miền bắc và miền trung tiếp tục rét đậm, rét hại.
Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, nhiệt độ ngày 11/1, tại thành phố Hòa Bình, nhiệt độ thấp nhất là 10 độ, cao nhất 17 độ, ở các huyện như Mai Châu, Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc, nhiệt độ khoảng 9 độ, tuy nhiên ở những xã vùng cao nhiệt độ sẽ còn xuống thấp hơn. Thời tiết rét lạnh, khô hanh sẽ còn tiếp tục duy trì trong hai đến ba ngày tới. Cụ thể: hình thái thời tiết chung trên toàn tỉnh các ngày từ 12 – 14/1 là mây thay đổi đến nhiều mây, không mưa, trời rét hại; nhiệt độ phổ biến 9 – 17 độ tại thành phố Hòa Bình, vùng núi cao nhiệt độ xuống thấp hơn khoảng 7 – 8 độ, cần đề phòng sương mù, băng giá. Về đêm, nhiệt độ cao nhất tại khu vực thấp vẫn không vượt quá 10 độ.
Theo đồng chí Vũ Hồng Quân, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, đây là đợt thứ 2 trong năm, miền bắc nói chung và tỉnh ta nói riêng chịu đợt rét đậm, rét hại, nền nhiệt chưa thấp hơn so với năm 2017, tuy nhiên sự chênh lệch nhiệt độ lớn và đột suất, ngay ngày hôm trước nền nhiệt khoảng hơn 20 độ, ngày hôm sau đã giảm sâu 13 – 14 độ. Sự chênh lệch lớn này làm cho người dân khó thích nghi và cảm nhận rét hơn bình thường.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh dự báo ngày 14/1, nhiệt độ sẽ ấm dần lên nhưng đây chưa phải là đợt rét đậm nhất trong năm. Khu vực tỉnh Hòa Bình, các đợt rét đậm, rét hại thường tập trung vào tháng 1 đầu tháng 2. Đối với các huyện như Đà Bắc, Mai Châu là những huyện vùng cao thời tiết rét đậm rét hại sẽ khắc nghiệt hơn vì bản thân các huyện nay, đặc biệt là các xã vùng cao như Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu); Ngổ Luông, Bắc Sơn (Tân Lạc), vùng Miền Đồi, Ngọc Sơn, Tự Do của Lạc Sơn và các xã vùng cao Đà Bắc. Với những xã vùng cao nay sẽ ảnh hưởng không khí lạnh do chênh lệch nhiệt độ vùng cao và còn bị ảnh hưởng tác động của không khí lạnh và gió mùa nên hiện tượng lạnh giá, sương muối sẽ rất phổ biến.
Cùng với thời tiết, diễn biến tình hình thủy văn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng khá phức tạp, về cơ bản là ít mưa, lạnh khô. Lũ muộn có khả năng xảy ra như năm 2016 – 2017. Mực nước các sông suối có thể biến đổi chậm và xuống dần. Tuy nhiên không loại trừ khả năng xảy ra đột biến về các hiện tượng cực đoan về nhiệt độ và mưa cục bộ. Đặc biệt cần đề phòng khả năng khô hạn kéo dài có thể xảy ra nhiều nơi trong tỉnh.
Theo đồng chí Vũ Hồng Quân, thời tiết mùa đông năm nay do hiện tượng ENSO tiếp tục được dự báo sẽ ở pha trung tính nhưng nghiêng về pha lạnh của hiện tượng này trong các tháng cuối năm 2017 và gia tăng khả năng xuất hiện La Nina (hiện tượng nước biển lạnh) vào đầu năm 2018 với xác suất xảy ra khoảng 50-60%. Nhiều khả năng hiện tượng La Nina sẽ có cường độ yếu và không kéo dài.
Với nền nhiệt chênh lệch lớn và đột suất, vùng núi cao suất hiện băng giá là tình hình diễn biến thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần có biện pháp phòng chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi, bên cạnh đó có biện pháp hữu hiệu về tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vụ Đông Xuân năm nay.
P.L
Trời mưa phùn, nhiệt độ xuống âm 0,3, đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) lần đầu tiên trong mùa đông này xuất hiện băng giá.