Đẩy lùi tiến độ gieo cấy lúa
Lẽ ra vào thời điểm này, ở nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai cấy lúa theo kế hoạch sản xuất đã đề ra. Tuy nhiên, nguyên nhân phần nhiều do diễn biến thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ trong ngày phổ biến ở mức 8oC– 10oC, chưa kể một số nơi có thói quen ăn Tết xong mới cấy nên lúc này, diện tích lúa trà sớm đã cấy chỉ chiếm tỷ lệ rất ít. Một số huyện đang tiến hành làm đất, chờ qua đợt rét đậm, rét hại mới lấy nước đổ ải như Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu. Tiến độ làm đất so với tổng diện tích mới đạt trên 60%.
Nông dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) che phủ nilon chống rét cho mạ xuân.
Đơn cử tại huyện Kim Bôi, theo kế hoạch sản xuất vụ xuân 2018 sẽ gieo trồng trên 8.000ha, trong đó khoảng 2.540ha lúa, 1.788ha ngô còn lại là các cây rau, màu khác như dưa hấu, dưa bở, khoai sọ, sắn, khoai lang, rau đậu, bí đỏ… Diện tích cây ăn quả trồng mới khoảng 300ha, tổng diện tích trên 1.900ha. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết như hiện nay, huyện vẫn đang tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh diện tích cây màu vụ đông, làm đất, cấy lúa để kịp khung thời vụ. Toàn huyện chưa triển khai cấy, dự kiến trà xuân chính vụ (cấy trong tháng 2) chỉ đạt 10% – 15% diện tích, tiến độ cấy tập trung ở trà xuân muộn, trong khoảng cuối tháng 2 – đầu tháng 3, chiếm 85% - 90% diện tích.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến – Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, diễn biến của 2 đợt rét đậm, rét hại liên tiếp chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy cây trồng vụ xuân. Ở những mùa vụ gần đây, thông qua tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn của đội ngũ cán bộ BVTV, khuyến nông cơ sở, ý thức chủ động phòng tránh rét cho cây trồng trong bà con nông dân đã tốt hơn trước rất nhiều. Cụ thể là gần như 100% diện tích mạ gieo đã làm vòm, che phủ nilon nên đến thời điểm này chưa có diện tích mạ bị chết rét. Lo ngại nhất là tại một số xã vùng cao của huyện Tân Lạc đang cấy sớm giống lúa Đài Bắc có đặc điểm thời gian sinh trưởng kéo dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khó tránh khỏi thiệt hại. Đối với diện tích cây ăn quả của tỉnh thì đợt rét đậm, rét hại này không ảnh hưởng đáng kể, thậm chí có lợi đối với sinh trưởng của một số loại cây trồng như nhãn, vải, cam…
Hàng trăm con gia súc bị thiệt hại
Đó là những tổn thất đối với sản xuất chăn nuôi của tỉnh, đồng thời tổn thất đối với kinh tế hộ chăn nuôi trước diễn biến khắc nghiệt của những đợt rét đậm, rét hại và không khí lạnh tăng cường. Chỉ tính riêng đợt rét đậm, rét hại từ ngày 27/1 đến 1/2, toàn tỉnh đã thiệt hại 115 con trâu, bò, bê, nghé. Tình hình thiệt hại vẫn tiếp tục được báo cáo, xác minh. Theo đồng chí Bùi Xuân Bộ, Phó phòng NN & PTNT huyện Kim Bôi, một trong những địa phương có số gia súc bị thiệt hại nhiều nhất, nhiệt độ ngoài trời dưới 10oC, kèm mưa phùn gió bấc đã khiến việc phòng - chống đói, rét cho đàn gia súc trong nông hộ gặp khó khăn. Trong số 29 con gia súc bị chết rét trong đợt chủ yếu của xã Cuối Hạ, địa bàn đặc biệt khó khăn, thói quen thả rông trâu bò trên rừng vẫn còn khá phổ biến.
Hộ chăn nuôi xóm Rớm, xã Yên Thượng, Cao Phong tận dụng nguyên liệu bao tải dứa che chắn chuồng nuôi để ứng phó với đợt không khí lạnh tăng cường.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh cho biết: Đợt rét đậm, rét hại tăng cường và kéo dài trong hàng chục ngày qua sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng và gây thiệt hại đối với chăn nuôi nếu còn chủ quan, lơ là trong ứng phó. Thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, đôn đốc sát sao, người dân tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, áp dụng các biện pháp chống đói, rét cho đàn gia súc, tình hình sẽ được kiểm soát. Ngược lại, tình trạng gia súc bị chết đói, chết rét phần nhiều do thiếu sự quản lý và chăm sóc của hộ chăn nuôi.
Để hạn chế những tác động của thời tiết tới sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, Sở NN & PTNT đề nghị các các huyện, thành phố phân công, chỉ đạo cán bộ trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng – chống rét cho sản xuất vụ xuân, tuyên truyền người dân chủ động áp dụng các biện pháp chống rét đối với cây trồng, vật nuôi. Tiến độ gieo trồng bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại nhưng ngay sau khi thời tiết ấm trở lại, bà con nông dân khẩn trương gieo cấy lúa, đảm bảo tiến độ hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/3. Lưu ý khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15oC, tuyệt đối không cấy lúa. Đối với người chăn nuôi, cần tuân thủ các biện pháp phòng - chống đói, rét, tăng cường che chắn, giữ ấm và vệ sinh chuồng trại, đảm bảo lượng thức ăn cần thiết để gia súc đủ sức kháng chịu với giá rét, dịch bệnh, giúp hạn chế mức độ thiệt hại.
Bùi Minh