Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã xác định giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Khó bởi là tỉnh miền núi, hạ tầng giao thông kém nên xuất phát điểm của tiêu chí giao thông luôn thấp hơn so với các tỉnh đồng bằng. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho giao thông thấp. Tuy nhiên, Hội nhận định, tiêu chí giao thông sẽ khó thực hiện nếu trông chờ hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước. Ngược lại, nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì tiêu chí này không khó thực hiện. Chính vì vậy, ngay khi lên ý tưởng thực hiện công trình chào mừng Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và Đại hội Hội LHPN Việt Nam, BTV Tỉnh Hội đã quyết định lựa chọn chương trình làm đường giao thông để thực hiện.
Ngay khi triển khai chương trình, các cấp Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, cách thức thực hiện. Tuy nhiên, nhiều hội viên nhận thức xây dựng đường giao thông nông thôn là trách nhiệm đầu tư của Nhà nước nên không tích cực hưởng ứng. Trước thực tế đó, các cấp Hội đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, giải thích đến cán bộ, đảng viên là hội viên phụ nữ, lấy sự tiên phong của hội viên làm động lực để thuyết phục nhân dân cùng tham gia hưởng ứng. Với nội dung phát động rõ ràng, thiết thực, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, các cấp chính quyền và nhân dân.
Là huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, hiểu được ý nghĩa thiết thực của phong trào, sau một thời gian ngắn, các hội viên Hội phụ nữ huyện Lạc Sơn đã quyên góp được hơn 110 triệu đồng và hàng trăm ngày công hoàn thành 1, 5 km đường giao thông nông thôn ở xã ân Nghĩa với tổng kinh phí huy động đạt 829 triệu đồng. Bà Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lạc Sơn cho biết: Thực tế, nhiều hội viên trên địa bàn huyện còn khó khăn. Tuy nhiên, khi triển khai phong trào, Hội Phụ nữ căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để vận động. Với mức đóng góp trung bình 5.000 đồng trở lên /hội viên và mỗi cán bộ Hội kêu gọi tinh thần tiên phong tối thiểu 20.000 đồng. Điều quan trọng là kinh phí này được giữ lại huyện để huyện phân bổ đến những đơn vị khó khăn nhất. Chính cách làm này đã động viên, thúc đẩy hội viên tích cực tham gia. Đặc biệt là ở chi hội được lựa chọn làm đường, ngoài phần đóng góp chung với Hội, hội viên các chi hội này còn vận động các hộ dân đóng góp thêm để có nguồn kinh phí làm đường. Nhiều hội viên không chỉ đóng tiền mà còn tham gia ngày công để hoàn thành công trình.
Hưởng ứng phong trào, trong thời gian ngắn, Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn đã hoàn thành 2 công trình đường giao thông dài 1,5 km, tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Là địa phương nhỏ, hội viên không đông và còn nhiều khó khăn, để huy động nguồn kinh phí thực hiện không đơn giản. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, lồng ghép các nguồn vốn, huyện Kỳ Sơn đã hoàn thành công trình đúng tiến độ và được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. Trao đổi về vấn đề này, chị Phạm Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, các cấp Hội xác định có nguồn vốn hỗ trợ nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy, huyện chủ trương vận động hội viên và gia đình tích cực, chủ động đóng góp ngày công và đặc biệt là hiến đất, góp vật liệu để hoàn thành tuyến đường một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.
Với nhiều cách làm sáng tạo, qua hơn 1 năm triển khai, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã hoàn thành 15 công trình giao thông với tổng chiều dài 7.420 m, 1 nhà văn hóa KDC với tổng kinh phí thực hiện hơn 8, 7 tỷ đồng, trong đó tiền mặt đóng góp hơn 5, 9 tỷ đồng. Hội viên đã đóng góp ngày công và hiến đất làm đường trị giá hơn 2, 8 tỷ đồng.
P.L