(HBĐT) - Còn gần nửa tháng nữa là bước sang tháng 5 - thời điểm bắt đầu mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và dự báo khoảng ngày 20/5 tới có thể xuất hiện lũ tiểu mãn trên địa bàn tỉnh. Với phương châm "tuyệt đối không chủ quan với tình hình mưa, lũ, bão”, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai công tác phòng, chống lũ bão, trong đó nhiệm vụ cấp bách là rà soát, đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi.


Trước mùa mưa năm nay, công trình ngầm trên tuyến đường Trường Sơn A thuộc xã Trường Sơn (Lương Sơn) đã được cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn.

Mùa mưa hàng năm thường kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 10, đầu tháng 11. Có thể nói, đây là mối đe dọa thường niên đối với hệ thống hạ tầng thủy lợi khi phải chống chọi với sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, mưa lũ. Thống kê trong mùa mưa năm 2017,

các đợt mưa lũ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngành nông nghiệp nói chung và hệ thống công trình thủy lợi nói riêng. Riêng đợt mưa lũ từ ngày 9-12/10/2017, có trên 130 công trình hồ, đập, hệ thống kênh mương, bai bị hư hỏng nặng, thiệt hại về công trình thủy lợi chiếm phần lớn trong tổng giá trị thiệt hại 727 tỷ đồng của lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, sau khi mùa mưa 2017 kết thúc, hạ tầng thủy lợi bị tàn phá nặng nề. Trong đó, nhiều công trình hư hỏng nặng phải sửa chữa cấp bách mới có thể đảm bảo an toàn, ví dụ như hồ Rộc Chu (huyện Tân Lạc), Cháu Mè (huyện Đà Bắc)… bị sạt lở hạ lưu đường tràn, ăn sâu vào thân tràn… Các hồ: Khang Mời (thành phố Hòa Bình), Đại Thắng (huyện Lạc Thủy), Rộc Cốc, Cành (huyện Kim Bôi)… bị tràn nước qua đập, thấm nước mái hạ lưu… Hàng loạt công trình đập dâng và kênh mương cũng bị xói lở, cuốn trôi và hư hỏng nhiều như bai mương xã Đồng Nghê, Suối Nánh (huyện Đà Bắc), bai dâng Suối Cỏ (huyện Yên Thủy), bai hạ huyện Lương Sơn… Đây chính là những điểm xung yếu nhất cần phải gia cố cấp bách mới có thể vận hành lại an toàn trong mùa mưa năm 2018.

So với các địa phương khác trong tỉnh, Kim Bôi chưa phải là địa bàn gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong mùa mưa năm 2017. Nhưng tại đây, sức tàn phá của thiên tai đến nay vẫn còn để lại hậu quả cho không ít công trình thủy lợi. Qua rà soát, UBND huyện Kim Bôi đã xác định trên địa bàn có 28 công trình hư hỏng nặng cần phải khắc phục cấp bách. Chưa kể nhiều hạng mục kênh mương, bai, đập, trạm bơm… do chịu ảnh hưởng của mưa lũ trong thời gian dài đã hoạt động kém hiệu quả, nay trở thành những điểm yếu rất cần được tái đầu tư để sẵn sàng chống chọi với mùa mưa. Trước yêu cầu thực tế đặt ra, huyện Kim Bôi đã chủ động hỗ trợ kinh phí trên 1 tỷ đồng tới các địa phương để thi công cải tạo hệ thống thủy lợi, bước đầu phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018. Đối với các công trình thủy lợi nhỏ, các xã chủ động mua trang thiết bị, vật tư như máy bơm nước, rọ thép phục vụ cho việc sửa chữa. Riêng đối với các công trình trọng điểm nằm ở vị trí xung yếu, huyện đã lập dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp và đề xuất UBND tỉnh phê duyệt. Các dự án này đang được khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, từ đó nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Cũng như Kim Bôi, huyện Mai Châu đang tích cực triển khai các dự án đầu tư hạ tầng thủy lợi - nội dung quan trọng nằm trong kế hoạch tái thiết sau thiên tai mưa lũ năm 2017 của địa phương. Căn cứ kết quả rà soát hiện trạng 80 công trình thủy lợi đang vận hành trên địa bàn huyện của phòng NN&PTNT, UBND huyện Mai Châu đã quyết định hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cấp bách 5 công trình trọng điểm, gồm: nâng cấp mương Co Po (xã Chiềng Châu) mương Hiềng (xã Nà Phòn) – phục vụ tưới cho 10 ha lúa 2 vụ của xóm Nà Phòn và cung cấp nước sinh hoạt; Kiên cố mương Sàng (xã Bao La) mương Thanh Niên 2 (xã Xăm Khòe), bai Hin Đăm (xã Tân Sơn). Ngoài ra, đến thời điểm này, bằng nguồn ngân sách huyện, huyện Mai Châu đã hoàn thành sửa chữa 3 công trình thủy lợi hư hỏng nặng thuộc địa bàn xã Tân Dân, gồm công trình bai xóm Đá Đỏ (1,2 tỷ đồng), bai Suối Cải (1,3 tỷ đồng), mương Diềm 2 (670 triệu đồng), từ đó, đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa 2018 và các năm tiếp theo.

Trên phạm vi toàn tỉnh, đồng chí Quách Tự Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Công tác thủy lợi và phòng, chống lũ bão đang được các địa phương tăng cường trong thời điểm này. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Sở NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng kiểm tra chất lượng các tuyến đê, hồ, đập; đôn đốc các địa phương xây dựng phương án cụ thể đối với từng công trình trọng điểm, nhất là các phương án hộ đê, bảo vệ đập, xác định chính xác từng khu vực xung yếu để có phương án cụ thể đối với từng khu vực, từng công trình. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đang khẩn trương hoàn thành việc tu bổ, củng cố các tuyến đê, đập, hồ chứa nước trong kế hoạch; phát hiện kịp thời những hư hỏng, ẩn họa để khắc phục bảo vệ công trình. Đối với các công trình đang thi công, phấn đấu hoàn thành các hạng mục vượt lũ trước lũ tiểu mãn 20/5, đồng thời xây dựng phương án bảo vệ và ứng cứu khi có mưa, lũ lớn. Đặc biệt, các địa phương có đê như Kỳ Sơn, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình đang chủ động lập phương án cứu hộ đê khi xảy ra sự cố, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý ngay các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đề điều, Luật Phòng chống thiên tai…

Với sự chuẩn bị đó, các địa phương đang chủ động đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi, góp phần nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai trong mùa mưa năm 2018.

Thu Trang


Các tin khác


Đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa cao điểm sắp tới

(HBĐT) - Dự báo mùa hè năm nay khí hậu khắc nghiệt, thất thường, sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ tăng khoảng 10-15%. Chính vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, Điện lực Hoà Bình đã lên các phương án đảm bảo cung cấp điện thường xuyên, an toàn cho người dân trên địa bàn.

Huyện Kim Bôi: Tổ chức 26 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật

(HBĐT) - Trong 3 tháng đầu năm, huyện Kim Bôi đã tổ chức được 26 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 838 học viên; phối hợp với Tổ chức Childfund tổ chức 6 lớp tập huấn cho 79 học viên tham gia về kỹ thuật chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết thị trường.

Hội nghị giới thiệu phần mềm "Quản lý văn bản và điều hành (VNPT- ioffice)"

(HBĐT) - Vừa qua, tại Báo Hòa Bình, VNPT Hòa Bình tổ chức cuộc hội thảo giới thiệu phần mềm "Quản lý văn bản và điều hành (VNPT- ioffice)" cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan khối Đảng cấp tỉnh. Tham dự có hơn 30 cán cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình.

UBKT Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tập huấn CNTT cho cán bộ, công chức

(HBĐT) - Ngày 16/4/2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức tập huấn Công nghệ thông tin cho toàn thể cán bộ công chức cơ quan với sự phối hợp của cán bộ VNPT Hòa Bình cùng với Phòng Công nghệ thông tin Văn phòng Tỉnh ủy.

Huyện Lạc Thuỷ phát triển giao thông tạo đà xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn đóng vai trò rất quan trọng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để tạo sức bật phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí khác. Vì vậy, trong xây dựng NTM, huyện Lạc Thuỷ đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động dành nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và đóng góp của người dân để phát triển giao thông.

Diện mạo nông thôn mới ở Cao Răm

(HBĐT) - Cán đích NTM năm 2017, giờ đây, xã Cao Răm (Lương Sơn) đang "khoác trên mình” diện mạo mới. Bộ mặt nông thôn của xã được tô thêm sắc màu tươi mới bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ và các công trình phúc lợi từng bước được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều đổi thay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục