(HBĐT) - Rút kinh nghiệm với những tình huống bất ngờ như năm 2017, vào mùa mưa lũ năm 2018, tỉnh ta đã có nhiều phương án nhằm đảm bảo an toàn sẵn sàng chủ động đối phó với mọi tình huống khi thuỷ điện Hoà Bình đột ngột xả lũ. Để bạn đọc nắm bắt rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hoà Bình đã có cuộc trao đổi nhanh với đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Thưa đồng chí, được biết trong thời gian qua tỉnh ta đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm chủ động cho mùa xả lũ thuỷ điện Hoà Bình năm 2018. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Để chủ động đối phó với mùa mưa lũ năm nay, đặc biệt ứng phó kịp thời và an toàn khi thuỷ điện Hoà Bình xả lũ, trước đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đánh giá chính xác tình hình dân sinh, kinh tế trong khu vực hạ lưu nhà máy thủy điện Hòa Bình.


Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thị sát tình hình đê điều dọc ven bờ sông Đà trước mùa mưa lũ 2018

Qua khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn cho thấy các tuyến đê trực tiếp chịu ảnh hưởng của việc xả lũ nhà máy thủy điện Hòa Bình bao gồm: Các tuyến đê cấp 3, như tuyến đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm, đê Ngòi Dong thuộc địa phận thành phố Hòa Bình, các tuyến đê địa phương: Đê Trung Minh (thành phố Hòa Bình), đê Pheo – Chẹ (huyện Kỳ Sơn) hiện tại có một số điểm xung yếu.

Mùa mưa lũ năm nay, khu vực hạ lưu chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc xả lũ nhà máy thủy điện Hòa Bình thống kê có khoảng 242 lồng cá (thành phố Hòa Bình 140 lồng, huyện Kỳ Sơn 102 lồng); 76 nhà bè của nhân dân vạn chài cư trú tại phường Tân Thịnh và phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình; 01 công trình đang thi công là cầu Hòa Bình 3 tại thành phố Hòa Bình; ngoài ra, khu vực hạ du còn có một số bến kinh doanh vật liệu xây dựng, các bến bốc xếp nằm hai bên bờ sông và các nhà dân ở vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập ở các xã Hợp Thành, xã Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn).

PV: Đồng chí có thể cho biết đến thời điểm này các công việc đã được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn trong việc ứng phó khi thuỷ điện Hoà Bình bất ngờ nhận lệnh xả lũ?

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Vừa mới đây, ngay sau khi nhận được Công điện của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đối với tình hình xả lũ, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung ứng phó với tình hình xả lũ khẩn cấp đảm bảo an toàn đê điều, tài sản và tính mạng người dân;

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương bằng nhiều hình thức đã kịp thời thông báo đến các hộ dân sinh sống ở trên sông, ven sông, các vùng trũng thấp; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế ở khu vực hạ du mà có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc xả lũ Nhà máy thủy điện Hòa Bình.


Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo di dời làng Vạn chài đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân khi thuỷ điện Hoà Bình xả lũ.

Bên cạnh đó, tại các vị trí xung yếu về đê điều, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu tổ chức lực lượng thường xuyên ứng trực tuần tra. Phương tiện, vật tư dự phòng hộ đê đã được tập kết đầy đủ, sẵn sàng công tác ứng cứu, hộ đê khi có tình huống.

Các đơn vị chức năng cũng như địa phương đã kịp thời tổ chức di dời toàn bộ các hộ dân sinh sống tại các vùng trũng thấp dọc sông Đà phía hạ lưu thuỷ điện Hoà Bình, nơi có thể bị ngập khi xả lũ đến nơi ở mới an toàn; hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản di chuyển lồng bè các vào sát bờ, chằng chống neo đậu đảm bảo an toàn; điều động và di chuyển một số phương tiện nổi phục vụ thi công cầu Hòa Bình 3 vào neo đậu tại nơi an toàn.

Cụ thể, mới đây nhất thành phố Hoà Bình đã huy động hơn 250 lượt cán bộ, công an, quân nhân và dân quân các địa phương; các phương tiện thủy của lực lượng quân đội, công an đã di dời 76 nhà bè, 350 nhân khẩu neo đậu tại phường Tân Thịnh – thành phố Hòa Bình về vị trí an toàn tại phường Thịnh Lang theo phương án đã được duyệt.

Đồng thời, phân công các thành viên Ban Chỉ huy phụ trách địa bàn đến huyện Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình trực tiếp kiểm tra, điều hành, đôn đốc các địa phương để chủ động ứng phó linh hoạt với các tình huống, sự cố do việc xả lũ có thể gây ra.

PV: Để đảm an toàn cho tài sản, tính mạng của nhân dân cũng như ứng phó nhanh với việc thuỷ điện Hoà Bình tiếp tục xả lũ thời gian tới, đồng chí cho biết những các công việc mà tỉnh và các ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai?

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Diễn biến thời tiết đối với mùa mưa lũ năm nay được dự báo khá khó lường, có thể xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều khả năng sẽ đưa về hồ Hoà Bình khối lượng nước đột ngột lớn. Để chủ động ứng phó với tình hình xả lũ bất ngờ và nhanh của thuỷ điện Hoà Bình thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra các công trình đê điều, triển khai khắc phục sự cố kịp thời khi có tình huống xảy ra.


Thuỷ điện Hoà Bình xả lũ năm 2018.

Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản neo buộc, chằng chống lồng bè đảm bảo an toàn và chủ động với những tình huống xấu có thể xảy ra. Thành phố Hoà Bình cùng các đơn vị liên quan sẵn sàng huy động lực lượng nhằm sơ tán toàn bộ người dân sinh sống trên nhà bè vào bờ đến nơi ở an toàn nhất.

Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ tại Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn kịp thời thông báo đến các hộ dân tình hình xả lũ để chủ động ứng phó. Luôn làm tốt công tác tuyên truyền tới nhân dân về chủ động ứng phó với thiên tai; thực hiện tốt kiểm tra, điều hành, đôn đốc các địa phương trong việc ứng phó với thiên tai.

Đối với vấn đề an toàn đê điều trong quá trình thủy điện Hoà Bình xả lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình và Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn đảm nhận việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đê cấp 3 và tuyến đê địa phương;

Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình bố trí lực lượng, phương tiện, nhanh chóng tổ chức việc sơ tán dân, các nhà bè đến nơi ở mới an toàn.

Giao Giám đốc Sở Y tế bố trí các xe cứu thương cùng một số kíp trực cấp cứu với đầy đủ thuốc men, thiết bị sơ cấp cứu đầy đủ ứng trực tại khu vực sơ tán dân để sẵn sàng cấp cứu khi cần thiết. Giao Công an tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn.

PV: Xin cám ơn đồng chí!


                                                                          H.Trung (thực hiện)



Các tin khác


Rà soát kịch bản diễn tập khi hồ Hòa Bình xả lũ khẩn cấp

(HBĐT)-Sáng 11/7, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị triển khai diễn tập, điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình và ứng phó bảo đảm an toàn cho hạ du. Cuộc họp có sự tham gia của các ngành chức năng, tổ chức liên quan, thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn.

Áp thấp trên Biển Đông gây mưa diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp lúc 1 giờ sáng 11/7 có vị trí ở khoảng 17.5-18.5 độ vĩ Bắc; 110.5-111.5 độ kinh Đông, nằm ở ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa.

Miền Bắc trời oi bức, miền Trung và Nam Bộ có nơi mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do hình thế gây mưa dông yếu, nên ngày 10/7 miền Bắc mưa chỉ xảy ra vào đêm và sáng với lượng không lớn, đến trưa và chiều trời xuất hiện nắng nhiều hơn, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh cao nhất từ 31-33 độ C, độ ẩm không khí trên 70 % tạo cảm giác oi bức khó chịu.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh hiệu quả với thiên tai

(HBĐT) - Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh vừa có văn bản về việc cảnh báo mưa giông trên diện rộng ở vùng núi phía Bắc. Theo đó, trong những ngày qua, ở vùng núi phía Bắc có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và giông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Huyện Lạc Thuỷ tập trung các biện pháp ứng phó với thiên tai

(HBĐT) - "Rút kinh nghiệm từ mùa mưa lũ các năm trước, tính đến thời điểm này, xã Khoan Dụ đã hoàn thành công tác chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật lực và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất”, đồng chí Đinh Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) chia sẻ.

Bắc Bộ mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày và đêm nay (9-7), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa-Nghệ An có mưa vừa, có nơi mưa to; khu vực vùng núi các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục