Địa bàn xã Hưng Thi bị chia cắt bởi mạng lưới sông, suối dày đặc. Dân cư sinh sống thưa thớt và hình thành nhiều chòm nhỏ, lẻ. Chính vì vậy, vai trò của đường giao thông hết sức quan trọng trong việc kết nối giao thương giữa các thôn, xóm và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án lồng ghép và nhân dân đóng góp, đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn của xã đạt 51%. Trong đó, trục đường liên xã bê tông được 4,7/10,7 km; trục đường liên thôn, xóm bê tông được 10/12 km. Ngoài ra, trên địa bàn xã xây dựng được 4 cầu treo dân sinh và 2 ngầm tràn bê tông, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là vào mùa mưa, nước sông Bôi dâng cao khiến các phương tiện vận tải không thể vượt sông. Ngầm tràn thường xuyên bị ngập nước nếu mưa lớn kéo dài. Ngoài ra, mưa lớn trong nhiều ngày cũng gây ra tình trạng sạt lở đất, đá, ách tắc giao thông.
Con đường xe tải vượt qua sông Bôi tại xã Hưng Thi (Lạc Thủy) bị nước lũ bồi lấp đất, đá sau cơn bão số 3 vừa qua.
Anh Bùi Tiến Trung ở thôn Niếng cho biết: "Phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa từ năm 2013 và là nguồn thu nhập chính của cả gia đình tôi từ đó đến nay. Trung bình mỗi chuyến hàng từ thôn Niếng tới các điểm thu mua lâm sản trên đường Hồ Chí Minh có giá từ 900.000- 1.200.000 đồng. Lợi nhuận trung bình hàng tháng ước tính từ 15- 20 triệu đồng. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước sông dâng cao khiến xe tải không thể vượt sông. Từ tháng 4 đến nay, số lần chở hàng cho khách của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Gia đình anh Trung chỉ là một trong nhiều hộ kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa trên địa bàn không thể hoạt động vào mùa mưa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm từ tháng 7- 9 hàng năm, mực nước sông Bôi dâng cao, chảy siết nên xe tải không thể vượt sông chở hàng hóa ra đường Hồ Chí Minh tiêu thụ. Mặt khác, hàng hóa của bà con chủ yếu là lâm sản, do đó không thể vận chuyển qua cầu treo hoặc vận chuyển bằng xe máy… Ngoài ra, sau mỗi trận lũ, con đường vượt sông của xe tải lại bị đất, đá bồi lấp, rất khó di chuyển. Để khắc phục tạm thời, một số hộ dân đã lựa chọn cung đường đi vòng qua xã Mỵ Hòa (Kim Bôi). Tuy nhiên, trục đường liên xã Mỵ Hòa - Hưng Thi chưa được cứng hóa, mặt đường hẹp, lầy lội rất khó đi. Vận chuyển khó khăn dẫn đến cước phí có thể lên tới 2 triệu đồng/lượt.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi cho biết: "Một trong những vấn đề khiến chính quyền xã trăn trở hiện nay đó là cầu treo dân sinh Bến Cui và Bến Đô. Nguyên nhân chính là do nền đất tại hai bên bờ sông yếu, nước lũ có thể gây xói mòn. Trong khi đó, cầu treo dân sinh chỉ rộng khoảng 1,5 m và có tải trọng 500 kg. Chính vì vậy, vào thời điểm nước lũ chảy siết, chính quyền xã khuyến cáo người dân không di chuyển và chở hàng hóa có tải trọng lớn qua cầu.
Xã Hưng Thi có trên 3.900 nhân khẩu với khoảng 1.000 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21%. Trước những khó khăn về đường giao thông trong mùa mưa lũ gây cản trở phát triển KT-XH địa phương, xã Hưng Thi mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhu cầu đi lại, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.
Đức Anh