Đường 445, xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) bị sạt lở nghiêm trọng, một phần đường xệ xuống bờ sông Đà.
Mưa lớn trên địa bàn tỉnh xuất hiện hầu hết các loại hình thiên tai bao gồm: sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, phá hủy nghiêm trọng kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Tổng hợp từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến hết tháng 7, tổng thiệt hại do thiên tai, mưa lũ ước khoảng 1.125,9 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về hạ tầng, công trình công cộng 931,2 tỷ đồng; về nhà cửa, sản xuất 194,7 tỷ đồng. Mưa lũ làm 1 người chết, 1 người bị thương do trượt sạt đất; 741 hộ ảnh hưởng do thiên tai. Có 1.456 nhà hư hỏng, ngập nước, trong đó, 49 nhà hư hỏng, thiệt hại trên 70%; 393 nhà thiệt hại nặng (từ 30-70%), 147 nhà hư hỏng một phần (dưới 30%), 701 lượt nhà bị ngập nước, 867 hộ phải sơ tán, di dời khẩn cấp.
Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi bị phá hủy nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường ngập sâu, nhiều tuyến bị đất, đá vùi lấp, đứt đường, ách tắc giao thông. Riêng các tuyến quốc lộ, chiều dài sạt lở, hư hỏng khoảng 570 m, chiều dài bị ngập nước 1.700 m, có 17 điểm giao thông sạt lở gây ách tắc. Các tuyến tỉnh lộ chiều dài bị hư hỏng 980 m, chiều dài ngập nước 6.200 m, khối lượng đất, đá sạt 21 vạn m3, hàng chục công trình bị phá hủy hoàn toàn, gần 84 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Nhiều vị trí đứt đường, ngập úng, trượt sạt chưa thể lưu thông, tiếp cận khó khăn, đe dọa tính mạng của người dân.
Do mưa lớn làm nhiều công trình hồ đập, mương bai bị hư hỏng cần phải sửa chữa. Các hồ chứa đều trong trình trạng phải xả tràn. Riêng hồ 3/2 thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu xuất hiện các khu vực thấm nước chảy thành dòng.
Về sản xuất, có 3.550 ha lúa, hàng trăm ha hoa màu, cây ăn quả; hàng trăm gia súc, gần 1 vạn gia cầm bị lũ cuốn trôi. Mưa lớn, kết hợp với hồ Hòa Bình xả lũ cũng làm phát sinh hàng trăm điểm trượt sạt, nguy cơ cao trượt sạt ở tất các các địa phương. Một số điểm ở xã Thái Thịnh nguy cơ cao trượt xuống hồ sông Đà. Tại tổ 26, phường Đồng Tiến xảy ra sạt lở bờ sông Đà trên diện rộng làm nhà cửa của 29 hộ dân trượt xuống sông, 35 hộ bị ảnh hưởng. Tuyến đường 445, khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, lún nứt kéo dài hàng trăm mét, nguy cơ mất đường... Hàng trăm hộ xã Mường Tuổng, Suối Nánh (Đà Bắc) đứng trước nguy cơ sạt lở cao cần di chuyển. Hàng chục hộ dân các xã: Xuân Phong, Bình Thanh, Yên Lập, Tây Phong, Tân Phong, Đông Phong, Yên Thượng, huyện Cao Phong đứng trước nguy cơ thiếu đói cần hỗ trợ...
Các tuyến đê kè và đê Ngòi Dong cho thấy không bảo đảm chống lũ theo thiết kế khi thủy điện Hòa Bình xả lũ. Tại thời điểm ngày 22/7/2018, hồ Hòa Bình mở 4 cửa xả đáy, mực nước sông Đà tại cầu Hòa Bình là +19,47 m sóng leo từ 0,5 - 1m, một số khu vực đã có nguy cơ nước tràn vào. Khi hồ Hòa Bình mở 8 cửa, nước sẽ tràn vào TP Hòa Bình phía bờ trái sông Đà, gây ngập úng khu dân cư và các công trình hạ tầng quan trọng...
Trước tình hình trên, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả mưa lũ. Đã tổ chức di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ trượt sạt tại tổ 26, phường Đồng Tiến; di dời các hộ ra khỏi vùng nguy hiểm và cấm đường 445, khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ; di dời các hộ ở xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) đến nơi an toàn… Các địa phương khẩn trương rà soát các khu vực nguy hiểm; ứng trực, cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước, cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; có phương án sơ tán, di chuyển dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân…
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị: Các địa phương, các cấp, các ngành nêu cao tinh thần cảnh giác, khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống, ứng phó với thiên tai, mưa lũ. Trong đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo, thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết; tiến hành kiểm tra, gia cố các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, các công trình công cộng. Duy trì nghiêm túc lực lượng ứng trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó với mọi tình huống, diễn biến mưa lũ. Khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, phòng - chống bệnh dịch bằng thuốc tiêu độc khử trùng; nhanh chóng khôi phục sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng sớm ổn định đời sống, tuyệt đối không để hộ dân nào thiếu đói; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nhanh chóng triển khai các biện pháp tiêu nước chống úng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu. Khẩn trương xuống giống, khôi phục sản xuất tại các vùng diện tích bị hư hỏng.
Đối với thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn cần cấp bách triển khai những biện pháp ứng phó bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng người dân khi hồ Hòa Bình xả lũ.