Bể chứa nước đặt ở vị trí thấp, gây khó khăn cho bà con khu TĐC xóm Trong trong việc dẫn nước về phục vụ sinh hoạt.
Còn nhớ, sau mưa lũ lịch sử cuối năm 2017, Nam Sơn bị tàn phá nặng nề. Tài sản, hoa màu chìm trong biển nước, đất, đá sạt lở; người dân hoang mang tột độ. Còn đợt này, chúng tôi lên Nam Sơn đúng vào chợ phiên Lũng Vân, khi những con đường đã ráo nước mưa. Khắp các nẻo đường, bà con hối hả đến chợ mua nhu yếu phẩm. Đồng chí Đinh Văn Lừng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuy không thiệt hại lớn như năm ngoái nhưng đợt mưa lũ này cũng gây thiệt hại về hoa màu, tài sản và sạt lở đất. Cụ thể, mưa lũ làm gẫy đổ 6, 5 ha ngô đang trong thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch, 3, 8 ha lúa (trong đó có 4.000 m2 lúa trái vụ đang trổ bông ở xóm Bương) bị ngập lụt, tổng diện tích hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi là 3, 2 ha. Nhiều tuyến đường từ UBND xã đi các xóm bị sạt lỷ, ước tính gần 1.500 m3 đất. Hiện, hai trục đường đi xóm Bương - Bái và Chiến - Xôm chưa lưu thông được bằng ô tô. Về nhà cửa, có 3 hộ TĐC (2 hộ nằm trong khu TĐC tập trung và 1 hộ xen ghép) bị lún nền nhà, tuy chưa ảnh hưởng lớn nhưng nguy cơ cao mất an toàn cho khu nhà.
Khu TĐC ở 2 xóm này về cơ bản các hộ dân đã chuyển đến đang trong quá trình hoàn thiện nhà ở và các công trình phụ. ông Bùi Văn Thực, Trưởng xóm Trong cho biết: Năm ngoái thì thức trắng đêm, ai cũng lo lắng. Đợt này cũng gây ngập úng 5 ha ngô nhưng bà con đã kịp thời thu được gần 4 ha. Một số diện tích gãy đổ, làm giảm năng suất. Tuy nhiên, quan trọng nhất là nhà cửa đã được di dời kịp thời, đảm bảo an toàn về con người. Bà con ở khu TĐC đang tích cực hoàn thiện nhà ở để ổn định cuộc sống.
Có mặt tại khu TĐC xóm Trong có thể cảm nhận được sự vui mừng của bà con nơi đây khi nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Những ngôi nhà sàn chuyển về từ xóm cũ nay được dựng san sát, nhiều hộ thuê thợ sửa sang lại mới hơn. Gia đình anh Bùi Văn Tình là một trong những hộ chuyển về đầu tiên được hơn 1 tháng. Hôm chúng tôi đến, anh Tình tranh thủ trời nắng phơi ngô. "Mưa lâu quá nên ngô bị mốc, nảy mầm, hôm nay mới phơi được. Về đây thì không lo sạt lở nữa, giờ gia đình cố gắng hoàn thiện nhà ở và các công trình phụ để ổn định cuộc sống”, anh Tình chia sẻ.
Chỗ ở đã an toàn nhưng để ổn định lâu dài, khu TĐC xóm Trong vẫn còn nhiều vấn đề cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, ở bờ kè của khu TĐC này xuất hiện khá nhiều vết nứt, đặc biệt, bờ kè bằng đá đã bị bung, xô lệch khỏi vị trí ban đầu. Nếu tiếp tục mưa lớn hoặc có lực tác động mạnh thì bờ kè có nguy cơ bị lở khá cao. Thêm nữa, rãnh thoát nước của khu TĐC xóm Trong đang bị tắc, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của bà con. Ngoài ra, công trình cấp nước sinh hoạt hiện nay chưa được thiết kế phù hợp. "Công trình cấp nước đặt ở vị trí thấp nên nếu chúng tôi xây công trình vệ sinh thì không thể bơm nước lên bể chứa được”, ông Bùi Văn In, người dân xóm Trong cho biết.
Mưa lũ dự báo còn diễn biến phức tạp, dù các hộ thuộc diện nguy hiểm đã được di dời. Thế nhưng, với địa hình đồi núi nên Nam Sơn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sạt lở. "Chúng tôi tiếp tục bố trí lực lượng thường trực, chủ động nắm bắt tình hình ở các khu dân cư để kịp thời báo cáo cấp trên và có biện pháp đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân”, đồng chí Đinh Văn Lừng, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Viết Đào