Đặc biệt, khu vực trụ sở các cơ quan tỉnh nằm bên sườn phía đông đồi ông Tượng trên mái dốc đã xuất hiện 18 vết nứt có chiều rộng từ 2 - 15 cm, dài từ 10 - 90 m và hình thành cung sạt trượt kéo dài hơn 300 m, rộng 200 m, chiều sâu cung trượt dự kiến khoảng 30 m, hình thành khối lượng ước tính khoảng 1, 8 triệu m3 đất, đá và đã dịch chuyển xuống dưới với biên độ dịch chuyển từ 5 - 80 cm. Khối sạt trượt đã làm nghiêng cột điện 110 KV và hệ thống tường chắn phía sau công trình trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH &HĐND tỉnh đang xây dựng, bị biến dạng mạnh, nứt vỡ. Trụ sở làm việc các Ban Xây dựng Đảng xảy ra hiện tượng sụt lún, làm nứt 1 cột bê tông cốt thép phòng họp Ban Dân vận Tỉnh ủy. Hiện tượng sạt trượt mái taluy từ cơ đường giao thông số 7 trở xuống vẫn tiếp tục xảy ra ở phía sau nhà làm việc của Tỉnh ủy và Hội trường Tỉnh ủy. Hiện tượng sạt lở phía sau nhà làm việc của UBND tỉnh tiếp tục xảy ra, có nguy cơ làm gãy đổ hệ thống đường dây 35 KV phía trên. Toàn bộ cơ đường giao thông số 7, số 8 tiếp tục xảy ra hiện tượng sụt lún, xuất hiện các vết nứt dài từ 15 - 20 m, chiều rộng từ 1 - 3 cm...
Hệ thống lưới điện chưa được tháo dỡ là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ Dự án xử lý cấp bách khối sạt trượt các khu vực phía đông đồi Ông Tượng.
Trước tình trạng đó, ngày 14/10/2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập tổ chuyên gia xử lý sạt lở khu vực phía đông đồi ông Tượng và khu vực các tổ 4, 5, 6, phường Chăm Mát; tổ 4, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) gồm 24 thành viên là lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực địa chất, địa chất công trình. Đầu tháng 11/2017, UBND tỉnh đã có văn bản giao nhiệm vụ cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN &PTNT làm chủ đầu tư Dự án xử lý cấp bách khối sạt trượt các khu vực phía đông đồi ông Tượng và khu vực các tổ 4, 5, 6, phường Chăm Mát, tổ 4, phường Thái Bình. Tháng 1, tháng 5/2018, UBND tỉnh ban hành văn bản về triển khai dự án và xác định các hạng mục cấp bách cho dự án.
Từ ngày 20/10/2017 - 30/7/2018, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với tổ chuyên gia, các sở, ban, ngành để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt trượt và đưa ra các giải pháp xử lý, khắc phục. Qua đó xác định nguyên nhân gây sạt trượt là do trên khu vực phía đông đồi ông Tượng và khu vực các tổ 4, 5, 6, phường Chăm Mát, tổ 4, phường Thái Bình có cung trượt cổ, địa chất phức tạp, nằm trong vùng đứt gãy, đất, đá dập vỡ mạnh, có độ rỗng lớn, các chỉ tiêu cơ lý của đất, đá thấp dễ thấm nước. Về mùa mưa lượng nước ngầm lớn gây bão hoà dẫn đến sạt trượt, đặc biệt là khu vực phía sau công trình Trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh đang xây dựng.
ông Nguyễn ánh Hồng, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN &PTNT, chủ đầu tư dự án cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, BQL đã cử cán bộ giám sát thường xuyên 24/24 giờ, phối hợp với nhà thầu thi công triển khai quyết liệt các hạng mục cấp bách trên khu vực đồi ông Tượng như xử lý bạt mái, giảm tải, xử lý nước mặt, nước ngầm, xây dựng hệ thống tường cọc khoan nhồi phía sau Trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH &HĐND tỉnh đang xây dựng. Hợp đồng với Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình thực hiện và hoàn thành việc phát quang khơi thông dòng chảy, xử lý phủ bạt chống nước chảy vào các khe nứt. Phối hợp với Trung tâm chính sách kỹ thuật phòng - chống thiên tai tiến hành đo quan trắc dịch chuyển khối trượt, cập nhật theo dõi lún các khu vực phía đông đồi ông Tượng và khu vực các tổ 4, 5, 6, phường Chăm Mát, tổ 4, phường Thái Bình. Kết quả quan trắc từ ngày 17/10/2017 - 28/2/2018 xác định có sự dịch chuyển nhỏ khối lượng trượt phía đông đồi ông Tượng. Đồng thời, hoàn chỉnh báo cáo chủ trương đầu tư dự án và đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn trường Đại học Thuỷ lợi tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đến nay, hồ sơ đang được hoàn thiện theo ý kiến của tổ chuyên gia để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đến đầu tháng 8/2018, việc đào bạt mái giảm tải khu vực phía đông đồi ông Tượng được khoảng 62.000/137.456 m3, ước đạt 45% khối lượng. Hiện phải tạm dừng từ cao trình +86, 5 trở xuống do vướng đường dây điện cao thế và trung, hạ thế. Việc khoan neo đổ bê tông gia cố mái dốc trên cơ số 1, cơ số 2 được khoảng 2.776/ 13.310 m, ước đạt 20,85% khối lượng công việc. Đổ bê tông khung dầm tạo ô trồng cỏ được khoảng 67/286.96 m3, ước đạt 23,35% khối lượng công việc. Rải vải địa kỹ thuật được khoảng 67/1.800 m2, ước đạt 9% khối lượng công việc. Hoàn chỉnh 15/137 cọc khoan nhồi tường phía sau công trình trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh. Giá trị hoàn thành ước khoảng 30 tỷ đồng, nhưng kinh phí mới được cấp 9 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công hạng mục cọc khoan nhồi phía sau công trình trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh, trụ sở làm việc của các Ban Xây dựng Đảng, sau Hội trường Tỉnh ủy và nhà làm việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng một số hạng mục khác chưa đạt yêu cầu là do mặt bằng chật hẹp, địa hình đồi dốc nên không huy động bổ sung được trang thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công và vướng đường dây điện nên chưa thể triển khai thi công. Bên cạnh đó, tình trạng mưa nhiều kéo dài, vừa thiết kế vừa thi công và thiếu vốn cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Theo Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN &PTNT Nguyễn ánh Hồng, nguyên nhân sạt trượt và giải pháp khắc phục đã được xác định rõ. Nhằm ngăn ngừa, hạn chế ảnh hưởng do tình trạng sạt trượt gây ra đối với tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân, cùng với việc khơi thông nguồn vốn, các ngành hữu quan cần đẩy nhanh việc di dời hệ thống lưới điện, trạm biến áp để việc thi công các hạng mục trong dự án xử lý cấp bách khối sạt trượt các khu vực phía đông đồi ông Tượng và khu vực các tổ 4, 5, 6, phường Chăm Mát, tổ 4, phường Thái Bình được triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Đ.P