Đầu tháng 8, sau những trận mưa lớn kéo dài, tuyến đường tỉnh lộ 132 từ xã Khổng Lào đi xã biên giới Sì Lờ Lầu trên địa bàn huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện tại, huyện Phong Thổ vẫn còn 18 bản với hơn 1700 hộ dân và hơn 8400 nhân khẩu thuộc 3 xã Vàng Ma Chải, Ma Ly Chải và Sì Lờ Lầu bị cô lập tạm thời.

 

Huy động máy móc, tập trung xử lý thông tuyến đường tỉnh lộ 132 tại huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Việc khai thông các tuyến đường vào các xã bị cô lập này đang được các lực lượng chức năng địa phương khẩn trương thực hiện.

Theo thống kê của UBND huyện Phong Thổ, trong đợt mưa lũ vừa qua, tại tuyến đường tỉnh lộ 132 từ xã Khổng Lào vào các xã biên giới có hàng trăm điểm sạt lở với khối lượng đất đá ước tính lên đến trên 100.000m3. Tại nhiều điểm sạt lở, người dân di chuyển qua rất khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi trời mưa, bên cạnh nguy cơ sạt lở còn xảy ra nguy cơ đá lăn gây nguy hiểm cho người qua lại.

Bà Chẻo San Mẩy, bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu, người vừa vượt qua đoạn sạt lở với hơn một trăm mét bùn đá cho biết: "Từ đây đi thì đường khó lắm không đi được, xe không đi được, người đi cũng khó lắm. Nguy hiểm nhưng mà sợ nữa, người dân ở đây thì sợ hết cỡ rồi. Mong muốn nhà nước nhanh cho máy móc về hốt sạt cho dân đi lại làm ăn thuận tiện hơn”.

Khối lượng sạt sụt lớn tại nhiều điểm cộng với trời tiếp tục mưa kéo dài càng gây khó khăn cho việc thi công dọn đường của các đơn vị. Ông Trần Phú Cường, Chỉ huy trưởng Đội thi công thuộc Công ty TNHH một thành viên Mạnh Toán, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: "Trong dịp này mưa lũ sụt sạt xảy ra bất thường, chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng máy móc làm theo hai hướng. Thực hiện làm tăng giờ tăng ca, áp dụng tất cả các phương tiện máy móc, vật tư, vật liệu vào để bảo đảm việc thi công làm sao cho thông đường trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên mọi vấn đề giờ vẫn phải phụ thuộc vào thời tiết. Nếu như diễn biến thời tiết ít mưa và hiện trạng sạt sụt như hiện tại thì chúng tôi cố gắng quyết tâm từ 7 đến 10 ngày sẽ thông toàn tuyến”.


Hiện tại, ngoài việc tích cực tìm kiếm sáu nạn nhân còn mất tích của xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ cũng đang nỗ lực huy động mọi lực lượng như dân quân tự vệ, công an, Bộ đội biên phòng, Đoàn kinh tế Quốc phòng 356… cùng hàng chục phương tiện máy móc để thông các tuyến đường. Với các điểm sạt lở nhỏ các xã có thể huy động lực lượng tại chỗ dùng quốc, xẻng… để cào dọn vật cản, san sửa đường đi. Với những điểm có khối lượng đất đá lớn huyện cũng đã huy động hàng chục máy xúc và công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành san gạt liên tục cả ngày lẫn đêm nhằm sớm thông đường giúp bà con nhân dân các xã biên giới huyện Phong Thổ bớt phần khó khăn.

Ông Trần Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong đợt mưa lũ lần này, thiệt hại về giao thông đối với huyện Phong Thổ là rất lớn. Trước mắt, để khắc phục sạt lở các tuyến đường huyện đã huy động tối đa các máy móc thông tuyến. Về lâu dài, cũng có sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để khắc phục các tuyến đường giao thông bị thiệt hai trong đợt mưa lũ lần này. Hiện có rất nhiều các điểm sạt lở lớn trên tuyến làm gián đoạn nhiều đoạn đường. Về lâu dài, việc khắc phục các tuyến đường giao thông này là rất tốn kém. Do thiệt hại về giao thông ở huyện Phong Thổ trong đợt này quá lớn mà nguồn ngân sách dự phòng của huyện không đáp ứng được. Vì vậy rất mong tỉnh và trung ương sẽ hỗ trợ thêm ngân sách để huyện Phong Thổ khắc phục, bảo đảm đường giao thông đi lại của người dân và xã hội phát triển”

Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp uỷ, các cấp chính quyền, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn như Bộ đội biên phòng, Đoàn kinh tế Quốc phòng 356, Công an, các tuyến đường nối với các xã biên giới của huyện Phong Thổ sẽ sớm được thông đường. Bảo đảm nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và ổn định cuộc sống người dân vùng biên giới.

 

           TheoNhandan

Các tin khác


Hòa Bình rà soát tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở cao

(HBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản 272/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc khắc phục sạt lở do mưa lũ tại tỉnh Hoà Bình.

Thực hiện "4 tại chỗ" phòng chống thiên tai, trượt sạt, lũ ống, lũ quét

(HBĐT) - Trong lúc tỉnh đang dồn tâm lực khắc phục hậu quả nặng nề do trận mưa lũ lịch sử năm 2017, thì liên tiếp trong các ngày từ 15 đến 21/7, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Xã Hưng Thi trăn trở “bài toán” giao thông mùa mưa lũ

(HBĐT) - Trở lại xã Hưng Thi (Lạc Thủy) sau cơn bão số 3. Nước sông Bôi dâng cao và chảy siết bởi những trận mưa lớn kéo dài trong những ngày qua. Dọc con đường đến trung tâm xã là những chiếc xe tải nằm "đắp chiếu” vì không thể vượt sông vận chuyển hàng hóa. Bà con thở dài ngao ngán vì nông, lâm sản không thể tiêu thụ được. Bởi đó, giao thông chính là nỗi lo thường trực của người dân Hưng Thi mỗi khi mùa mưa đến.

Tuyên Quang và Hà Giang mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ 23 giờ ngày 2/8 đến 1 giờ ngày 3/8 trên khu vực tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã có mưa rất to, lượng mưa đo được tại một số trạm như sau|: Phúc Yên (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang): 55,6mm, Nà Chì (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang): 26,8mm.

Ứng phó, khắc phục tình hình sạt lở khẩn cấp vùng hạ du sông Đà

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1170/UBND-NNTN chỉ đạo về việc ứng phó khắc phục tình hình sạt lở khẩn cấp vùng hạ du sông Đà do mưa lớn và vận hành xả lũ Nhà máy thủy điện Hòa Bình. 

TP Hoà Bình - “Gồng mình” ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3

(HBĐT) - Cơn bão số 3 gây mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân cùng các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hoà Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục