Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong tổng số 113.402 tấn phân bón cần sử dụng để sản xuất trồng trọt hàng năm, phân NPK chiếm khối lượng nhiều nhất với gần 30.149 tấn, tiếp đến là phân hữu cơ vi sinh (24.534 tấn), phân lân (24.376 tấn), phân đạm (19.563 tấn), phân kali (13.050 tấn), còn lại là các loại phân bón lá và phân bón khác. Như vậy có thể thấy sự chuyển biến khá tích cực trong nhận thức và thói quen sử dụng phân bón của người sản xuất: Từ chỗ chỉ tập trung sử dụng phân bón hóa học như trước đây, đến nay đã chuyển dần sang sử dụng kết hợp giữa phân bón hóa học và phân bón hữu cơ; chuyển dần từ sử dụng phân đơn sang sử dụng phân bón tổng hợp NPK hoặc phối trộn các loại phân đơn trước khi bón cho cây trồng, sử dụng cả phân đa lượng, trung lượng và vi lượng.
Về chủng loại, kết quả thống kê cho thấy, chủng loại phân bón trên địa bàn tỉnh khá đa dạng với 214 loại khác nhau của 85 tổ chức sản xuất, nhập khẩu. Trong đó có 178 loại phân vô cơ, chiếm 83,17%, còn lại là các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác. Đây là số liệu tổng hợp từ Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP Hòa Bình. Ngoài lượng phân bón do nhà máy sản xuất được mua từ thị trường, nguồn chất thải từ chăn nuôi (trâu, bò, gà...) được người sản xuất sử dụng khá hiệu quả để tự chế biến ra lượng khá lớn phân hữu cơ, phân chuồng, phân ủ (khoảng 450.000 tấn/năm). Cách làm này đặc biệt phổ biến ở các vùng thâm canh và sản xuất hàng hóa tập trung, ưu tiên sử dụng cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế và nhu cầu phân bón cao như cây ăn quả có múi, cây mía ăn tươi, cây rau họ thập tự...
Đoàn thanh tra chuyên ngành của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra các sản phẩm phân bón được bày bán tại cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn).
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón trong sản xuất trồng trọt, mạng lưới kinh doanh phân bón đã được hình thành với sự xuất hiện thiết thực của các cửa hàng, đại lý tư nhân. Theo kết quả rà soát cuối năm 2018 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV): Hiện, trong 455 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, có trên 80% là các cơ sở tư nhân có quy mô nhỏ và kinh doanh theo thời vụ. Trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng 91.592 tấn phân bón do nhà máy sản xuất, chiếm 80,76% tổng nhu cầu sử dụng phân bón của toàn tỉnh. Đáng ghi nhận, hệ thống này đã phân bố ở gần như tất cả các xã, phường, thị trấn có sản xuất trồng trọt, cung cấp đủ lượng phân bón với chủng loại phong phú và giá cả không quá chênh lệch nên tạo nhiều thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận sản phẩm phân bón, đáp ứng khá tốt yêu cầu phục vụ sản xuất trồng trọt tại địa phương.
Tuy nhiên, cũng theo rà soát của cơ quan quản lý Nhà nước: Trong 455 cửa hàng kinh doanh phân bón hiện nay, mới có 13 chủ cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên với các chuyên ngành phù hợp. Thêm vào đó, quy mô nhỏ lẻ và việc kinh doanh mang tính thời vụ của trên 80% cơ sở đã mang tới những mối lo nhất định về chất lượng cung ứng dịch vụ của cả hệ thống. Ngoài mặt hàng phân bón, hầu hết các cơ sở kinh doanh thêm giống cây trồng, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi và hàng tạp hóa... Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản các cơ sở có ý thức chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, tuy nhiên, vẫn còn những vi phạm về chấp hành đảm bảo điều kiện kinh doanh phân bón như: sắp xếp phân bón lộn xộn, để phân tiếp xúc với nền nhà, để lẫn phân bón với thức ăn chăn nuôi...
Đôn đốc các cơ sở nghiêm túc chấn chỉnh thực trạng này, các lực lượng chuyên ngành thuộc Sở NN&PTNT – cơ quan quản lý Nhà nước về phân bón vô cơ theo Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón - đã tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. Từ khi thực hiện Nghị định số 108/2017/NĐ-CP đến nay, Sở NN&PTNT đã tiến hành 7 cuộc thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, trong đó có mặt hàng phân bón đối với 50 cơ sở; tổ chức được 11 lớp và cấp 378 giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón cho các cá nhân có nhu cầu. Đây là một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời gian tới cho các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh và sử dụng phân bón thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phân bón; phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người sản xuất sử dụng phân bón một cách hiệu quả, an toàn; tổ chức thực hiện tốt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phân bón; nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành... Đặc biệt, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về phân bón, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từ đó tạo nền tảng thuận lợi để nâng cao hiệu quả kinh doanh và sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Thu Trang