Cầu treo xóm Mỵ đi xóm Ba Giang, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tạo thêm động lực phát triển KT-XH cho địa phương.
Cầu mới - sức sống mới
Ông Bùi Văn Thiện, xóm Mỵ, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) phấn khởi điều khiển chiếc xe máy đi trên cây cầu treo mới. Cây cầu đã gắn bó với ông gần chục năm rồi, nhưng hôm nay mang dáng dấp và chất lượng hoàn toàn khác. Cầu dài hơn 100 m, rộng 2,6 m, toàn bộ phần mặt cầu được lắp đặt bằng tôn nhám cỡ dày, hệ thống cáp và quang treo chắc chắn, đảm bảo sự an toàn ngay cả trong những điều kiện thời tiết xấu. Cuối tháng 12/2019, sau một thời gian dồn lực thi công nâng cấp, cây cầu mới bắc qua sông Bôi được hoàn thành, khác biệt so với chính nó chỉ tầm 3 tháng trước.
"Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư sửa chữa cầu, chúng tôi rất phấn khởi. Từ nay hoàn toàn yên tâm khi lưu thông trên cầu rồi!” - ông Bùi Văn Thiện vui mừng bày tỏ.
Nhà ông Thiện ở xóm Mỵ bên này sông, đất sản xuất lại ở xóm Ba Giang bên kia sông. Thế nên mỗi ngày, ông phải qua cầu đôi ba lượt. Cầu cũng là con đường giao thông, giao thương trực tiếp của hơn 300 hộ dân thuộc xóm Mỵ và xóm Ba Giang. Được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2009, sau gần 10 năm, đến khoảng giữa năm 2018, phần mặt cầu làm bằng gỗ tạp bắt đầu bị mục nát, xuất hiện nhiều lỗ thủng lớn lọt cả người và bánh xe. Qua mấy lần gia cố tạm bợ bằng ván gỗ và tre nứa ghép, cây cầu vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhịp cầu đung đưa theo mỗi bánh xe lăn. Chỉ cần 2 chiếc xe máy chạy qua cùng lúc là độ rung lắc đã khiến người đi bộ trên cầu chao đảo. Mỗi lần qua cầu là một lần đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, trong những ngày mưa to, gió lớn thì xóm Ba Giang bất đắc dĩ trở thành một "ốc đảo”, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Cách cầu treo xóm Mỵ đi xóm Ba Giang khoảng 5 km là một cây cầu treo dân sinh khác, cũng bắc qua sông Bôi, kết nối một bên là xóm Mý Đông, một bên là xóm Cành thuộc xã Mỵ Hòa. Được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng, cầu treo xóm Mý Đông đi xóm Cành đưa vào sử dụng tháng 3/2017. Cầu có chiều dài nhịp 120 m, rộng 6 m, toàn bộ kết cấu được thiết kế vững chắc và mạ thép chống rỉ nên đảm bảo cả mỹ quan lẫn hiệu quả sử dụng. Hơn 4 năm nay, cây cầu không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương của người dân mà còn tạo thêm động lực phát triển KT-XH cho cả vùng.
"Trước khi được đầu tư những cây cầu dân sinh đảm bảo chất lượng, người dân sinh sống tại các địa bàn có sông, suối chảy qua thực sự khó khăn. Nhất là vào mùa mưa lũ, việc đi lại trên cầu hết sức nguy hiểm. Chính vì thế, UBND huyện Kim Bôi luôn xác định đầu tư nâng cấp hệ thống cầu dân sinh là ưu tiên hàng đầu trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn huyện” - đồng chí Bạch Công Du, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Kim Bôi cho biết.
Với địa bàn rộng, nhiều sông, suối, Kim Bôi là huyện có tổng số cầu, ngầm nhiều nhất tỉnh. Đây là những "nút thắt” trọng yếu về giao thông mà huyện Kim Bôi xác định cần tháo gỡ để khơi thông mạch nguồn phát triển, từ đó thúc đẩy sản xuất cũng như các lĩnh vực dân sinh, dân kế. Nhằm tiếp thêm sức mạnh cho hệ thống cầu dân sinh, những năm gần đây, huyện Kim Bôi chú trọng bố trí nguồn lực, kịp thời sửa chữa, nâng cấp, đầu tư những cây cầu mới. Hiện, toàn huyện có 68 cầu, ngầm thuộc địa bàn quản lý với tổng chiều dài trên 1.600 m. Về cơ bản, hệ thống này đang trong tình trạng khai thác bình thường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần tạo nền tảng vững chắc để phục vụ phát triển KT-XH.
Tạo dấu ấn phát triển qua những nhịp cầu dân sinh
Là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh phải chịu nhiều áp lực đồng nghĩa với nhu cầu đầu tư cao. Hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, từ chỗ có hạ tầng giao thông thiếu thốn trăm bề, các địa phương trong toàn tỉnh đã vươn lên khắc phục khó khăn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng GTVT, tạo đà thuận lợi hơn cho phát triển KT-XH. Trong nỗ lực chung, hệ thống cầu dân sinh được xác định là ưu tiên hàng đầu cần bố trí nguồn lực. Bởi, từ lâu nay, hệ thống này luôn là lựa chọn không thể thay thế, giúp kết nối giao thông, giao thương và phát triển KT-XH tại nhiều địa bàn có sông, suối chảy qua.
Đồng chí Vũ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT nhìn nhận: Việc đầu tư xây dựng cầu dân sinh tạo sự kết nối cho các tuyến đường giao thông, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, giao thương giữa các vùng thuận lợi, từ đó thúc đẩy KT-XH phát triển. Chính vì có vai trò đặc biệt quan trọng nên những năm qua, dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng tỉnh luôn chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới cầu dân sinh, ưu tiên vùng sâu, vùng, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, nhiều cây cầu đã được xây dựng mới đồng nghĩa với việc làm vơi đi nỗi lo của người dân, làm tươi sáng các vùng quê còn gian khó, góp phần tạo dấu ấn phát triển cho các địa phương được hưởng lợi.
Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có 347 cây cầu dân sinh, trong đó có 65 cầu treo, còn lại chủ yếu là cầu bê tông cốt thép. Hệ thống này được phân bố rải rác trên những địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp, đan xen với mạng lưới đường giao thông nông thôn. Những năm gần đây, các địa phương đã quyết tâm huy động nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các cây cầu dân sinh. Nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh được triển khai hiệu quả nhờ xác định trúng nhu cầu đầu tư của địa bàn. Điển hình như Dự án LRAMP đầu tư khoảng 110 tỷ đồng để xây dựng 42 cầu, cống dân sinh; đề án 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông đầu tư 7 cầu treo; chương trình "Nhịp cầu yêu thương” đầu tư 5 cầu treo; chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hòa Bình giai đoạn 2 đầu tư gần 435 tỷ đồng để xây dựng cầu Hòa Bình 3; nguồn ngân sách tỉnh đầu tư trên 590 tỷ đồng để xây dựng cầu Hòa Bình 2 bắc qua sông Đà (TP Hòa Bình)…
Như vậy, hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động để đầu tư xây dựng hàng trăm cây cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh. Giờ đây, những câu cầu dân sinh đã trở thành biểu tượng tươi mới của sự phát triển. Nhờ bàn tay và khối óc con người, những nhịp cầu được tiếp thêm sức mạnh, trở nên vững vàng và to đẹp hơn khi bắc qua những dòng sông, tự hào kết nối mọi nẻo đường thuộc các xứ Mường Bi, Vang, Thàng, Động; để mọi miền quê cùng hướng tới con đường phát triển chung: xây đắp tương lai văn minh, hiện đại cho quê hương Hòa Bình.
Khánh An