(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 2 - đỉnh điểm mùa cạn ở xã, 9/9 xóm của xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) thiếu nước sinh hoạt. Dọc các tuyến đường tại xóm Đanh, Đào, Lâm, Quàn... những ống nước tự kéo của người dân từ các mó nước trên núi về chằng chịt như dây diện. Theo người dân nơi đây, năm nào cũng vậy, trời mưa các khe suối, mó nước chảy mạnh còn có nước dùng, còn mùa cạn thì suối trơ sỏi đá, nước từ mó dẫn về ống chảy như sợi chỉ, hứng cả ngày cũng chỉ được 2-3 xô nước, các hộ đều chật vật vì "khát" nước sinh hoạt.



Những đường ống nước tự kéo của người dân xóm Lâm, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) từ các mó nước trên núi về sử dụng.

Hàng năm, thời điểm từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, hầu hết các hộ dân ở xóm Lâm đều chật vật tìm nguồn nước sinh hoạt. Cả xóm đều dùng nước tự nhiên lấy từ mó nước, khe suối trên núi để dùng. Để có nước phục vụ sinh hoạt, các hộ dân phải đặt ống dẫn nước cách rất xa nhà, thậm chí có những hộ tại xóm Lâm, Quàn... đặt ống dẫn nước từ mó nước cách nhà 2 km. Ấy vậy mà nước chảy lay lắt, chỉ đủ để nấu nướng, sinh hoạt, còn giặt quần áo phải đợi đầy bể hoặc chở ra suối để giặt. Có hộ hàng ngày phải mang can ra những xã lân cận xin nước về dùng. Nước sinh hoạt đã vậy, việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi lại càng thêm khó khăn.

Anh Bùi Văn Mìn, xóm Lâm cho biết: "Quanh năm gia đình tôi luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Gia đình đã đặt ống dẫn nước cách nhà 1,5 km từ trên núi về dùng. Mùa cạn từ tháng 12-3 nước chảy yếu, hứng cả tiếng đồng hồ mới được 1 chậu nước, mùa mưa từ tháng 4-5 và tháng 8-9 thì nước chảy mạnh hơn nhưng đục ngầu, cứ trời mưa là phải chạy thật nhanh đến bể nước để bỏ ống ra ngoài nếu không thì đục hết bể".

Gia đình anh Mìn có 4 người, thường xuyên bị ngứa, đau mắt, dù chưa đến bệnh viện chẩn đoán nhưng ai cũng đều cho là do nguồn nước, bởi hầu như trong xóm nhà nào cũng có người mắc bệnh như vậy. "Dù biết nguồn nước mó không đảm bảo nhưng vẫn phải dùng vì không còn nguồn nào thay thế. Trước đây, từng có đoàn cán bộ đến khảo sát nguồn nước, xây dựng bể cấp nước sinh hoạt cho bà con nhưng không thấy quay lại" - anh Mìn chia sẻ.

Nhiều hộ đã thử khoan giếng nhưng do địa hình cao ít nước hoặc không có nước nên đành bỏ không. Tình trạng thiếu nước còn xảy ra tại cơ sở y tế, trường học, gây nhiều bất tiện trong học tập, khám và chữa bệnh. Trong các cuộc họp thôn, xóm, vấn đề thiếu nước luôn được bàn luận sôi nổi, đề xuất, kiến nghị lên các cấp. Chỉ vài tháng nữa là bước vào hè, thiếu nước sạch còn kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

Đồng chí Bùi Văn Bèo, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo cho biết: Công trình nước sạch của xã được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng nặng, không còn khả năng cấp nước sinh hoạt. Tuyến đường dẫn nước từ mó nước trên núi về các hộ thường xảy ra tình trạng sạt lở khi có mưa lớn, hư hỏng, đứt đường ống, gây thiệt hại cho bà con. Xã đã tiếp thu ý kiến của người dân, trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nếu được đầu tư xây dựng, công trình nước sạch sẽ chủ động được nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, chất lượng nước đạt chuẩn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Vào mùa cạn, thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn tác động tới sản xuất. Hiện tại, toàn xã có 18 bai, đập, 35,6 km kênh mương, tuy nhiên mới chỉ cứng hóa được 25%, nhiều tuyến bị hỏng, xuống cấp, không đủ phục vụ tưới tiêu cho bà con, chủ yếu phụ thuộc vào nước "trời". Do đó, việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập hạn chế. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 23,5 triệu đồng/người/năm, một phần thu từ lao động đi làm ăn xa, không xuất phát từ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn 18,4%.

Trước những khó khăn về nguồn nước, nhân dân mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng công trình nước sạch, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi giúp ổn định sinh hoạt, chủ động nguồn nước tưới tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.


Hoàng Anh


Các tin khác


Hạn mặn khốc liệt, sạt lở đất bất thường ở Cà Mau

Trên 18.000ha lúa bị thiệt hại, 42.000ha rừng khô kiệt, 21km đường tự nhiên sụt xuống… đó là những con số thiệt hại do hạn mặn đầu tiên tại Cà Mau được xác nhận. Trong khi đó, nắng nóng, khô hạn, mặn xâm nhập có khả năng kéo dài cho đến hết tháng 5. Tình hình này khiến Cà Mau căng mình phòng chống.

Cần bảo đảm pháp lý để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ  

(HBĐT) - Từ ngày 1/1/2019, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Sở TN&MT chuyển thành đơn vị tự chủ 100%. Chức năng chính của đơn vị tổ chức thực hiện quan trắc, phân tích, đánh giá TN&MT phục vụ công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trên địa bàn tỉnh; tư vấn, thực hiện các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Khởi công xây dựng cầu dân sinh xóm Quê Bái, xã Đông Lai

(HBĐT) - Sáng 20/2, UBND huyện Tân Lạc và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Hòa Bình (Agribank chi nhánh Hòa Bình) đã tổ chức hội nghị triển khai thi công công trình cầu dân sinh xóm Quê Bái, xã Đông Lai.

Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12B đi quốc lộ 1

(HBĐT) - Ngày 20/2, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ (QL) 12B đi QL 1. Cùng tham gia có lãnh đạo Sở GTVT, Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh, huyện Lạc Sơn, Yên Thủy.

Trung tâm Kinh doanh VNPT Hoà Bình:Triển khai phần mền VNPT E-Learning tại các trường học đối phó dịch Covid-19

(HBĐT) - Nhằm khắc phục tình hình nghỉ học của học sinh trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Kinh doanh VNPT Hòa Bình đã và đang triển khai phần mềm hệ thống dạy học từ xa VNPT E-Learning. Đây cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu và là xu thế mới trong việc đào tạo, trao đổi thông tin giữa giáo viên và học sinh trong thờì gian tới – xu thế học tập 4.0.

Quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên lưu vực hồ chứa nước

(HBĐT) - Để tăng cường công tác quản lý phân bón, thuốc BVTV trên lưu vực hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy sản và nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan  tăng cường công tác quản lý phân bón, thuốc BVTV trên lưu vực hồ chứa nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục