Hạn, xâm nhập mặn đang làm cho khoảng 8.000 hộ dân ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Trụ, Cần Đước thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng phải mua với giá hơn 100 nghìn đồng/m3, khoảng 2.000 ha lúa đông xuân ở huyện Tân Trụ bị thiệt hại từ 30 đến 100%, làm hơn 110 m bờ sông và tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng.

Hạn, mặn làm xáo trộn cuộc sống của người dân Long An

Người dân ở xã Tân Tập, huyện cần Giuộc, tỉnh Long An phải đổi nước ngọt với giá trên 100 nghìn đồng/m3 để sinh hoạt.

Giá nước ngọt tăng cao

Thống kê của ngành nông nghiệp, hạn, mặn đã và đang làm cho hơn 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước và Tân Trụ đang thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Để có nước ngọt sinh hoạt người dân phải chấp nhận mua nước ngọt từ các giếng tầng nông với giá hơn 100 nghìn đồng/m3. Giá nước tăng cao nhưng có tiền cũng không mua được nước ngọt sử dụng do nhà xa trục lộ chính, xe chở nước ngọt không đến được.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, tổ 5, ấp Tân Đông, xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết: Từ sau Tết đến nay, người dân ở ấp Tân Đông này phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn, mặn bủa vây. Hiện tại, sáu bể chứa nước ngọt khoảng 12 m3 của gia đình đã cạn trơ đáy. Nhà cách trục giao thông nông thôn khoảng 100 m, hết nước ngọt sử dụng cả tuần mà kêu không có xe chở nước ngọt đến đổi. Nước ngọt đang rất khan hiếm, giá cao gấp 10 đến 15 lần so với nước máy. Bình quân một khối nước ngọt có giá 125 nghìn đồng nhưng vẫn không có xe chuyển nước ngọt về để đổi. Ở cái vùng đồng khô, nước mặn này có tiền cũng không mua được nước ngọt để sử dụng, phải năn nỉ mấy chủ xe chở nước ngọt và phải chấp nhận đổi giá cao thì người ta mới chở đến. Người dân rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp chuyển nước ngọt về cứu khát cho dân làng.



Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An chở nước ngọt về vùng hạ cấp phát miễn phí cho người dân sử dụng.

Ông Lê Văn Thinh, ấp Tân Đông, xã Tân Tập nói: Ở vùng hạn, mặn này "nước ngọt quý hơn vàng”. Mua gạo thì dễ nhưng mua nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày thì quá khó. Nhà ở xa trục lộ chính, kêu xe chở nước ngọt không vào tới nên cuối tuần, con, cháu hội tụ về là phải lấy xe gắn máy chạy tới những khu vực có giếng nước tầng nông mua với giá 2.000 đồng/thùng 20 lít chở về sinh hoạt. Còn nước ngọt để nấu ăn thì mua nước lọc loại 20 lít/bình với giá 13 nghìn đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) Nguyễn Thanh Tú cho biết: Trên địa bàn xã hiện còn hơn 500 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Hiện tại, nguồn nước của Công ty cấp nước Bằng Tâm cung cấp cho nhiều xã nên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Để có nước sinh hoạt bà con phải trực canh giờ để lấy nước dự trữ mới có đủ sử dụng trong ngày. Hiện tại, huyện cũng đã lên kế hoạch vận chuyển nước từ nơi khác về bơm vào những điểm tập trung để các hộ dân đến lấy về sử dụng.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Vùng hạ huyện Cần Giuộc không có nguồn nước ngầm nên bước vào mùa hạn, mặn là xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Để giải bài nước sinh hoạt cho người dân sử dụng, năm 2019, tỉnh đã bố trí vốn xây dựng bảy trạm bơm tăng áp và hệ thống đường ống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện tại, các công trình đã cơ bản phục vụ được cho các xã: Long Hậu, Phước Lại, một phần Phước Vĩnh Tây và Phước Vĩnh Đông có nước sạch sử dụng từ nguồn của Công ty cấp nước Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) chuyển về. Tuy nhiên, lượng nước sạch của công ty chỉ đáp ứng được 2/3 so với cầu khu vực này là 4.500 m3 ngày/đêm.

Đối với khu vực các xã: Long Phụng, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập và một phần Phước Vĩnh Đông đã được tỉnh đầu tư bốn trạm bơm tăng áp và đường ống nhưng chưa có nguồn nước cung cấp. Toàn bộ khu vực này chỉ có một Công ty cấp nước Bằng Tâm và một giếng nước tư nhân nên chỉ cung cấp được 1/3 so với nhu cầu là 3.500 m3 ngày/đêm. Hiện tại, khu vực này đang thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng, người dân đang phải đổi nước ngọt tầng nông với giá trên 100 nghìn đồng/m3. Để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt, tỉnh cũng đã làm việc với Công ty cấp nước Nhà Bè và công ty đã đồng ý trong tháng 3 sẽ lắp thêm một máy bơm để đẩy nguồn nước ngọt về cứu khát cho bà con vùng hạ Cần Giuộc. Đối với khu vực Công ty cấp nước Bằng Tâm thì tỉnh cũng đã làm việc với Nhà máy nước Nhị Thành - DNP Long An đặt tại huyện Thủ Thừa với phương án lấp đặt đường ống dẫn nước ngọt về vùng hạ huyện Cần Giuộc. Theo kế hoạch đến ngày 30-4-2020, DNP Long An sẽ hoàn thành đường ống về đến Quốc lộ 50 để đấu nối với đường ống của Công ty cấp nước Bằng Tâm với khoảng 2.000 m3 ngày/đêm thì sẽ cung ứng được nhu cầu nước ngọt cho dân sử sụng.

Trong thời gian chờ đợi nguồn nước từ các công ty chuyển về cứu khát cho bà con vùng hạ Cần Giuộc, Tân Trụ, Cần Đước… Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đang điều sáu xe bồn chở khoảng 30 m3 nước/ngày từ nhà máy nước của TP Tân An, Long An chuyển về cấp miễn phí cho người dân sử dụng đến khi có mưa rớt hạt

Sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng hạn, mặn



Sạt lở nghiêm trọng trên hệ thống thủy lợi Nhật Tạo, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An do ảnh hưởng của hạn, mặn.

Do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn đã làm mực nước trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo thuộc địa bàn huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) khô cạn dẫn đến sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng. Từ ngày 25-2 đến 3-3, trên hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo thuộc địa bàn huyện Tân Trụ đã xảy ra bốn điểm sạt lở lớn tại các xã: Bình Trinh Đông, Lạc Tấn, Bình Trinh Đông và Quê Mỹ Thạnh với tổng chiều dài hơn 110 m. Trong bốn vụ sạt lở thì có hai tuyến giao thông nông thôn bị chia cắt và làm thiệt hại hai ao cá cảnh của người dân trị giá khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, trên sông Vàm Cỏ Tây do dòng chạy thay đổi đã làm sạt lở khoảng 100 m bờ sông thuộc địa bàn xã Nhựt Ninh. Rất may, các vụ sạt lở trên địa bàn huyên Tân Trụ xảy ra vào ban đêm nên không gây thiệt hại về người.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) Trịnh Phước Trung cho biết: Do hệ thông thủy lợi Nhật Tảo kiệt nước, tầng đất chân yếu đã tạo ra áp lực đẩy đất ra ngoài sông gây sạt lở các khu vực ven bờ. Ngoài ra, một số ao nuôi thủy sản của người dân nằm sát sông, khi sông cạn nước đã tạo ra độ chênh lệch mực nước dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. Hiện tại, huyện đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm cách khắc phục nhanh để cho người đi lại và giao thương hàng hóa.

Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi Long An Võ Kim Thuần cho biết: Hiện tượng sạt lở bờ sông thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu như mực nước không được nâng lên để giảm độ chênh lệch và khi có mưa lớn xuất hiện. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan phối hợp địa phương tiến hành khắc phục ngay các điểm bị sạt lở để người dân đi lại, tiến hành khảo sát và thiết kế phương án gia cố để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

                                                                                   Theo báo Nhân Dân



Các tin khác


WHO gia nhập TikTok để ngăn chặn thông tin sai lệch về COVID-19

Sự ra mắt tài khoản TikTok là một phần trong công việc của WHO để cung cấp thông tin chính xác liên quan đến COVID-19 cho mọi người.

Giải pháp phát triển đô thị Lương Sơn trở thành thị xã

(HBĐT) - Sau nhiều năm nỗ lực bền bỉ, đến cuối năm 2019, Lương Sơn đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM và xây dựng đô thị. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện Lương Sơn tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, đặt mục tiêu xây dựng trung tâm huyện và khu vực mở rộng trở thành thị xã trong tương lai.

Mùa “khát” ở Tuân Đạo

(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 2 - đỉnh điểm mùa cạn ở xã, 9/9 xóm của xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) thiếu nước sinh hoạt. Dọc các tuyến đường tại xóm Đanh, Đào, Lâm, Quàn... những ống nước tự kéo của người dân từ các mó nước trên núi về chằng chịt như dây diện. Theo người dân nơi đây, năm nào cũng vậy, trời mưa các khe suối, mó nước chảy mạnh còn có nước dùng, còn mùa cạn thì suối trơ sỏi đá, nước từ mó dẫn về ống chảy như sợi chỉ, hứng cả ngày cũng chỉ được 2-3 xô nước, các hộ đều chật vật vì "khát" nước sinh hoạt.

Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử

(HBĐT) - Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Tiêu hủy 100% số gia cầm mắc cúm A/H5N6 tại xã Liên Sơn

(HBĐT) - Ngày 26/2, tại khu vực xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 xóm 23/9, xã Liên Sơn (Lương Sơn), lực lượng chức năng tỉnh, huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 100% số gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N6 nhằm thực hiện giải pháp cấp bách chống dịch, kiểm soát diễn biến, khống chế sự lây lan của dịch sang các khu vực, địa phương chăn nuôi lân cận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục