Lực lượng chức năng mang lợn bệnh đi tiêu hủy. Ảnh chụp tại xóm Bận Dọi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc).
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp
Năm 2019, trên địa bàn tỉnh, DTLCP xảy ra ở 137 xã, phường, thị trấn với 445 thôn, 1.362 hộ có dịch. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 14.528 con, chiếm 3,2% tổng đàn lợn của tỉnh. Năm 2020, DTLCP vẫn xảy ra lẻ tẻ ở một số xóm, xã, chủ yếu là tái phát dịch. Đến đầu tháng 6, toàn tỉnh có 14 xã có dịch với 729 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, trọng lượng trên 24 tấn. Từ tháng 6 đến hết tháng 8, DTLCP vẫn tiếp tục xảy ra ở một số địa bàn. Thế nhưng, từ đầu tháng 9 đến nay, DTLCP bùng phát mạnh với những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY): Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 114 thôn, xóm thuộc 53 xã, phường, thị trấn có dịch, với 490 hộ bị dịch; tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 3.053 con, trọng lượng trên 156 tấn. Trong đó, 10 xã đã công bố hết dịch, hiện còn 43 xã thuộc 10 huyện, thành phố có dịch. Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy là những huyện đang có dịch diễn biến phức tạp trên diện rộng, số lượng các xã có DTLCP lần lượt là 11, 10 và 8 xã.
Nhân Mỹ là 1 trong 10 xã, thị trấn của huyện Tân Lạc hiện đang có DTLCP. Đồng chí Đinh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngày 1/10, dịch bùng phát tại xóm Bận Dọi, sau lan sang các xóm Cò, Chiềng, Hông Thọng. Đến nay, xã đã tiêu hủy 160 con lợn của 33 hộ dân, với trọng lượng tiêu hủy 8,8 tấn. Trong buổi sáng chúng tôi đến (21/10), ghi nhận trên địa bàn xã tiếp tục có thêm lợn mắc bệnh. Xã hiện có trên 3.000 con lợn, nhiều hộ mới tái đàn, các hộ dân lo lắng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Gia đình anh Bùi Văn Nhất, xóm Ào U duy trì nuôi lợn thịt, lợn nái từ nhiều năm nay. Khi các xã lân cận bùng phát DTLCP, gia đình anh đã phải bán vội lứa lợn 28 con, trọng lượng hơn 2 tấn với giá 60 nghìn đồng/kg, mức giá thấp hơn nhiều so với thời điểm cách đó hơn 1 tháng. Hiện, gia đình anh Nhất còn 3 con lợn nái và 26 lợn con vừa tách mẹ. Anh Nhất chia sẻ: Những tưởng lứa lợn này sẽ thắng lớn thì giá lợn lại giảm mạnh, DTLCP bùng phát nên gia đình khá lo lắng. Một số xóm ở xã đã xuất hiện dịch bệnh, gia đình tôi thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột xung quanh khu vực nuôi và hạn chế cho người lạ vào khu chăn nuôi.
Theo lãnh đạo xã Nhân Mỹ, từ khi bùng phát dịch, UBND xã đã thực hiện nghiêm việc tiêu hủy lợn bệnh, tuyên truyền đến người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không mua bán lợn để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Các xã giáp ranh Nhân Mỹ như: Phong Phú, Lỗ Sơn, thị trấn Mãn Đức đều đang có dịch.
Cần thực hiện nghiêm các biện pháp dập dịch, ngăn dịch lây lan
Đánh giá về nguyên nhân khiến DTLCP bùng phát, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết: Do chưa có vắc xin phòng bệnh, không có đáp ứng miễn dịch nên DTLCP có thể bùng phát, tái phát nếu người chăn nuôi không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Nguyên nhân thứ hai, từ tháng 5/2020 đến nay, sau sáp nhập ngành CN&TY đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, trong đó, việc không triển khai được kiểm soát giết mổ đã tạo ra lỗ hổng trong kiểm soát dịch bệnh. Thứ ba, trong tháng 7, tháng 8 vừa qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện tái đàn, nhưng con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thứ tư, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học là biện pháp để phòng, chống DTLCP, nhưng hầu hết các hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ chưa thực hiện được. Hơn nữa, hiện nay khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng một số hộ dân bán "chạy” dịch.
Theo phản ánh của người dân ở một số địa bàn đang có dịch, không ít hộ dân bán tháo lợn cho tư thương, thậm chí để qua mắt cơ quan chức năng, hoạt động mua bán diễn ra vào ban đêm. Điều này rất nguy hiểm, sẽ khiến dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, để dập và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Chi cục CN&TY khuyến cáo: Đối với những vùng đang bị dịch phải thực hiện tốt việc ngăn chặn vận chuyển, tiêu thụ lợn ra vào vùng dịch; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh; không bán chạy lợn. Các hộ, cơ sở chăn nuôi phải báo cáo chính quyền khi phát hiện lợn ốm để tiêu hủy kịp thời; thực hiện tốt khử trùng, tiêu độc ở khu vực đang có dịch, cũng như các khu vực lân cận để ngăn dịch lây lan.
Viết Đào
(HBĐT) - Xu hướng mới "3 năm 2 bằng”