(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt diện rộng, kéo dài nhất kể từ đầu mùa đến nay. Trên bản đồ khí tượng quốc gia, Hòa Bình là một trong những tỉnh có nền nhiệt độ cao nhất cả nước.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1. Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên những ngày qua, trong tỉnh có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C, như tại huyện Mai Châu nhiệt độ lên tới 39,5 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 45 - 65%. Thời gian có nền nhiệt trên 35 độC từ 12 - 17 giờ. Đợt nắng nóng này dự báo sẽ kéo dài sang đầu tuần tới.
Nội dung
Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, năm nay, nắng nóng tại tỉnh có xu hướng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm. Mặc dù không gay gắt và kéo dài như năm 2020, song với nhiệt độ tăng cao, cường độ nắng gắt trong nhiều giờ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sản xuất của người dân. Nhất là vào chiều tối thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc trên phạm vi toàn tỉnh. Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đây được xem là đợt nắng nóng thứ ba kể từ đầu mùa đến nay, trong đó, đợt đầu vào cuối tháng 3, đợt hai vào giữa tháng 4. Nhiệt độ trung bình trong tháng 5 trên địa bàn tỉnh phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Và theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, từ tháng 6 - 9/2021, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,0 độ C.
Cùng với huyện Mai Châu thì TP Hòa Bình cũng là tâm điểm của đợt nắng nóng này. "Nắng nóng gay gắt đúng vào thời điểm thu hoạch lúa và rau, màu vụ xuân nên nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để bảo vệ sức khỏe, bà con thường đi gặt từ 4 rưỡi, 5 giờ sáng, không thì phải để đến chiều tối, chứ nắng như đổ lửa thế này mà ra ruộng rất dễ bị cảm hoặc say nắng. Gia đình tôi có vườn rau cũng phải che chắn cẩn thận, nếu không thì nắng cháy hết lá, cây héo rũ, nhìn mà sót ruột” - chị Hiền (phường Thống Nhất) bộc bạch.
"Mấy ngày nay, mới 7, 8 giờ sáng mà nắng đã chói chang, nhiệt độ tăng từng giờ. Vì vậy, sáng sớm tôi đã đi chợ mua đồ cho cả ngày, rồi về tranh thủ mọi công việc, chứ đến 10 giờ là không muốn ra khỏi nhà. Có tuổi rồi, nóng bức thế này dễ ốm lắm, nhất là bệnh về đường hô hấp, rồi thì hoa mắt, chóng mặt, tăng huyết áp”- bà Ngô Thắng, phường Đồng Tiến chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, các bệnh hô hấp thường gặp trong thời điểm nắng nóng là cảm cúm, viêm họng, viêm phổi, những bệnh mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản và các bệnh về da… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, ngành Y tế khuyến cáo, khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, hay ở thời điểm nhiệt độ tăng cao thì nên mặc quần áo dài tay, dễ thấm mồ hôi, đội nón, mũ rộng vành. Khi đi nắng về hoặc làm việc ra nhiều mồ hôi không nên tắm ngay để tránh cho cơ thể không bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, rất dễ bị cảm. Đồng thời, không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột, nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Nếu sử dụng điều hòa, nên để nhiệt độ từ 25 - 27 độ C và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người. Mọi người cũng không nên uống nhiều nước lạnh, nước đá và cần uống đủ lượng nước hàng ngày và ăn nhiều rau, củ, quả để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể trong những ngày hè.
Thu Hiền