(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, khó lường, với nhiều loại hình nguy hiểm như: Sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, dông lốc... Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo coi trọng việc xây dựng, củng cố và nâng cao vai trò, năng lực của cộng đồng, nhất là với cấp xã trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT).
Những năm qua, thực hiện phương châm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ (4 tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, được triển khai nghiêm túc từ cơ sở đã góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại trong công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại các địa bàn. Gần đây nhất là những sự việc xảy ra do ảnh hưởng từ các đợt mưa lớn vào cuối tháng 9 và giữa tháng 10 đã cho thấy vai trò quan trọng của lực lượng xung kích PCTT cấp xã.
Đợt mưa kéo dài từ ngày 23 - 26/9 gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, nhà cửa của nhiều hộ dân. Trong đó, trên địa bàn xóm Tân Thành, xã Hợp Thành (TP Hòa Bình) xảy ra sạt lở đất khiến 1 hộ bị thiệt hại khá nặng do đất đồi tràn vào nhà bếp, công trình phụ gây hư hỏng một số vật dụng, phần mái bếp. Ngoài ra, có 3 hộ nguy cơ sạt lở đất cao... Theo đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, ngay sau khi nhận được thông tin thiên tai, UBND xã kịp thời kiểm tra, chỉ đạo chính quyền xóm di dời các hộ dân và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đất nguy hiểm, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại tại thực địa. Xã chỉ đạo lực lượng công an, trưởng xóm, hộ gia đình, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã trực, theo dõi diễn biến sạt lở đất, bảo vệ tài sản của Nhân dân và thông báo cho các hộ không được cư trú trong nhà, nơi đang có nguy cơ sạt lở, do vậy không gây thiệt hại về người.
Cũng trên địa bàn TP Hòa Bình, vừa qua, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7, số 8 đã có mưa to đến rất to, gây sạt lở nhiều nơi, trong đó có sạt lở lớn trên đường tỉnh 435 thuộc địa bàn tổ 8, phường Thái Bình. Hàng chục nghìn m3 đất đồi tràn xuống, vùi lấp mặt đường, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 2 hộ dân. Chủ tịch UBND phường Thái Bình Bùi Thế Dương cho biết: Khi xảy ra sạt lở, UBND phường đã chỉ đạo thực hiện ngay "4 tại chỗ", huy động nhân lực hỗ trợ hộ dân di chuyển đến nơi an toàn; cắt cử lực lượng trực, bám sát địa bàn và phối hợp cùng đơn vị chức năng hướng dẫn, tuyên truyền người dân đi qua khu vực sạt lở đảm bảo an toàn.
Thực tế cho thấy, vai trò của cấp xã trong PCTT là hết sức quan trọng. Thời gian qua, thực hiện đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, một số xã đã thành lập được nhóm hỗ trợ kỹ thuật và nhóm cộng đồng thực hiện công tác đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh đã giao Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập phương án ứng phó thiên tai các cấp và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức diễn tập phương án PCTT cấp huyện hàng năm. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn tuyên truyền "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” cho cán bộ cấp xã.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thường xuyên đôn đốc các huyện, thành phố xây dựng, củng cố đội xung kích PCTT cấp xã. Hiện, 151/151 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích PCTT, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả ngay từ những giờ đầu xảy ra thiên tai tại địa phương. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập 5 đội ứng phó thảm họa ở các xã trọng điểm về thiên tai gồm: Đồng Tâm, Yên Bồng, Khoan Dụ, An Bình, Thống Nhất thuộc huyện Lạc Thủy.
Tuy nhiên, UBND tỉnh đánh giá, thời gian qua, một số địa phương còn tình trạng chủ quan, chưa kiên quyết trong việc đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra thiên tai. Còn trường hợp chính quyền địa phương vẫn để người dân trong vùng nguy hiểm không chịu di dời khi có mưa lũ, hoặc còn tình trạng người và phương tiện đi qua ngầm tràn, đánh bắt thủy sản khi nước lũ dâng cao...
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả PCTT từ cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND, ngày 10/9/2021, triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 9/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Việc thực hiện kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra để chủ động trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện các quy định của Luật PCTT..., cũng như nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành của lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Theo đó, ngoài triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-TTg, UBND tỉnh yêu cầu phải quán triệt, thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ". Thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế, phát huy được vai trò đi đầu trong công tác PCTT tại mỗi địa phương.
Bình Giang