Ngày 5/10, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 317/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập".
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị phát triển thị trường khoa học và công nghệ, chiều 23/9/2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại, hội nhập
Thông báo nêu rõ: Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong đó thị trường khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, thị trường khoa học và công nghệ nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ từng bước được hoàn thiện; nguồn cung hàng hóa đã tăng đáng kể, tốc độ tăng giá trị giao dịch bình quân hằng năm đạt 22%. Kết quả nghiên cứu của các viện trường, nhà khoa học dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận; nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ các công nghệ mới, tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng được gia tăng và cải thiện. Các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ, sàn giao dịch công nghệ từng bước được hình thành và phát triển. Công tác xúc tiến quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm khoa học và công nghệ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khó khăn về nguồn vốn, bao gồm nguồn vốn từ ngân hàng đã có tác động tiêu cực, làm trì trệ và gây cản trở cho hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ. So với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là các nước phát triển và với một số nước trong khu vực, thị trường khoa học và công nghệ nước ta còn chậm phát triển; thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học gặp nhiều khó khăn. Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học còn hạn chế, dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung hàng hóa khoa học, công nghệ. Hoạt động mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Các tổ chức trung gian còn yếu về năng lực, chưa có tổ chức trung gian chuyên ngành trong các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng, chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước để kết nối với thị trường khu vực và quốc tế. Hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ còn lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể tham gia. Cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số của thị trường khoa học và công nghệ chưa được đầu tư phát triển ngang tầm.
Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như: Nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của thị trường khoa học và công nghệ trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đầy đủ và toàn diện. Cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Các tổ chức khoa học và công nghệ chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như một phương thức biến tri thức khoa học thành hàng hoá, thành năng lực sản xuất thực tế của xã hội. Các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ chưa được quan tâm và đầu tư phù hợp; việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chưa được chú trọng. Việc liên kết thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam với thị trường quốc tế chưa được quan tâm đúng mức; chưa huy động và phát huy được tiềm năng, "chất xám" của đội ngũ các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; chưa có được chính sách ưu đãi, cần thiết để thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao.
Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Quan điểm chung, thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, phải lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Đồng thời, cần có chính sách đồng bộ, sự sẵn sàng của nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian. Hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết sự phát triển của thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Để phát triển bền vững thị trường khoa học và công nghệ phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, phải lành mạnh, công khai, minh bạch.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học và công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và chiến lược, chương trình phát triển khoa học và công nghệ của Chính phủ. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, lồng ghép nhiệm vụ, kế hoạch/đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Đẩy mạnh hơn nữa việc thể chế hóa đường lối của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới công nghệ góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích chuyển đổi số và phát triển xanh.
Tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả hai mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Trong đó, thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán để phục vụ thương mại hóa sản phẩm. Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ. Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm, kết nối liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới. Đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư với xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh kết nối trung ương với địa phương, viện, trường với doanh nghiệp và người dân. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, và xã hội để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi do trong hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ.
Theo TTXVN
Khả năng từ đêm 6/10, sóng lạnh sẽ xuống, sau đó được bổ sung tiếp. Miền Bắc và Hà Nội sẽ có mưa vào 3 ngày cuối tuần, có điểm mưa to, trời mát, đêm về sáng se lạnh.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 29/8 đến nay, đã gây sạt lở đất, làm ách tắc giao thông trên Tỉnh lộ 433, đoạn qua xóm Ênh, xã Tân Minh (Đà Bắc).
(HĐBT) - Do ảnh hưởng của đợt mưa liên tiếp những ngày qua, sáng 3/10, tại km 44+ 130, đường 433, đoạn Ênh, xã Tân Minh (Đà Bắc) xảy ra sạt lở khối lượng gần 6.000 m3 đất, làm ách tắc giao thông suốt nhiều giờ.
Do ảnh hưởng của mưa to đến rất to từ chiều 30/9 đến sáng 1/10, khiến nhiều khu dân cư ở các địa phương miền Đông của tỉnh Quảng Ninh ngập lụt cục bộ và xuất hiện lũ trên một số ngầm tràn.
Ngay sau khi bão số 4 đi qua, các cảng cá trong tỉnh Quảng Ngãi cũng dần nhộn nhịp trở lại khi ngư dân hối hả chuẩn bị nhu yếu phẩm, sẵn sàng đưa tàu thuyền vươn khơi khai thác hải sản.
(HBĐT) - Chiều 30/9, UBND tỉnh ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND về tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.