Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao cho tỉnh.
Tại tỉnh ta, trong 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025”, đến nay, cơ bản các mục tiêu của đề án đã đạt và dự kiến hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó một số mục tiêu đã vượt chỉ tiêu.
Những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, kế hoạch và các văn bản nhằm hoàn thiện chính sách và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Điển hình là Nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2023-2030.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về "Xây dựng và triển khai chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh"; triển khai Đề án của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…
Đối với kết quả thực hiện các mục tiêu, mức đầu tư từ ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội cho KH&CN tăng dần qua các năm. Tính đến nay, toàn tỉnh có 457 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ công bố cấp mới cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ trên địa bàn tỉnh, vượt 52,3% mục tiêu đề ra đến năm 2025. Tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh dự báo đạt 40%, đảm bảo chỉ tiêu đề ra...
Về việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, hiện toàn tỉnh có 60,64% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học và 83% cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Toàn tỉnh có 59,11% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo đạt hiệu quả cao; khoảng 80% học viên tự tạo được việc làm sau đào tạo. Đặc biệt là chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh được nâng lên...
Tỉnh đã triển khai thực hiện 4 dự án đầu tư công ngành KH&CN giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cho trung tâm.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh xét chọn được 20 trí thức KHCN tiêu biểu. Đẩy mạnh hoạt động ươm tạo, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, tổ chức KH&CN. Đến nay, toàn tỉnh có 25 tổ chức KHCN, 11 doanh nghiệp KH&CN.
Những năm qua, tỉnh ta đã tổ chức triển khai thực hiện các đề án về hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông, lâm sản và chế biến thực phẩm; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trong thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm…
Có thể nói, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của KT-XH tỉnh nhà, là nền tảng quan trọng tạo đà phát triển bèn vững trong giai đoạn mới.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, tỉnh ta tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự giám sát của nhân dân, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch triển khai Đề án số 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò đầu tư phát triển KH-CN trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hồng Trung