Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.
Người dân nên để điều hòa 26 độ trở lên.
Theo Công ty Điện lực Hòa Bình, lượng tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh tăng rõ rệt trong những ngày nắng nóng gay gắt. Công suất tiêu thụ điện hằng ngày từ khi bắt đầu đợt nghỉ lễ (25 - 29/4) cao nhất trong khung giờ từ 11 - 19h, khoảng từ 235 - 250 MW. Trong đó, sản lượng tiêu thụ điện cao nhất toàn tỉnh ghi nhận vào ngày 27/4 là 4.984.254 kWh, tăng 24,3% so với ngày thường (10/4) và tăng 31,47% so với cùng kỳ năm 2023.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện và trong gia đình, người dân, các cơ quan, đơn vị, nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Cụ thể, phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hòa Bình khuyến cáo:
1. Lắp đặt aptomat hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà, từng đường dây điện phụ, từng gian phòng, từng thiết bị điện có công suất lớn. Kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sử dụng điện để lâu ngày không hoạt động khi vào mùa nắng nóng.
2. Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải, tránh quá tải gây cháy. Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải chọn dây dẫn phù hợp. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện chung 1 ổ cắm.
3. Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện; tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy.
4. Không nên sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện... qua đêm. Nếu sạc phải có người trông coi hoặc khu vực sạc riêng.
5. Đối với điều hòa nhiệt độ, cần thường xuyên kiểm tra và vệ sinh, không để bụi bẩn bám trên màng lọc, dàn nóng, cánh quạt… làm cản trở trao đổi nhiệt, tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Khi lắp điều hòa cần chọn dây dẫn, aptomat có thông số phù hợp. Không để vật liệu dễ cháy gần cục nóng điều hoà, vì khi hoạt động sẽ hút những đồ vật như nhựa, ni lông... làm hạn chế quá trình tản nhiệt dễ gây cháy, nổ.
Điều hòa nhiệt độ nên để ở chế độ tối ưu, từ 26 độ trở lên; nên sử dụng điều hòa công nghệ Inverter (biến tần). Định kỳ bảo dưỡng điều hòa ít nhất 1 lần/năm, vệ sinh tấm lọc bụi ít nhất 3 tháng/lần để vừa đảm bảo tiết kiệm điện, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
6. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ cần kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng và tắt các thiết bị điện không cần thiết.
7. Mỗi gia đình nên trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm, thiết bị cảnh báo cháy sớm... và hướng dẫn cho mọi người biết cách sử dụng, thoát hiểm nếu không may xảy ra cháy, nổ.
Khi xảy ra cháy, nổ cần nhanh chóng ngắt điện, báo động cho mọi người xung quanh biết; điện báo cho Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hòa Bình qua số máy 114 hoặc Công an nơi gần nhất. Sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy. Không dùng nước chữa cháy khi chưa cắt điện.
P.V (T/H)