Hồ De, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) được gia cố mái đập, thân đập bằng vật liệu chắc chắn, đảm bảo an toàn khi mưa lũ.
Hồ Cai là hồ chứa thủy lợi thuộc xóm Cai, xã Tân Mỹ. Hồ có đập cao 8m, dung tích trên 316 nghìn m3 cấp nước tưới cho 43,4 ha lúa 2 vụ, 13,23 ha màu và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân xã Tân Mỹ. Tuy nhiên, công trình được xây dựng từ lâu đến nay đã xuống cấp, dung tích chứa không đảm bảo năng lực tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trước thực trạng đó, UBND huyện Lạc Sơn đã đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Sau khi xem xét, UBND tỉnh phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Cai từ nguồn vốn WB8 với các hạng mục chính: sửa chữa mái đập, cống lấy nước, đường tràn xả lũ, tuyến kênh mương nội đồng. Sau khi được sửa chữa, nâng cấp, hồ Cai đã khôi phục năng lực chứa nước theo thiết kế, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; tính an toàn được nâng lên rõ rệt. Ông Bùi Văn Khoa, người dân sống gần khu vực hồ Cai chia sẻ: Trước khi hồ Cai được sửa chữa, nâng cấp, vào mùa mưa lũ, người dân nơm nớp lo sợ vì thân đập được đắp bằng đất đã xuống cấp, nguy cơ rò rỉ rất cao.
Ngoài hồ Cai, UBND huyện Lạc Sơn đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp một số công trình hồ, đập xung yếu để hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, dự án sửa chữa hồ Quyết Tiến, xã Vũ Bình đã hoàn thành trên 90% khối lượng, chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với đơn vị xây lắp đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án.
Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và phòng thủ dân sự huyện Lạc Sơn, thời gian qua, không chỉ hồ Cai mà huyện đã kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, Sở NN&PTNT ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ địa phương cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn nhiều hồ, đập. Cùng với đó, huyện dành nguồn lực của địa phương và huy động nguồn lực trong nhân dân cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ, đập nhỏ, xung yếu nhằm giảm các nguy cơ mất an toàn hồ, đập, nhất là trong mùa mưa lũ năm 2024.
Trên địa bàn huyện Lạc Sơn hiện có hơn 220 hồ, đập chứa nước (126 hồ, đập do địa phương quản lý). Đa phần hồ chứa có dung tích vừa và nhỏ, nhiệm vụ chủ yếu là tích nước phục vụ nhu cầu dân sinh, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, phòng lũ cho hạ du. Qua kiểm tra thực tế vào tháng 5/2024, toàn huyện có 13/126 công trình bị hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cần được sửa chữa, nâng cấp. Các công trình còn lại cơ bản đảm bảo tưới tiêu và thoát nước chống ngập úng trong mùa mưa bão. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với phương châm "chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả”, lấy phòng tránh là chính gắn với thực hiện "4 tại chỗ”, trước khi vào mùa mưa lũ năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng, đảm bảo công tác ứng phó với thiên tai. Trong phương án PCTT, TKCN hàng năm, huyện đều xác định hệ thống thủy lợi, nhất là các công trình, hồ chứa là khu vực trọng điểm cần được chú trọng bảo vệ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Tính đến tháng 5/2024, huyện đã hoàn thành việc kiểm tra, rà soát, xác định những nguy cơ tại các công trình thủy lợi để xây dựng phương án PCTT, lũ bão cụ thể, hữu hiệu cho từng loại công trình. Qua kiểm tra, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự huyện đã yêu cầu các địa phương có hồ chứa, đơn vị thi công công trình hồ chứa lập phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ theo quy định. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành một số hạng mục công trình vượt lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và người dân khu vực lân cận và yêu cầu chống lũ trong mùa mưa bão năm 2024. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đến thời điểm này, nhìn chung, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được bảo dưỡng, duy trì vận hành, hoạt động tốt. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn hệ thống hồ, đập trong mùa mưa lũ.
Mạnh Hùng