Người lao động tra cứu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm TPHB. Ảnh: C.Lệ
(HBĐT) - Năm 2012, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các huyện, thành phố mở 10 phiên giao dịch việc làm. Thông qua mỗi phiên giao dịch có khoảng 20 - 30 doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh tham gia và khoảng 600 người lao động đến tham dự. Kết quả trong năm đã có hàng ngàn người lao động được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm trong nước và đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, thông qua mỗi phiên giao dịch đã bộc lộ một số khó khăn, tồn tại cần phải có những giải pháp hữu hiệu để sàn giao dịch thực sự đạt hiệu quả.
Qua hoạt động của 10 phiên giao dịch trong năm cho thấy, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Các tổ chức chính trị tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề, việc làm đối với người lao động, từ đó làm chuyển biến căn bản nhận thức trong toàn xã hội về công tác này. Đối với người lao động dần đã có thói quen tìm việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm với các trung tâm giới thiệu việc làm.
Được Nhà nước đầu tư, nâng cấp ở địa bàn tỉnh đã được trang bị thiết bị công nghệ thông tin các máy vi tính, các bốt tra cứu thông tin ở trung tâm giới thiệu việc làm và các trang, thiết bị tại các điểm vệ tinh ở các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn, thông qua mạng internet, ngành đã thiết kế một website người tìm viêc, việc tìm người và website của Sở LĐ-TBXH, qua đó đã thống kê và liên lạc với các Trung tâm giới thiệu việc làm trong toàn quốc để có địa chỉ tuyển dụng lao động vào các cơ sở đào tạo, vị trí làm việc trong các doanh nghiệp. Mỗi phiên giao dịch, ngành thông báo cho các đơn vị này cử cán bộ trực tiếp về để tư vấn, giới thiệu cho người lao động đến tham gia sàn giao dịch. Kết cấu cho mỗi phiên giao dịch thường được bố trí theo sơ đồ ba khu, một khu dành cho lao động có khả năng hiểu biết về công nghệ thông tin thì họ tự tra cứu các vị trí dạy nghề và việc làm. Một khu bố trí các bảng thông báo đơn hàng của các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Một khu bố trí cán bộ của các đơn vị tham gia sàn để tư vấn, phỏng vấn trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động, người quản lý.
Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, thị trường lao động chưa phát triển, các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu sản xuất vật liệu xây dựng, khả năng cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chất lượng lao động thấp. Cuối năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới đạt 29%. Người lao động làm việc chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là chính, chưa có thói quen tìm việc thông qua thị trường lao động do chưa hiểu được vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề, việc làm. Hệ thống trang bị máy móc công nghệ thông tin của Trung tâm giới thiệu việc làm còn hạn chế, số cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm chưa được bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức thị trường lao động. Việc phối hợp cung cấp thông tin thị trường giữa Trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo chưa nhịp nhàng. Công tác dự báo việc cung cầu nhân lực trên địa bàn chưa sát với thực tế.
Để nâng cao chất lượng cho các phiên giao dịch trong thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp sau: trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức. Trong đó cần chú trọng phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là đoàn thanh niên và hội phụ nữ cho người lao động nhận thức một cách đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, hình thức, nội dung của sàn giao dịch việc làm để giúp họ chủ động và tạo thói quen đến sàn giao dịch tìm kiếm việc làm, thông tin về thị trường lao động.
Nhà nước cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho sàn giao dịch nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin thị trường lao động thông qua hệ thống internet và website của Trung tâm giới thiệu việc làm. Đồng thời, thường xuyên đào tạo kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ chuyên trách thuộc hệ thống từ tỉnh đến cơ sở để giúp người lao động tự tin trong quá trình đối thoại với các cơ sở đào tạo và các đơn vị tuyển dụng lao động để họ tự tìm kiếm được việc làm.
Đảm bảo việc thu thập các thông tin về quy mô đào tạo, địa chỉ của những vị trí làm việc trống của các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp cho người lao động qua mỗi phiên giao dịch đảm bảo chính xác, hiệu quả cho người lao động khi tham gia sàn giao dịch.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức mở các phiên giao dịch trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho những người lao động thực sự có nhu cầu trong tìm kiếm việc làm và học nghề, đặc biệt là việc đối thoại trực tiếp giữa người lao động, các cơ sở đào tạo và tuyển dụng trong việc thoả thuận các đơn hàng.
Kiểm tra, phân tích, đánh giá các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp sản xuất và doang nghiệp chuyên doanh xuất khẩu lao động có đủ điều kiện, năng lực và phù hợp với nhu cầu của người lao động trên địa bàn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong quá trình lao động.
(PGĐ. Sở LĐ-TB&XH)
(HBĐT) - Trong 2 ngày 3- 4/12, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Chi cục QLTT phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình tổ chức kiểm tra chất lượng thiết bị điện, điện tử, dây điện bọc nhựa PVC tại các cơ sở kinh doanh thiết bị điện, điện tử trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
(HBĐT) - Với 25.460 ha tổng diện tích rừng hiện có, huyện Cao Phong có 17.680 ha đất lâm nghiệp, hơn 8.647 ha đất có rừng. Năm 2012, nhân dân trong huyện đã tích cực trồng, chăm sóc 473 ha rừng trồng mới, góp phần nâng độ che phủ rừng lên hơn 40%. Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, có tính xuyên suốt, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với UBND xã, thị trấn, các thôn, bản có rừng và gần rừng tuyên truyền bằng nhiều biện pháp như: mở cuộc họp, lồng ghép với các cuộc họp khác, nhất là họp các dự án...
(HBĐT) - Xã Vạn Mai (Mai Châu) có trên 700 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu nhưng đến thời điểm này, toàn xã chỉ có duy nhất một công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tập trung tại xóm Củm, chỉ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong xóm, còn người dân trong các xóm khác phải sử dụng nguồn nước từ các mạch nước từ trên núi hoặc các con suối. Một số hộ đã tiến hành đào giếng khơi. Tuy nhiên, khu vực đào giếng có nguồn nước rất ít.
(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2012, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 8.736 ha rừng, đạt 124,8% kế hoạch, trong đó, trồng rừng phòng hộ được 2.456 ha, trồng rừng sản xuất được trên 6.280 ha.
(HBĐT) - Ngày 28/11, UBND huyện Cao Phong phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp tổ chức hội nghị đánh giá cảm quan về chất lượng cam Cao Phong.
(HBĐT) - Phát huy vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, thời gian qua xã Dũng Phong (Cao Phong) đã linh động, sáng tạo trong huy động sức dân chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới.