Sau 3 năm bị bỏ hoang, cây rừng phủ kín nhưng hệ thống bể nước và đường ống của công trình vẫn còn mới.
(HBĐT) - Những cơn mưa đầu hạ làm cho cả vùng Thung Rếch thuộc xã Tú Sơn (Kim Bôi) đang khát cháy hồi sinh mạnh mẽ đến kỳ lạ. Cũng đã làm vợi đi nỗi lo thiếu nước sinh hoạt của người dân vùng Thung. Những cơn khát tuy không còn gay gắt nhưng vẫn luôn là một nguy cơ hiện hữu khi trước mắt vẫn là những ngày hè oi nắng. Ông Triệu Phúc Thành ở xóm Thung Dao cho biết: Từ xưa đến nay, với người dân vùng Thung Rếch thì nước sinh hoạt luôn là một vấn đề cấp thiết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bạch Đức Dục, Bí thư Đảng ủy xã Tú Sơn khẳng định: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng Thung Rếch cũng khá gay gắt trong mùa khô. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước đối với hơn 200 hộ dân ở hai xóm Thung Dao và Thung Mường có thể giải quyết triệt để nếu công trình cung cấp nước sinh hoạt đặt tại xóm Thung Dao được đưa vào hoạt động. Theo Bí thư chi bộ xóm Thung Dao Phùng Sinh Toàn thì công trình nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư xây dựng đủ sức cung cấp nước cho hơn 200 hộ dân ở 2 xóm Thung Dao, Thung Mường cùng với trường THCS và trạm y tế. Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành từ năm 2010 với tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng (theo thời giá lúc bấy giờ). Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, bàn giao cho xóm quản lý thì đã bị kẻ gian phá khóa nhà bơm lấy đi 2 mô tơ điện. Từ đó đến nay, công trình vẫn để không như vậy và chưa một lần bơm nước phục vụ sinh hoạt của người dân.
Ngay sau khi xảy ra việc mất trộm 2 mô tơ máy bơm, xã đã làm việc với người dân hai xóm để bàn phương án khắc phục, sớm đưa công trình vào sử dụng. Tuy nhiên, người ta cứ ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tính ra, 2 mô tơ bị mất thời điểm đó trị giá 10 triệu đồng, chỉ cần mỗi hộ góp 50.000 đồng là có thể mua lại. Nhưng khi vận động chẳng ai nghe, chẳng ai làm trong khi đây là 2 xóm có điều kiện kinh tế khá nhất xã với mức thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm. Ông Bạch Công Luyện, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: Khi chưa có công trình, người dân liên tục kiến nghị, thậm chí có đơn đề nghị lên huyện, tỉnh đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt. Nhưng đến khi có rồi lại bỏ hoang, lãng phí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường và trạm y tế ở đây. Khi công trình được đầu tư, chúng tôi có đề xuất phương án lắp đồng hồ đo chỉ số nước tại các hộ để thu phí với mức 1.000 đồng/m3 nước bù lại tiền điện và trả công quản lý, bảo vệ. Nhưng họ không nghe mà chỉ muốn được sử dụng miễn phí. Qua đây mới thấy được sức ỳ, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vẫn còn là một vấn đề cố hữu khó có thể giải quyết.
Tuy vậy, theo ông Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, tới đây, để công trình đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, xã cũng đã đề xuất phương án là sẽ thông báo tới tất cả các hộ dân ở 2 xóm Thung Dao và Thung Mường, hộ nào có nhu cầu đăng ký để đóng góp tiền mua động cơ máy bơm. Xã cũng sẽ trích một phần kinh phí để hỗ trợ. Đồng thời giao cho các xóm thành lập tổ quản lý, bảo vệ. Cần đảm bảo công trình sau khi đưa vào sử dụng phải có sự quản lý, bảo vệ... mới giữ gìn, khai thác một cách hiệu quả, hợp lý được.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Sáng 15/5, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã đến kiểm tra các công trình trên địa bàn huyện Lương Sơn, đồng thời đôn đốc công tác PCLB&TKCN của huyện.
(HBĐT) - Theo Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện Tân Lạc, trong 2 ngày 9 – 10/5, các trận lốc xoáy kèm mưa giông xảy ra tại địa bàn 2 xã Phú Cường, Trung Hòa.
(HBĐT) - Ngày 15/5, UBND thành phố Hoà Bình đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác phòng chống lụt, bão năm 2012 và triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) năm 2013.
(HBĐT) - Thực hiện các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”, trong 5 năm qua từ năm 208-2012, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động toàn tỉnh đã có 8.032 sáng kiến, đề tài khoa học trong LĐSX, học tập, công tác.
(HBĐT) - Là huyện vùng cao có địa hình đồi, núi dốc, sông, suối nhiều, Đà Bắc dễ xảy ra nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, chia cắt các KDC trong mùa mưa bão. Những năm qua, do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ xảy ra với cường độ mạnh và ngày càng phức tạp. Năm 2012, trên địa bàn huyện đã xuất hiện những diễn biến bất thường của thời tiết gây ra những cơn mưa lớn kéo dài kèm theo gió lốc, sấm sét trên diện rộng đã làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
(HBĐT) - Hạt Kiểm lâm Mai Châu vừa phối hợp với UBND thị trấn Mai Châu và Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức hội thi tuyên truyền và tìm hiểu pháp luật quản lý bảo vệ và phát triển rừng.