Hố sụt đất bắt đầu ăn lấn vào đường giao thông xóm Khi.

Hố sụt đất bắt đầu ăn lấn vào đường giao thông xóm Khi.

(HBĐT) - Hiện tượng sụt đất, nứt đất bất thường xảy ra tại xóm Khi khiến người dân rất hoang mang lo sợ. Hiện nay, chính quyền và cơ quan chuyên môn đang theo dõi sát tình hình, khảo sát, nghiên cứu nhằm sớm đưa ra kết luận chính thức để chấn an tư tưởng và triển khai những biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 

Bàng hoàng lo sợ

 

Cuộc sống người dân xóm Khi vốn bình yên nay bị xáo trộn trong hoang mang lo sợ. Lần đầu tiên Làng Khi bỗng có sụt đất. Có những hố đất sụt sâu chống hoác, đen ngòm như muốn nuốt chửng nhà cửa, ruộng đồng. Tiếp chuyện chúng tôi, vẻ mặt chị Bùi Thị Đạt vẫn thẫn thờ, lo lắng. Chỉ kể: Vào đêm 11/2, cả gia đình đang yên giấc, bỗng nghe tiếng động khác lạ như nghe bùng bục tưởng như ai đó đánh mìn nơi khác động về. Sáng 12/2, cả nhà hoảng hồn, trước cửa nhà là hố sâu hoắm, miệng hố cứ to dần. Nhà chị Đạt bỗng nhiên ở sát sạt miệng hố đất sụt, như nghiêng vào miệng hố, có vết nứt chạy dọc móng nhà dài hàng chục mét. Hố sụt cứ to ra, nhà chị nứt móng, rồi nứt tường. Người dân bắt đầu xôn xao, tư tưởng chưa yên thì liên tiếp, ngày 23 đến ngày 28/2 khu vực xóm xuất hiện thêm 2 điểm sụt đất lớn khác. Hố sụt lớn nhất có đường kính 10 m, sâu 2-3 m. 2 hố sụt có kích thước gần bằng nhau và nằm sát nhau. Hố khác sụt đất ở giữa cánh đồng đang cấy lúa. Sau này chính quyền và cơ quan chức năng đi  khảo sát phát hiện thêm nhiều hố đất lún, sụt khác nhỏ hơn nằm trong vùng thung lũng vết nứt kéo dài từ 40-50 m. Trước hiện tượng sụt đất bất thường tại xóm Khi, cơ quan chức năng, chính quyền khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm với sụt đất. Gia đình chị Đạt được chính quyền hỗ trợ 6 triệu đồng để di dời nhà cửa. Ngôi nhà mái bằng hai vợ chồng ki cóp xây dựng ở được vài năm, bây giờ chẳng dám vào nhà phải ra lán ở tạm.

 

Bí thư chi bộ xóm Khi Bùi Văn Bẳn cho biết: Cả xóm có 70 hộ dân, 350 khẩu, trong đó có 11 hộ gia đình có nhà cửa ruộng vườn trong vùng nguy cơ sụt đất. Hiện tượng sụt đất chưa từng xảy ra tại xóm Khi. Bây giờ tư tưởng người dân rất sợ hãi. Kể từ ngày có đất sụt, nứt đất, trũng ruộng, nước giếng trong làng như bay hơi sạch, có nhiều giếng cạn tới bùn. Chị Đạt cho biết: Giếng nước gia đình chị và nhiều hộ khác bỗng cạn khô. Trước thì giếng chẳng khi nào hết nước, giờ bơm mãi mới được 2 thùng để nấu nước. Muốn tắm giặt phải đi ra suối.  Ngay cả giếng nước Bai gần lò than trước đây dùng nước thoải mái giờ chẳng còn nước. Hộ ông Bùi Văn Tân, Bùi Văn Vín, Bùi Văn Hòa xung quanh phải đi gánh nước. Xóm Khi, đất canh tác không nhiều và người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Biết là nguy hiểm, bà con vẫn liều xuống cấy, dù từ ngày có hiện tượng sụt lún, ruộng đồng cứ sủi bọt và xuất hiện những hố sâu giữa ruộng. Cuộc sống người dân không còn bình yên nữa. Người dân bán tán bán nghi: Nguyên nhân của hiện tượng sụt đất, mất nước giếng đào có phải là do việc khai thác lò than tại Vũ Lâm nằm trên quả đồi thuộc địa phận xã Ân Nghĩa. Về những việc cấp bách đang triển khai, đồng chí Bùi Văn Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Hiện nay, huyện và các ngành chuyên môn đang theo dõi sát sao diễn biến hiện tượng đất sụt tại xóm Khi, vận động nhân dân cảnh giác và có phương án di dời ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sụt đất, chờ kết luận chính thức cơ quan khoa học và cơ quan chuyên môn.

 

Cuối tháng 3 sẽ có kết luận chính thức

 

Ngày sau khi có hiện tượng sụt đất bất thường ở xóm Khi, Sở KH&CN đã phối hợp với Viện Địa chấ - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam khẩn trương triển khai một số khảo sát nghiên cứu bước đầu để tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp để phòng tránh. Theo đó, đã thực hiện phương pháp địa chất kiến tạo và một số phương pháp địa vật lý, đã đo vẽ các hố sụt và xem xét phân bố các đợt phá hủy kiến tạo, phân bố bề mặt các thành tạo địa chất bằng các khảo sát địa chất- kiến tạo; xem xét các đối tượng có khả năng liên quan đến hiện tượng sụt đất, nứt đất ngầm trong lòng đất được thực hiện bằng phương pháp địa vật lý. Đến nay, đoàn công tác của Viện Địa chất đã khảo sát chi tiết sát địa chất - kiến tạo tại nhiều điểm khu vực sụt đất và lân cận, đo được 7 tuyến đo địa chấn và 4 tuyến thăm dò điện, cắt qua thung lũng nơi có hố sụt sâu và khu vực lân cận. Các kết quả bước đầu cho thấy, khu vực sụt đất và lân cận có một số đới phá hủy đứt gãy chạy qua. Các đới phá hủy ăn sâu vào lòng đất đã được phản ảnh qua kết quả đo địa chấn và thăm dò điện. Trong vùng thung lũng, đất, đá tương đối sốp, mềm phản ảnh qua tốc độ truyền sóng địa chấn thấp. Đoàn công tác cho rằng: Còn quá sớm để nói đến nguyên nhân sụt đất và nứt đất ở xóm Khi. Tuy nhiên, với kết quả khảo sát ban đầu và số liệu điều tra trong nhân dân có thể thấy khu vực thung lũng xóm Khi có nền đất yếu, độ dày lớn lại có nhiều đới phá hủy đứt gãy chạy qua phản ánh tính kém bền vững của môi trường địa chất. Theo điều tra trong dân, hiện tượng sụt đất xảy ra trong thời gian mỏ than khác gần đó tiến hành bơm nước ra khỏi hầm lò. Do các đới phá hủy chứa nước bị thay đổi trạng thái áp xuất đột ngột nên các vùng đất yếu bị tác động vượt quá ngưỡng chịu đựng xảy ra sụt đất. Hiện tượng nứt đất có khả năng là hậu quả của sụt đất. Nếu không có các đới phá hủy đứt gãy chạy trong vùng thì khả năng sụt đất cũng khó. Việc nứt đất làm người dân lo lắng, trước mắt có thể nguy hiểm đối với gia đình anh chị Bùi Văn Lưu - Bùi Thị Đạt, nên để an toàn cần sơ tán đi nơi khác. Các nhà bị nứt khác mức độ nguy hiểm còn thấp cần theo dõi diễn biến liên tục. Đoàn công tác lưu ý: Những nhận định trên chưa phải là kết luận mà chỉ mang tính sơ bộ, việc nghiên cứu đang được thực hiện. Hiện nay, cơ quan khoa học đang tiêp tục nghiên cứu, trong đó sẽ thực hiện khoan kiểm chứng độ sâu khoảng 60 m dưới lòng đất khu vực sụt lún. Dự kiến cuối tháng 3/2014 sẽ có kết luận chính thức.

                                                                                             

 

                                                                                   L.C

 

 

 

 

Các tin khác


Đêm 19/5, Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều và đêm 19/5, khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 150mm.

Thời tiết ngày 18/5: Cả nước có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 18/5, ở Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Phát triển cây xanh đô thị, tạo không gian sống cho cư dân cho thành phố Hòa Bình

Dịp tháng 5, không chỉ cư dân thành phố Hòa Bình mà bất cứ du khách nào khi đến đây đều thấy sắc màu, vẻ đẹp lãng mạn của những cây bằng lăng, hoa phượng, hoa điệp vàng và nhiều loại hoa được trồng tại các tuyến phố, khu cân cư. Những con đường, tuyến phố đẹp, ngập tràn sắc hoa đem lại cảm giác bình yên, lắng đọng của một thành phố đang đổi mới, đáng sống.

Thời tiết ngày 17/5: Tây Nguyên, Nam Bộ mưa to, Bắc Bộ giảm mưa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/5, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Thời tiết ngày 16/5: Mưa dông nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 16/5, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 80 mm; ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm.

Chủ động phòng tránh mưa dông, mưa lớn từ đêm 15/5 - 16/5

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình vừa ban hành công văn gửi các thành viên và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố về việc ứng phó với mưa lớn kèm dông, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục