Anh Bùi Ngọc Thơ phấn khởi dẫn chúng tôi đi tham quan 19 ha rừng keo ở xóm Rú 4- xã Xuân Phong.
(HBĐT) - Xã Xuân Phong (Cao Phong) có 98% dân số là đồng bào Mường, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Ngay từ tháng 4/2009, nhận thức được vai trò của trồng rừng, chính quyền và nhân dân xã Xuân Phong đã triển khai dự án trồng rừng theo cơ chế sạch, với sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Chu kỳ dự án 15 năm nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả tốt.
Trồng rừng sạch theo dự án JICA Nhật Bản ở xã Xuân Phong là mô hình đầu tiên của Bộ NN&PTNT triển khai tại các xã miền núi phía Bắc với 3 mục tiêu: phục hồi đất bị suy thoái; giảm lượng khí CO2; tăng thu nhập cho các hộ nhờ sản xuất gỗ và bán tín chỉ CO2.
Đồng chí Bùi Hồng Toán, Chủ tịch UBND xã Xuân Phong cho biết: Sau khi được khảo sát qua Trạm KN – KL, dự án trồng rừng theo cơ chế sạch được UBND xã bắt đầu triển khai từ tháng 4/2009 với diện tích gần 120 ha và trồng rừng theo chu kỳ 15 năm. Toàn xã có 310 hộ đăng ký tham gia dự án, tập trung ở 3 xóm là xóm Rú 4, xóm Nhõi 1và xóm Nhõi 2. Địa điểm được lựa chọn để trồng rừng là những vùng đất đồi trọc không thể sản xuất, nơi rừng đã bị chặt phá để canh tác. Hai loại cây cho hiệu quả cao trong việc cải thiện môi trường do hấp thụ được nhiều khí CO2 và sản xuất ra nhiều khí Oxi là keo tai tượng và keo lá tràm đã được bà con trồng trong dự án.
Đến xóm Rú 4, anh Bùi Ngọc Thơ, trường xóm nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình 19 ha khu rừng keo của xóm. Những hàng keo cao tầm 8-10 m cứng cỏi, xanh mát, khỏe khoắn, làm dịu không khí khiến cho ai nấy đi qua đều cảm thấy dễ chịu. Xa xa bên xóm Nhoi, rừng keo cũng vươn lên khoe sắc xanh biếc của núi rừng đại ngàn. Cả rừng keo như những chàng “thanh niên trẻ” đang căng tràn nhựa sống, tiếp thêm luồng khí mới cho bà con nơi đây. Được biết, anh Bùi Ngọc Thơ cũng là một trong những tấm gương đi đầu trong phong trào trồng rừng ở nơi đây.
Với sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhận thức được vai trò to lớn của rừng sạch, 5 năm qua, hàng trăm người dân xã Xuân Phong đã tin tưởng, chủ động góp đất để thực hiện dự án đặc biệt, đổi lại, họ được tài trợ giống, phân bón, được tập huấn cách chăm sóc, được trả công trồng, chăm sóc và được hưởng 100% giá trị tài sản trên diện tích rừng mình trồng và được bán “tín chỉ vacbon”. Ông Bùi Minh Phúc, xóm Rú 4 nhận trồng 0,5 ha rừng phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình chỉ trồng cây lấy củi, bán được ít tiền. Nay nhờ có dự án trồng rừng sạch lại được cấp tín chỉ CO2 nên nhà nào cũng mong đợi kết quả cao khi thu hoạch.
Mô hình trồng rừng sạch được tiến hành theo từng phân tầng, được đo đếm tại thực địa 5 năm 1 lần trước khi kiểm chứng. Các chuyên gia lâm nghiệp trong tổ chức JICA ít nhất mỗi năm về xã 1 lần để đánh giá chất lượng rừng trồng, phát dọn thực địa, đầu tư giống cây và tiến hành giám sát lượng CO2 tại các bể sinh khối trên và dưới mặt đất, hướng dẫn lấy khí CO2. Sau 10-15 năm, dự án rừng sạch sẽ được khai thác theo kiểu “chồng vốn”, có nghĩa là ban đầu sẽ khai thác khoảng 1/3 diện tích rừng, sau đó, 1/3 diện tích rừng bị khai thác này lại được trồng lại và khai thác tiếp. Sau 5 năm triển khai, dự án này đã, đang và sẽ mang lại sự nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng ngày càng cao, góp phần đầu tư cho phát triển ngành Lâm nghiệp tỉnh; phục hồi rừng và quản lý, phát triển rừng bền vững, ổn định và nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào vùng nông thôn, miền núi.
Không giấu nổi niềm vui, đồng chí Bùi Hồng Toán phấn khởi, hứa hẹn với chúng tôi :“Đây sẽ là mô hình trồng rừng hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người sử dụng đất mà không cạnh tranh không gian, cây rừng phát triển tốt, đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng. Chính quyền và bà con xã Xuân Phong quyết tâm bám đất, bám rừng, để có thêm nhiều mô hình trồng rừng bền vững, mang lại no ấm cho người dân và môi trường sống ngày càng được cải thiện”
Hoàng Thảo
(HBĐT) - Năm nay, huyện Kỳ Sơn đã lựa chọn xã Hợp Thịnh để thực hiện điểm mô hình “Dân vận khéo trong xây dựng mái nhà xanh 3 sạch”. Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và đang từng bước được nhân rộng ra toàn huyện.
(HBĐT) - Bãi rác dốc Búng, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình đã quá tải và bị đưa vào diễn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều năm nay, tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường tại bãi rác dốc Búng là vấn đề bức xúc và nhức nhối. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền thành phố Hòa Bình kiểm tra triển khai các giải pháp giải quyết tình trạng bức xúc về rác thải tại bãi rác này.
(HBĐT) - Trong 4 ngày (từ ngày 1,2 và 8,9/12), Ban huấn luyện an toàn vệ sinh lao động – Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức khóa huấn luyện An toàn vệ sinh lao động cho hơn 1.000 lao động tại Công ty TNHH Doosung tech Việt Nam (Khu công nghiệp Lương Sơn). Khóa huấn luyện diễn ra theo khung huấn luyện do Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội ban hành tại Thông tư 27 ngày 18/10/2013.
(HBĐT) - Ngày 5/12, Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án 395/11/13 về “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể trong việc tư vấn pháp luật cho người nghèo và phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Hoà Bình” do Quỹ Hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF) tài trợ tại huyện Cao Phong.
(HBĐT) - 3 năm trước, khi về với Kim Bôi ai cũng cảm nhận được niềm vui, sự hứng khởi bởi những lời khen tặng: nhờ sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng bộ, toàn dân đã làm nên kỳ tích (sự kiện người dân ứng mặt bằng để thi công hoàn thiện đường 12B). Đến nay, niềm tự hào đó vẫn nguyên giá trị bởi đó là việc làm có thật, sự thành công không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, đến công đoạn hậu GPMB lại bắt đầu phát sinh việc khiếu nại của một số hộ gia đình và kéo dài cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được cách giải quyết ổn thỏa.