Hợp tác xã Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ có hơn 20 thành viên chuyên trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM. Để hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành NN&PTNT đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy định cơ chế, định mức về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình MTQG. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết về quy định nội dung, mức hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. UBND tỉnh ban hành quyết định về cơ chế quay vòng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời ban hành quy chế quản lý các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Những văn bản này là căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới, nhất là những HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và vận động các HTX xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương để phát triển sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 640 HTX, tổ hợp tác đang hoạt động ổn định với trên 16 nghìn thành viên và 28 nghìn lao động tham gia. Các HTX đã tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết góp phần quan trọng hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thu nhập cho nhiều lao động, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương (Yên Thủy) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 HTX nông nghiệp là HTX Nông nghiệp Ngọc Lương và HTX Đại Đồng. Các HTX hoạt động theo mô hình mới đã kết nối những hộ trồng bưởi và một số cây trồng chủ lực khác trên địa bàn từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, tiến tới trở thành vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, tạo đà để xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao.
Song song với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, chương trình đã trở thành đà phát triển của các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác ở các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó từng bước đổi mới hình thức sản xuất, khôi phục nghề truyền thống, phát huy thế mạnh đặc sản bản địa. Hiện tỉnh đã xây dựng được 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (2 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao, 32 sản phẩm 4 sao và 124 sản phẩm 3 sao), tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh.
Với nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 114/129 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, tương đương 88%. Tiêu chí này đã góp phần nâng tỷ lệ bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện tiêu chí thực hiện xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Hoà Bình phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí NTM của tỉnh đạt 16,3% tiêu chí/ xã. Chuẩn hoá thêm 16 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Để đạt kế hoạch đề ra, Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Đinh Hòa