Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trở thành công cụ hữu hiệu trong xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Mai Châu. Qua đó góp phần hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Người dân xã Pà Cò (Mai Châu) vay vốn chính sách để khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nâng cao thu nhập.
Đồng chí Phàng A Chà, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò chia sẻ: "Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH có vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn xã. Nhờ được vay vốn mà bà con đã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để đẩy lùi đói, nghèo. Đây là động lực quan trọng để thực hiện 2 tiêu chí rất khó trong xây dựng NTM, đó là về thu nhập và giảm nghèo”. Pà Cò là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, nơi sinh sống của trên 600 hộ đồng bào Mông. Đến nay, xã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nguồn vốn TDCS, đời sống của bà con ở bản Mông đã thay đổi từng ngày.
Trước đây, như bao hộ dân khác ở bản, kinh tế của gia đình bà Mùa Y Số, xóm Cang, xã Pà Cò gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù có đất sản xuất rộng nhưng bao năm gia đình bà Số chỉ trông vào cây ngô, cây sắn. Gần mười năm trước, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi bò sinh sản. Với điều kiện chăn thả phù hợp, nguồn thức ăn dồi dào nên bò phát triển, sinh sản nhanh. Đến nay, gia đình bà Số đã chính thức thoát nghèo. Bà Số chia sẻ: "Nhờ được vay vốn chính sách, gia đình tôi mới mua được bò, kinh tế dần ổn định hơn. Vừa rồi gia đình đã trả hết nợ cho ngân hàng”. Ngoài gia đình bà Số, trên địa bàn xã Pà Cò có trên 420 hộ dân đang vay vốn. Đến hết tháng 8/2024, tổng dư nợ TDCS của xã đạt trên 21,7 tỷ đồng.
Cũng như gia đình bà Số, hộ bà Lường Thị Hạnh, xóm Nà Mo, xã Nà Phòn đã thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn chính sách. Trước đây, kinh tế của gia đình bà Hạnh chỉ trông chờ vào hơn 2.000m2 ruộng. Năm 2014, được vay vốn chính sách, gia đình bà đã mua 2 con bò sinh sản về chăn nuôi. Sau gần mười năm vay vốn, gia đình chị Hạnh không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang. Được biết, Nà Phòn đang trong lộ trình gần để về đích NTM của huyện Mai Châu. Trong năm 2024, xã tập trung thực hiện tiêu chí về nghèo đa chiều. Với sự đồng hành của TDCS sẽ là động lực quan trọng để Nà Phòn hoàn thành các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM.
Theo thống kê của UBND huyện Mai Châu, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 24 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách, với số tiền trên 800 tỷ đồng. Từ nguồn vốn TDCS, nhiều mô hình chuyển đổi, giúp nhau làm kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu được nhân rộng. Vốn TDCS đã góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM của huyện. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 24,11% (năm 2015) xuống còn 17,14% (năm 2023) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025; có 8/16 xã đã đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Thực hiện TDCS xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần vào chương trình, kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động chỉ đạo Ban giảm nghèo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng TDCS. Bên cạnh đó, UBND huyện quan tâm thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực cho TDCS gắn với phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững.
Viết Đào
Theo Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xã, cụm xã, khu vực đông dân cư.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021-2024, các cấp Hội Nông dân huyện Yên Thủy tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí.
Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm (ATTP) trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, công tác ATTP, bảo vệ môi trường; xây dựng, cải tạo môi trường xanh, sạch đẹp được huyện Lạc Thuỷ chú trọng. Qua đó, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Xác định công tác đào tạo, tập huấn có vai trò quan trọng nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, hằng năm, thành phố Hòa Bình đã bám sát các văn bản hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp thành phố, xã, phường về chuyên đề xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Cao Phong đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Đến nay, huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Phấn đấu cuối năm 2024, xã Thạch Yên về đích nông thôn mới và xã Bắc Phong về đích nông thôn mới nâng cao.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lạc Thuỷ đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi khá toàn diện. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 còn nhiều khó khăn, thách thức.