Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, tạo hiệu quả trong đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, công trình văn hóa…, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí NTM đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 30 xã NTM nâng cao (trong 9 tháng có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn và xã Hoà Bình, TP Hoà Bình); 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 85,7% kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021 - 2025 và đạt 68,8% kế hoạch của tỉnh đề ra. Hiện, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các trình tự, thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hoà Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024 của tỉnh trên 8.800 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 161,706 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện 123,035 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn của tỉnh 527,416 tỷ đồng; vốn tín dụng 7.965 tỷ đồng; vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác 26,514 tỷ đồng.
Hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch được nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được thực hiện tốt, quan tâm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến tới xây dựng NTM thông minh; nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy cho lao động nông thôn; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất, tài sản của người dân, cũng như hạ tầng cơ sở công cộng trên địa bàn tỉnh nói chung và trực tiếp ảnh hưởng đến sự bền vững của một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM về hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí trên 145 tỷ đồng để phục hồi kết quả xây dựng NTM tại các địa phương. Bên cạnh đó, các xã phấn đấu về đích năm 2024 - 2025 hầu hết thuộc khu vực III, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất; tiến độ xây dựng NTM còn chậm; chất lượng xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn…
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để công tác xây dựng NTM có hiệu quả, thời gian tới, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM”. Ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt. Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương. UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM theo kế hoạch đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024.
Đinh Thắng