Bà Bùi Thị Dự ở xóm Trang Trên, xã Hợp Phong (Cao Phong) cải thiện thu nhập sau khi được đào tạo nghề nuôi gà thả vườn.
Xã Hợp Phong cũng là một trong những địa bàn được huyện ưu tiên mở các lớp nghề cho lao động nông thôn. Năm 2023, tại xã mở 2 lớp nuôi gà, 1 lớp chăn nuôi lợn và 1 lớp dạy nấu ăn. Đối tượng tham gia các lớp đào tạo là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đây là các lớp trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN), xã đã được mở 10 lớp nghề, trong đó có 2 lớp nghề may công nghiệp, 4 lớp chăn nuôi gà, 4 lớp dạy kỹ thuật chế biến món ăn.
Đồng chí Trần Văn Ý, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong cho biết: Cùng với nâng cao chất lượng nguồn lao động, chú trọng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, địa phương đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ việc làm bền vững. Cụ thể là chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, các chính sách về vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên, hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nội dung tại Quyết định số 16/ 2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc; chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh, mức vay tối đa 100 triệu đồng.
Trong quý IV/2023, huyện tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm tại thị trấn Cao Phong, các xã: Tây Phong, Thạch Yên, Thung Nai. Có 4 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng đồng hành với huyện ở các phiên giao dịch nhằm tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm trong nước, ngoài nước tới người lao động. Bình quân mỗi phiên giao dịch thu hút từ 300 - 350 lao động tham gia. Với những nỗ lực trong công tác xuất khẩu lao động, khá đông lao động của địa phương đã tham gia chương trình, tiêu biểu là xã Hợp Phong có hơn 40 lao động tham gia, chiếm 50% tổng số lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng của cả huyện. Các thị trường thu hút nhiều lao động đi làm việc là Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc.
Theo thống kê, toàn huyện Cao Phong có trên 35.800 người trong độ tuổi lao động. Bình quân hàng năm tạo việc làm và việc làm mới cho trên 1.000 người. Nhiều giải pháp đồng bộ đang được huyện triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm. Năm 2023, dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và khả năng đáp ứng của thị trường, huyện mở 30 lớp nghề cho 950 học viên, bao gồm 2 lớp từ nguồn ngân sách huyện; 21 lớp thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, 7 lớp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ngoài vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn, không ít lao động sau khi học nghề được kết nối, giới thiệu đi làm tại các xưởng may và doanh nghiệp gần nhà. Một số lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Công tác giải quyết việc làm được đẩy mạnh góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của huyện ước giảm 1,7% so với năm 2022, còn 4,99%.
Bùi Minh
(HBDDT) - Cách đây ít năm, chị Bùi Thị Phưởng, hội viên nghèo chi hội xóm Chiềng Vang 1, xã Tân Lập (Lạc Sơn) được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn phụ nữ khởi nghiệp. Gia đình chị đầu tư vào con giống, xây chuồng trại, thức ăn chăn nuôi ban đầu để từng bước phát triển quy mô đàn gia cầm.