Xóm Củm, xã Vạn Mai (Mai Châu) có 100 hộ, hơn 460 nhân khẩu, 95% dân số là người dân tộc Thái. Theo ông Hà Công Minh, Trưởng xóm Củm, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt với lúa là cây trồng chính kết hợp nuôi cá ao và phát triển đàn gia cầm, kinh tế hộ gia đình chưa có bước đột phá...


Hộ dân xóm Củm, xã Vạn Mai (Mai Châu) có cuộc sống khấm khá từ tham gia chương trình xuất khẩu lao động.  

Tiên phong trong động viên con em tham gia chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hộ ông Lường Văn An. Theo đó, năm 2019, ông An tìm hiểu thông tin và định hướng cho con trai là Lường Văn Dương (SN 1997) xuất cảnh sang Nhật Bản theo con đường du học. Là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, trong đó có công tác giải quyết việc làm, XKLĐ để giảm nghèo bền vững. Hiện tại, chương trình học nghề đã hoàn thành, con trai ông trở thành lao động chính thức cho 1 công ty chuyên về trang trí nội ngoại thất công trình xây dựng. Thời điểm là du học sinh, mỗi tháng đi làm thêm con trai ông có thu nhập 40 - 50 triệu đồng, đủ để lo chi phí học tập, sinh hoạt và một phần gửi về cho gia đình. 1 năm sau khi đã ra nghề, thu nhập bình quân của Dương đạt 90 - 100 triệu đồng/tháng.

Năm 2024, theo nguyện vọng của con gái là Lường Thị Huyền Diệu (SN 2001), ông An đồng ý để Diệu đi học nghề, tìm việc làm theo diện du học tại Hàn Quốc, chuyên ngành tiếng Hàn. Theo lịch trình, Diệu sẽ học xong khóa đào tạo tiếng Hàn tại Hà Nội vào cuối tháng 11, trước khi hoàn tất mọi thủ tục để có thể xuất cảnh vào cuối tháng 12 tới.

Cùng ở xóm Củm có gia đình ông Khà Văn Xuôi sinh được 2 người con trai. Con lớn là Khà Phúc Thái (SN 1995) đã lấy vợ, làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh; con thứ là Khà Thái Dương (SN 2021) học xong chương trình THPT cũng ở nhà. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình ở mức trung bình, nhưng mong muốn tương lai của các con về sau xán lạn hơn, có tay nghề, công việc ổn định, ông bàn bạc, động viên và mạnh dạn gom góp tiền, dùng tài sản lớn nhất là ngôi nhà thế chấp vay 200 triệu đồng để cả 2 con đủ kinh phí xuất cảnh sang thị trường lao động Nhật Bản.

Đi làm việc ngoài nước với đơn hàng xây dựng từ tháng 5/2023, 2 người con của ông Xuôi mau chóng thích nghi với điều kiện nơi đất khách, chăm chỉ làm thêm để đảm bảo thu nhập đều đặn gửi về cho gia đình trả khoản nợ ngân hàng. Vì thế ông yên tâm về tình hình của các con, đời sống vật chất của gia đình cải thiện hơn nhiều so với trước. Ông Xuôi phấn khởi cho biết: Chừng 1 năm rưỡi các cháu sang đó, tay nghề ngày càng được nâng lên, môi trường công việc ở nước ngoài không quá vất vả mà thu nhập tốt, nên 2 đứa dự kiến sau kết thúc thời hạn 3 năm hợp đồng sẽ gia hạn để tích lũy thêm tài chính và tay nghề, kinh nghiệm lo cho cuộc sống sau này. 

Hiện tại, xóm Củm có số người tham gia chương trình XKLĐ đông nhất xã. Một trường hợp điển hình khác là lao động Hà Thế Long (SN 1996) xuất cảnh sang Nhật Bản từ cuối năm 2023. Hiện công việc của Long cơ bản ổn định, điều kiện môi trường làm việc, sinh hoạt đảm bảo, thu nhập bình quân từ 30 - 35 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ mọi  chi phí.

Cũng theo chia sẻ của Trưởng xóm Hà Công Minh, mặc dù số người tham gia XKLĐ còn khiêm tốn, nhưng với những cơ hội việc làm ngoài nước đang rộng mở, nhiều chính sách hỗ trợ đến với người lao động sẽ thúc đẩy chương trình, đồng thời có thêm nhiều lao động trong xóm, ngoài xã tham gia. Hiện nay, bên cạnh sự chủ động tìm hiểu của người dân, thông tin về XKLĐ, việc làm ngoài nước được tuyên truyền, tư vấn qua kênh doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, giúp người lao động tiếp cận đầy đủ. Lao động còn được tạo điều kiện, hỗ trợ vốn vay khi đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, sự mạnh dạn, đi đầu của những hộ gia đình tham gia chương trình việc làm ngoài nước ở xóm Củm sẽ là nguồn khích lệ, góp phần tăng niềm tin, sự quyết tâm của người dân khi cân nhắc, lựa chọn con đường XKLĐ để thoát nghèo, hướng đến cuộc sống ấm no, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.


Bùi Minh

Các tin khác


Chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản thu hút lao động trẻ huyện Cao Phong

Năm 2023, anh Bùi Văn Dũng (SN 1990) ở xã Hợp Phong chọn hướng thoát nghèo bằng con đường XKLĐ tại Nhật Bản theo đơn hàng xây dựng. Điều kiện kinh tế khó khăn nên để dồn đủ tiền làm thủ tục xuất cảnh, anh Dũng phải vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau thời gian ngắn nhận mức lương cơ bản 20 triệu đồng/tháng, anh Dũng được giao thêm việc, đồng thời đạt mức thu nhập bình quân đảm bảo từ 33 - 35 triệu đồng/tháng. Cùng năm, vợ anh Dũng cũng tham gia thị trường lao động Nhật Bản theo đơn hàng điện tử, mong muốn với 3 năm làm việc có thời hạn theo hợp đồng tích lũy được khoản tiền lo cho cuộc sống gia đình, tương lai con cái về sau.

Dạy nghề, hướng nghiệp cho học viên ở cơ sở cai nghiện ma tuý

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở cai nghiện ma tuý công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 tại phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) và Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho học viên, 2 cơ sở đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho học viên tái hoà nhập cộng đồng sau cai nghiện.

Chú trọng giải quyết việc làm ở huyện vùng cao Đà Bắc

Có trên 1.500 phụ nữ phải đi làm ăn xa; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tại địa phương chưa có khu công nghiệp, mới có một số cơ sở sản xuất nhỏ nên thu nhập của lao động còn thấp và không ổn định… Đó là những khó khăn trong giải quyết việc làm và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp mà các cấp Hội LHPN huyện Đà Bắc đang nỗ lực phối hợp cùng các cấp, ngành tìm giải pháp thiết thực để giải quyết.

Các cơ sở may gia công góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thành thạo kỹ thuật ngành may, chị Phạm Thị Duyên ở xóm Hợp Thành, xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ) được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện hợp đồng dạy nghề cho các học viên là lao động nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo. Cũng từ đây, chị xây dựng mô hình tổ may gia công tại nhà với tên cơ sở may Sơn Duyên. Cơ sở thu hút gần 20 lao động địa phương đã qua đào tạo nghề may vào làm việc.

Cụm công nghiệp Tiên Tiến: Nhiều dự án đi vào hoạt động - cơ hội mới cho người lao động

Giai đoạn 2015 - 2020, ngành công nghiệp tỉnh vươn lên chiếm 38,89% tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc những khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) dần mọc lên, tạo chuyển dịch về cơ cấu lao động.

Công ty TNHH GGS Việt Nam: Doanh nghiệp trách nhiệm - người lao động chia sẻ

Công ty TNHH GGS Việt Nam nằm trong khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình), đi vào hoạt động từ năm 2013, lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Doanh nghiệp (DN) tạo việc làm cho 710 lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục