Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở cai nghiện ma tuý công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 tại phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) và Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho học viên, 2 cơ sở đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho học viên tái hoà nhập cộng đồng sau cai nghiện.
Học viên được dạy nghề may và tạo việc làm trong quá trình cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1.
Học viên Nguyễn V T đang điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1. T và các học viên được cơ sở phối hợp với cơ sở may công nghiệp dạy nghề. T chia sẻ: Vào cơ sở điều trị em được sự chăm sóc, dạy bảo của các cán bộ, các thầy. Hàng ngày, sau giờ lao động trị liệu, mọi người cùng chơi bóng đá, bóng chuyền, chạy bộ rèn luyện sức khoẻ. Không chỉ được dạy nghề, chúng em còn được tạo việc làm. Hiện tại, cơ sở nhận đơn hàng từ doanh nghiệp để chúng em may túi xách siêu thị. Em mong muốn sau thời gian điều trị trở về địa phương có một nghề để tự nuôi sống bản thân và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Đồng chí Bùi Đức Minh, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 cho biết: Những năm gần đây, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học viên, nhất là công tác dạy nghề được duy trì. Trước khi mở lớp, cơ sở tiến hành khảo sát, lấy ý kiến học viên về những ngành nghề muốn theo học. Các khoá học thường được liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trường nghề. Những nghề được đào tạo sát với yêu cầu thực tế, giúp học viên có cơ hội tìm được việc làm, tái hoà nhập cộng đồng.
Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 hiện tiếp nhận, quản lý hơn 200 học viên. Ngoài việc dạy nghề, tạo việc làm về may, thêu áo dài, cơ sở duy trì thường xuyên cho 80% học viên được tham gia các hoạt động lao động trị liệu, góp phần nâng cao sức khoẻ, cải thiện cuộc sống, sinh hoạt cho học viên trong quá trình cai nghiện với các công việc như: trồng rau xanh, chăn nuôi, làm đậu phụ, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, vệ sinh môi trường…
Tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 hiện tiếp nhận, quản lý gần 300 người nghiện ma tuý. Cơ sở thu hút học viên vào nghề mây tre đan, thêu. Bên cạnh đó hướng nghiệp, dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt, tạo cơ hội để học viên sau cai có công việc ngay tại địa phương, có nguồn thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, cơ sở quan tâm tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, vận động thể chất cho học viên với một số bộ môn phù hợp: bóng đá, bóng chuyền…
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hàng năm, các cơ sở cai nghiện ma tuý phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên. Các học viên còn được tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được cung cấp thông tin tuyển dụng lao động, tuyển sinh, đào tạo nghề của một số doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề phù hợp. Từ đó học viên có định hướng việc làm, học nghề sau cai nghiện, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm, sớm ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng bền vững. Hoạt động lao động trị liệu, thể thao cũng giúp họ có thêm thu nhập, sức khoẻ, cải thiện điều kiện cuộc sống, thư giãn, nhận thức được giá trị của lao động, rèn luyện tay nghề, phục hồi kỹ năng. Đây cũng là giải pháp thiết thực đã, đang được các cơ sở chú trọng nhằm tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho học viên từ bỏ ma tuý, xoá bỏ mặc cảm, đồng thời phòng, chống tái nghiện hiệu quả.
Bùi Minh
Với việc đẩy mạnh công tác tư vấn chính sách về việc làm, học nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ), tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, các cuộc hội nghị, tọa đàm, tư vấn, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã và đang phát huy vai trò đồng hành hỗ trợ việc làm, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng lao động, gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm trên địa bàn TP Hòa Bình được quan tâm. Nhờ đó thu nhập của người dân được nâng lên, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đi vào hoạt động từ năm 2021 với ngành nghề sản xuất, gia công sản phẩm điện tử, Công ty TNHH điện tử Lạc Sơn, phố Mường Vôi, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo các quyền lợi cơ bản của người lao động (NLĐ), nhất là thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ - BNN), bảo hiểm y tế (BHYT).
Năm 2023, với nhiều nỗ lực, toàn tỉnh ước có 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Bên cạnh kết quả tăng đáng kể số lượng lao động, thị trường lao động của tỉnh còn những hạn chế.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các huyện, thành phố triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng lao động, tập trung phát triển thị trường lao động. Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, công tác dự báo cung cầu lao động, tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào thị trường lao động.
Cách đây không lâu, bà Bùi Thị Dự ở xóm Trang Trên, xã Hợp Phong (Cao Phong) tham gia lớp học nghề nuôi gà thả vườn. Gia đình có vườn rộng, đồi rừng và đất bãi nên sau khi hoàn thành khóa học, bà đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gia cầm. Từ ngày mở rộng quy mô đàn gà lên gần 100 con, ngoài nuôi với mục đích bán gà thịt, bà Dự được thu 20 - 30 quả trứng gà thương phẩm mỗi ngày. Kinh tế của gia đình bà nhờ nguồn sinh kế này đã được cải thiện và ổn định hơn trước.