(HBĐT) - Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Luật quy định cụ thể, chi tiết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSB Việt Nam; chế độ, chính sách đối với CSB Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; khẳng định CSB Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời, khẳng định CSB Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Luật cũng thể chế hóa đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững: "CSB Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển” - đây là điểm mới về vị trí của CSB Việt Nam; đồng thời luật cũng quy định: "CSB Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, luật quy định 7 nhóm nhiệm vụ của CSB Việt Nam, trong đó, bổ sung mới 2 nhiệm vụ, một là tham gia xây dựng thế trận QP-AN và xử lý tình huống QP-AN trên biển; hai là tiếp nhận, sử dụng nhân lực tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền.

Về phạm vi hoạt động, CSB Việt Nam có phạm vi hoạt động trong vùng biển Việt Nam (khoản 1, Điều 11). Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, CSB Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam (khoản 2, Điều 11). Cụm từ "ngoài vùng biển Việt Nam” có thể được hiểu bao gồm: Các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế). 

Về biện pháp công tác, luật quy định rõ 7 biện pháp công tác CSB gồm: Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật; Tư lệnh CSB Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác CSB, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình. Đây là quy định mới, rõ ràng hơn so với Pháp lệnh năm 2008; khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định về biện pháp công tác CSB.

(Còn nữa)


Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)

Các tin khác


Phát động các hoạt động phối hợp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ phát động các hoạt động phối hợp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).

Cảnh sát biển Việt Nam- Hiệu quả từ sự hiện diện, thực thi pháp luật trên biển

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn, biển đảo đã mang lại nguồn lợi đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế nước ta.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục