Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tính đến đầu tháng 12/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 344 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Số tàu cá trên tập trung ở các địa phương như Thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hậu Lộc...


 

Bộ đội biên phòng đồn Hoằng Trường phổ biến giáo dục pháp luật về khai thác IUU.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã niêm yết công khai danh sách 344 tàu cá này; đồng thời gửi Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển và các đơn vị liên quan trong tỉnh để phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tàu cá của ngư dân Thanh Hóa theo quy định.

 

Hiện Ban quản lý cảng cá và Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá ở Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ việc cập, rời cảng đối với tàu cá của ngư dân, kiên quyết không cho tàu cá không đầy đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị ra khơi hoạt động khai thác thủy sản.

Đáng lưu ý, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua có 49 lượt tàu cá thường xuyên mất kết nối tín hiệu thiết bị VMS. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã giao Chi cục Thủy sản thông báo chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng yêu cầu chủ tàu hoặc người nhà chủ tàu bật thiết bị VMS; đồng thời, tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý tàu cá mất tín hiệu khi tàu về bờ. Sau khi kiểm tra, nhắc nhở đã có 29 tàu cá khắc phục và kết nối lại; còn lại 20 tàu chưa kết nối; trong đó, có 2 tàu cá đã bán sang tỉnh khác, 1 tàu cá và gia đình không còn ở địa phương, 7 tàu cá chưa về địa phương đang xác minh, làm rõ và 10 tàu cá nằm bờ chủ tàu cam kết không đi khai thác.

Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa khẳng định: "Đối với các tàu cá chưa khắc phục kết nối VMS, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã thông báo với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, các Ban quản lý cảng cá, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá, trạm thủy sản đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt kiên quyết không cho ra biển hoạt động và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Để thực hiện hiệu quả việc phòng, chống khai thác IUU, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật thủy sản 2017 và quy định về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức như tập huấn, hội nghị, phóng sự và phát thanh trên loa truyền thanh đến tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và ngư dân, chủ tàu cá… Qua đó nhận thức của cán bộ quản lý thủy sản ở các địa phương, ngư dân và chủ tàu được nâng lên góp phần thực hiện các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tháo gỡ thẻ vàng của EC.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá trong danh sách tàu cá vi phạm IUU của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng không xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Để ngư dân thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, từ năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Nhờ đó, hiện số lượng tàu cá tỉnh Thanh Hóa đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS đạt 96,6% với 1.126/1.166 tàu cá, còn lại 40 tàu cá chưa lắp gồm 30 tàu cá nằm bờ không tham gia khai thác và 10 tàu mới mua từ tỉnh ngoài về đang làm thủ tục chuyển vùng thiết bị trên hệ thống hoặc lắp đặt máy mới.

 

 


Theo Baotintuc

Các tin khác


Vùng 5 Hải quân tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân

Từ ngày 7 đến 16/11, đoàn công tác Vùng 5 Hải quân và các tàu làm nhiệm vụ trên biển của đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 500 ngư dân thuộc 105 tàu cá đang khai thác thủy sản trên vùng biển Tây Nam.

Đồn Biên phòng Cát Bà cứu sống 5 thuyền viên gặp nạn trên biển

Trung tá Nguyễn Thế Cừ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Bà (Bộ đội Biên phòng Hải Phòng) cho biết, Đồn vừa cứu hộ cứu kịp thời 5 thuyền viên trên tàu vận tải HD-1647 bị tai nạn trên biển.

Tạo bứt phá cho du lịch biển, đảo

Nằm ở khu vực Đông Nam Bộ, với đường bờ biển dài hơn 300km, bãi cát đẹp thoai thoải, nước biển xanh trong, có Côn Đảo gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển thương hiệu du lịch biển đảo. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước.

Quảng Ninh xử lý nghiêm nhiều phương tiện khai thác hải sản bằng ngư cụ bị cấm

Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, gắn phát triển kinh tế biển với chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhiều trường hợp khai thác hải sản trái phép, tận diệt đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, mang tính răn đe cao.

Phát triển bền vững nghề nuôi biển

Bài 2: Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách 

 Thủy sản là một trong những ngành tiên phong kiến tạo một nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với doanh nghiệp làm nòng cốt, phát triển theo tiếp cận chuỗi giá trị, thiết lập liên kết dọc từ khai thác, nuôi trồng thủy sản đến bảo quản, chế biến và xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm phát triển ngành thủy sản nói chung và nuôi biển nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Phát triển bền vững nghề nuôi biển - Bài 1: Nhân rộng mô hình kinh tế xanh


Bài 1: Nhân rộng mô hình kinh tế xanh

Việt Nam có bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng lớn, vị trí địa lý chiến lược với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Biển Đông là ngôi nhà của hàng nghìn loài hải sản nhiệt đới phong phú, trong đó hàng trăm loài có giá trị kinh tế cao. Lĩnh vực nuôi biển đã được Đảng, Chính phủ xác định là động lực phát triển với nhiều chính sách để trở thành cực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản chuyển mình trong giai đoạn đến năm 2045. Phát triển bền vững lĩnh vực nuôi biển là góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục