Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững và tập trung khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).


Ngư dân Quảng Trị đưa tàu cá công suất lớn vươn khơi.

Hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi

Tỉnh Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt thủy sản khi có 75 km đường bờ biển; vùng biển truyền thống quanh khu vực đảo Cồn Cỏ, Nam vịnh Bắc Bộ và ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam có nguồn lợi thủy sản dồi dào, giá trị cao.

Thời gian gần đây, nghề khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn như: Giá dầu diesel diễn biến bất thường và ở mức cao, giá thủy sản không ổn định, thời tiết diễn biến không thuận lợi cho vươn khơi. Khắc phục những khó khăn này, ngư dân Quảng Trị vẫn đưa tàu vươn khơi bám biển thường xuyên. Huyện Gio Linh là địa phương có đội tàu cá công suất lớn nhiều nhất tỉnh Quảng Trị với khoảng 180 chiếc trong tổng số 220 chiếc toàn tỉnh. Các tàu xa bờ của địa phương này khai thác nhiều thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Mực nang, cá ngừ, cá thu, cá bè vàng.

 

Ngoài ra huyện Gio Linh còn có hàng trăm tàu cá khai thác gần bờ với các loại thủy sản như: Cá cơm, cá nục, ruốc... Ngư dân Võ Văn Tĩnh, huyện Gio Linh, có tàu công suất 300 CV thường xuyên đánh bắt xa bờ cho biết, khó khăn nhất với ngư dân thời gian qua là giá dầu diesel tăng cao, hiện nay tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn cao. Chi phí tiền dầu diesel chiếm đến 70 - 80% tổng chi phí mỗi chuyến biển đánh bắt xa bờ. Do đó nhờ có sự hỗ trợ tiền nhiên liệu theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho các tàu cá tham gia khai thác trên các vùng biển xa, nên ngư dân mới có thể bám biển dài ngày trong điều kiện chi phí tăng cao.

Năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 27.000 tấn/năm, năm 2023 phấn đấu đạt 27.200 tấn. Sản lượng thủy sản khai thác ổn định vừa là nguồn nguyên cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản, vừa là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao; đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 16.000 lao động ở 16 xã, thị trấn ven biển của tỉnh Quảng Trị. Để duy trì được sản lượng thủy sản khai thác ổn định và có chiều hướng tăng, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi.

Cụ thể, tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho các tàu cá tham gia khai thác trên các vùng biển xa, thực hiện IUU. Ngư dân Bùi Văn Dũng, huyện Triệu Phong chia sẻ, ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nên có thể đóng mới, nâng cấp tàu cá hiện đại và an toàn hơn; đồng thời đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại phục cho đánh bắt xa bờ hiệu quả như: Thiết bị giám sát hành trình, ra đa hàng hải, máy dò cá.

 Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, năm 2023 để hỗ trợ khuyến khích ngư dân vươn khơi, đơn vị đẩy mạnh tập huấn về công tác khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản; cơ cấu lại lượng tàu thuyền theo hướng hiện đại, từng bước cắt giảm và không phát triển khối tàu có chiều dài dưới 12m; tăng cường đào tạo nghề, thuyền trưởng, máy trưởng cho bà con ngư dân nhằm đảm bảo 100% người điều khiển phương tiện có đầu đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. Phát triển mô hình khai thác thủy sản theo tổ đội, tổ hợp tác sản xuất trên biển để hỗ trợ sản xuất và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; xây dựng mô hình đồng quản lý trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển; khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển khai thác đúng mùa vụ, ngư trường. Hướng dẫn ngư dân đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như: Thu mua hải sản, cung cấp dầu diesel và nhu yếu phẩm ngay trên biển biển để giảm chi phí nhiêu liệu cho tàu cá.

Khắc phục tồn tại trong đầu tư nâng cấp cảng cá

Tỉnh Quảng Trị đang thực hiện quyết liệt IUU để phát triển nghề cá bền vững và đã đạt được nhiều kết quả khả quan như: Không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm tra 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên cập và rời cảng; thu nhật ký khai thác thủy sản đạt 99,8%; 100% tàu cá có thông báo trước khi cập và rời cảng; 100% tàu cá cập cảng chỉ định được giám sát sản lượng khai thác.

Tuy nhiên tồn tại, hạn chế hiện nay trong thực hiện IUU là những bất cập trong đầu tư nâng cấp, sửa chữa 2 cảng cá chỉ định gồm: Nam Cửa Việt và Cửa Tùng. Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị (dự án), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 476/QĐ-TTg ngày 1/5/2019 với tổng số vốn 300 tỷ đồng; thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2022 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.

Cụ thể dự án này có 3 dự án thành phần gồm: Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh vốn đầu tư 50 tỷ đồng; Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong vốn đầu tư 130 tỷ đồng; Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Trong đó 2 dự án: Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng; Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt có vai trò quan trọng trong thực hiện IUU, do đây là 2 cảng cá chỉ định. Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải cập cảng cá chỉ định.

Đến ngày 20/3/2023, Dự án: Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt mới chỉ thi công được một phần nhỏ khối lượng, mặc dù đã được gia thời gian hoàn thành từ ngày 30/6/2022 thành 31/12/2023. Việc quá chậm tiến độ và sự dang dở của dự án này đang làm hạn chế tàu cá của ngư dân cập cảng cá Nam Cửa Việt để bốc dỡ thủy sản. Lúc cao điểm có đến hàng chục tàu cá cập cảng cá Nam Cửa Việt, nhưng cảng này chỉ tiếp nhận được 3 - 4 tàu cùng lúc. Do đó ngư dân phải đưa tàu cá cập Bến cá Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh cách cảng cá Nam Cửa Việt khoảng hơn 1km để bốc dỡ thủy sản.

Đáng chú ý Bến cá Bắc Cửa Việt không phải là cảng cá chỉ định, tức ngư dân đưa tàu cá dài từ 15m trở lên cập bến cá này là vi phạm IUU. Theo nhiều ngư dân, phải chấp nhận bị phạt khi đưa tàu cá cập Bến cá Bắc Cửa Việt. Nguyên nhân là do nếu đưa tàu cập cảng cá Nam Cửa Việt sẽ phải chờ rất lâu mới có thể bốc dỡ được thủy sản lên bờ do cảng này đang sửa chữa dang dở, như vậy chất lượng thủy sản sẽ suy giảm nghiêm trọng dẫn đến giá bán cũng giảm theo.

Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập Bến cá Bắc Cửa Việt ngoài ngư dân bị phạt, cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát được sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định IUU. Theo Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Quảng Trị, tồn tại hạn chế trong thực hiện IUU là hiện nay đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp cảng cá nên việc cập cảng bốc dỡ thủy sản gặp khó khăn; công tác thực hiện giám sát sản lượng khai thác thủy sản đạt tỷ lệ còn thấp; số vụ xử phạt vi phạm hành chính còn thấp so với tình hình tàu cá vi phạm, nhất là hành vi vi phạm tàu cá chưa chấp hành nghiêm cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản.

Đối với Dự án: Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng đã hoàn thành 1 gói thầu, gói thầu còn lại đã thi công đạt khoảng 92% giá trị hợp đồng. Dự án này cũng đã được gia hạn thời gian hoàn thành từ ngày 30/6/2022 thành 30/6/2023. Nguyên nhân khiến 2 dự án nâng cấp, sửa chữa cảng cá chỉ định ở Quảng Trị chậm tiến độ chủ yếu do khó khăn giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19, điều kiện thi công khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh các gói thầu, yêu cầu đơn vị thi công tập trung nhân lực máy móc thi công dự án.

Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Quảng Trị cũng đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cảng cá Nam Cửa Việt, Cửa Tùng nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển tàu, tạo điều kiện để tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định bổ sung ràng buộc, chế tài xử lý các cơ sở tổ chức thu mua thủy sản từ tàu cá có chiều dài 15m trở lên hoạt động từ vùng khơi, không cập cảng cá chỉ định bốc dỡ thủy sản.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Tuổi trẻ Cảnh sát biển khát vọng cống hiến, xung kích, sáng tạo

Ngày 16/3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm sĩ quan trẻ Cảnh sát biển "xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến, bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhiệt huyết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tuổi trẻ.

Cả nước vì Trường Sa-Trường Sa vì Tổ quốc

Cách đây 35 năm, đúng ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại khu đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Những người lính trẻ đầy nhiệt huyết mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Dâng hương, thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma

Kỷ niệm 35 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam tại đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (14/3/1988 - 14/3/2023), ngày 12/3, tại Đình làng Nại Nam, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng), Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã tổ chức Lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ.

Kịp thời đưa về đất liền cấp cứu thuyền viên bị tai biến trên biển

Lúc 12 giờ 19 phút ngày 10/3, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) đã đưa bệnh nhân bị tai biến về đến thành phố Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định.

Đưa 11 thuyền viên tàu Xuyên Á 126 bị nạn trên vùng biển Bình Thuận vào bờ an toàn

Sáng 10/3, tại cảng Phan Thiết, đồn Biên phòng Thanh Hải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận) phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã tiếp nhận 11 thuyền viên của tàu Xuyên Á bị nạn khi đang di chuyển trên vùng biển của tỉnh.

Khẩn trương hỗ trợ, tìm kiếm các thuyền viên gặp nạn trên biển Phú Quý

Tối 8/3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc gửi Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin về việc hai phương tiện bị sóng lớn đánh chìm trên vùng biển Phú Quý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục