Sau hơn 3 năm thực hiện dự án "Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau" đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Bởi không chỉ góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lại thủy sản mà còn nâng cao ý thức người dân cùng chung tay đưa ngành khai thác của địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Rạn nhân tạo đã giúp cho các loài sinh vật biển có nơi sinh sản và đặc biệt là có nơi trú ngụ, tránh được các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt, từ đó khôi phục được nguồn lợi thủy sản. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, từ năm 2019-2021, được sự hỗ trợ dự án từ Chính phủ Thái Lan, tỉnh Cà Mau đã tổ chức thả 500 khối rạn bằng bê tông xuống khu vực biển Tây để làm nơi trú ngụ cho các loài sinh vật biển. Tiếp nối thành công bước đầu, vào năm 2022, từ chương trình "bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản", tỉnh Cà Mau tiếp tục thả thêm 400 khối rạn bê tông xuống biển để "xây nhà cho cá".
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, dự án này đang phát huy tác dụng rất tốt. Rạn nhân tạo đã giúp cho các loài sinh vật biển có nơi sinh sản và đặc biệt là có nơi trú ngụ, tránh được các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt, từ đó khôi phục được nguồn lợi thủy sản.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Cà Mau đã thả 900 khối rạn xuống khu vực biển Tây để "xây nhà cho cá". Ảnh: TTXVN phát
"Theo kết quả khảo sát ở khu vực thả 900 khối rạn có chu vi 5,6 km với diện tích 1,88 km2 ngoài khơi vùng biển Cà Mau cho thấy, công tác này đã góp phần ngăn cản một số ngư lưới cụ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái vùng biển ven bờ. Các rạn nhân tạo đã phát huy được vai trò làm nơi trú ẩn để bảo vệ cá con, cá non và một số loài cá có giá trị kinh tế, sinh cảnh cao… khỏi các ngư lưới cụ khai thác mang ính hủy diệt", ông Nguyễn Việt Triều chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Triều cho biết thêm, một kết quả quan trọng khác là chất lượng môi trường trong và quanh khu vực thả rạn được cải thiện, các loài sinh vật đeo bám giá thể rạn gia tăng làm mắc xích trong chuỗi thức ăn tự nhiên, tạo nơi cư trú lý tưởng cho các loài sinh vật biển, qua đó khôi phục được nguồn lợi thủy sản. Nếu như trước đây khảo sát khu vực biển được thả rạn chỉ ghi nhận một vài loài cá, tôm thì sau khi thả rạn nơi đây ghi nhận 78 loài, trong đó mật độ cá chiếm tỉ lệ cao với 48 loài.
Khu vực biển sau khi được thả rạn nhân tạo đã ghi nhận 78 loài, trong đó mật độ cá chiếm tỉ lệ cao với 48 loài. Ảnh: TTXVN phát
Mặt khác, theo kết quả điều tra trước và sau khi thả rạn về hiệu quả thu nhập của ngư dân trong vùng cho thấy, nguồn lợi thủy sản trong ngư trường có sự thay đổi đáng kể. Thu nhập của người dân trong các nghề đánh bắt ở khu vực này được tăng lên, cụ thể: Sản lượng khai thác trung bình sau khi thả rạn của nghề lưới rê tăng lên 15,4% trên mỗi chuyến, lợi nhuận tăng 6,5 triệu đồng/chuyến; sản lượng khai thác trung bình từ nghề lồng xếp tăng 27,4% trên chuyến; sản lượng khai thác trung bình của nghề câu mực sau khi thả rạn tăng lên 16,1% trên chuyến; sản lượng khai thác nghề ốc bẫy mực tăng lên 9,58% trên chuyến…
Trước khi thả rạn, trong khu vực biển này chỉ xác định được 40 loài thương phẩm trong các mẻ khai thác; trong đó, có 25 loài cá, 8 loài giáp xác và 7 loài thân mềm. Sau khi thả rạn, số lượng loài thương phẩm trong các mẻ khai thác khu vực này tăng lên đáng kể, với 97 loài trong đó có 62 loài cá, 15 loài giáp xác và 20 loài thân mềm.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các loài cá dữ (cá bớp, cá thu, cá bè, cá nhồng, cá mú, cá hường…) cho thấy chuỗi mắt xích thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đặc biệt là có xuất hiện một số loài cá có giá trị sinh cảnh như: Cá bướm, cá thia, cá hoàng hậu đuôi trắng…
Các loài sinh vật đeo bám giá thể rạn gia tăng làm mắc xích trong chuỗi thức ăn tự nhiên, tạo nơi cư trú lý tưởng cho các loài sinh vật biển, qua đó khôi phục được nguồn lợi thủy sản. Ảnh: TTXVN phát
Thực tế đã qua, công tác thả rạn nhân tạo không chỉ góp phần bảo vệ tài nguyên biển được tốt hơn mà còn giúp giải quyết việc làm, tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương. Hiện, tại địa phương đã phát sinh thêm nghề mới như: Lặn biển, tổ chức câu cá giải trí tại khu vực thả rạn…
Ngoài ra, ý thức của các thành viên trong tổ "Đồng quản lý về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, định hướng khai thác bền vững" được nâng lên rõ rệt, qua đó đã tác động nhiều đến tập quán khai thác thủy sản của người dân ở địa phương, tạo hiệu ứng về tuyên truyền người dân trong khu vực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản để hướng tới phát triển nghề cá bền vững.
Về vấn đề này, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đánh giá, từ các kết quả trên cho thấy, có thể triển khai thả rạn nhân tạo để mở rộng thêm diện tích hiện có và nhân rộng thêm tại các khu vực biển khác có điều kiện tương đồng. Từ đó, không chỉ mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần đưa ngành khai thác thủy sản đi theo hướng bền vững, phù hợp với chủ trương hiện nay. Do đó, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau quan tâm đến phương án triển khai mở rộng thêm diện tích thả rạn nhân tạo trong thời gian tới.
Theo TTXVN
Ngày 4/4, tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn STP Group tổ chức bàn giao cụm lồng HDPE để nuôi trồng các loại hải sản trên vùng biển.
Ngày 3/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác thủy sản hơn 2,36 tỷ đồng theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với ông Lê Thanh Dũng (sinh năm 1980) ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Ngày 2/4, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129 Hải quân) đã sửa chữa kịp thời tàu cá ngư dân Ninh Thuận bị hỏng neo, phải vào sửa chữa.
Gần đây, có nhiều dư luận trong nước và ở nước ngoài đưa ra quan điểm sai trái rằng: "Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm gần 50 năm rồi. Từ đó đến nay Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế. Nếu Việt Nam không có bất kỳ kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo luật quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc…”.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững và tập trung khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).