Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 412/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC).
Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân ở xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp
Về công tác ngăn chặn, chống khai thác IUU, sớm gỡ "Thẻ vàng", Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các ban, bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; vừa tuyên truyền, giáo dục, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xử lý các hành vi vi phạm.
Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý, kiên quyết điều tra, truy tố xét xử các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC, đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất.
Trong quá trình Đoàn Thanh tra EC công tác tại Việt Nam, tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi Đoàn Thanh tra EC kết thúc làm việc tại Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách đảm bảo phát triển bền vững hoạt động khai thác thủy sản, ổn định sinh kế của người dân, phù hợp với tình hình thực tế phát triển ngành thủy sản bền vững theo định hướng giảm khai thác thủy sản, tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá địa phương khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm được thực trạng tàu cá (số lượng đã đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; số lượng chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoặc hết hạn; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh; tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS…) để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; đặc biệt các tàu cá "3 không".
Các tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, đảm bảo thực hiện đúng quy định bật thiết bị VMS khi tham gia khai thác hải sản; chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan, đơn vị liên quan mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; trong đó tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về VMS…; đảm bảo tăng số lượng các vụ việc xác minh, xử lý.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm quy định quản lý tàu cá, hoàn thành 100% đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), số liệu đảm bảo thống nhất tại báo cáo của địa phương và trên VNFishbase; kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xuất/nhập bến; giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; đảm bảo 100% tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác. Tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Các tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị) cho các lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm và có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên, khen thưởng phù hợp. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc IUU
Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc IUU; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU; tuyên truyền, vận động, giáo dục cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực thủy sản về các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU.
Các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương, hệ sinh thái biển, tạo sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân ven biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cộng đồng ngư dân ven biển đảm bảo tuân thủ chính sách, pháp luật và nghĩa vụ quốc tế trong bảo vệ môi trường biển trong nước và quốc tế, chống khai thác IUU chính là để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU liên quan đến chống khai thác IUU để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC đạt kết quả tốt nhất; đảm bảo minh bạch, trung thực, kịp thời tiếp thu, giải trình trên tinh thần hợp tác, hữu nghị đề nghị phía EC chia sẻ điều kiện, nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam để sớm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"; đảm bảo vừa tuyên truyền, vận động, vừa đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về VMS…. vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo vừa đủ sức răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt quên lợi ích lâu dài, vì lợi ích cá nhân quên lợi ích tập thể, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "Thẻ vàng".
Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn) phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hành động trong chống khai thác IUU; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng tại địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, để kéo dài tình trạng vi phạm khai thác IUU tại địa phương, chậm trễ trong tham mưu, giải quyết sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân.
Theo Báo Tin tức
Vào lúc 5 giờ 45 phút ngày 9/10, tàu cá QNg 95139 TS do ông Hồ Văn Châu, sinh năm 1987, quê ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi làm thuyền trưởng hành nghề câu tại vùng biển thềm lục địa phía Nam của Việt Nam đã tiếp cận nhà giàn DK1/7 đề nghị hỗ trợ cấp cứu ngư dân bị nạn.
Chiều 7/10, tại Quân cảng Cam Ranh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiến hành bàn giao ngư dân Lê Văn Mười là thuyền viên trên tàu cá QNg 95579 TS, bị bệnh trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa cho gia đình và đại diện chính quyền địa phương, để tiếp tục việc điều trị.
Ngày 4/10, Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn, Học viện Hải quân đã rời quân cảng Nha Trang lên đường thăm, giao lưu với Hải quân Singapore kết hợp huấn luyện đi biển đường dài.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền cho các tàu cá ngư dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ trên biển được lực lượng chức năng quan tâm. Để hiểu rõ hơn những giải pháp trước mắt và lâu dài trong công tác phòng, chống cháy nổ trên biển, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Bá Việt - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển Việt Nam về vấn đề này.
Sau 8 ngày hành trình với quãng đường gần 2.300 hải lý, trưa 2/10, tàu CSB 8004 đưa đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam do Đại tá Lê Thanh Hải - Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 chỉ huy đã đến thành phố Kobe bắt đầu thực hiện chuyến thăm và giao lưu với lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Kiên Giang, những tháng gần đây, tàu cá của ngư dân trong tỉnh không vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.