(HBĐT) - Là địa phương trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh nên trên địa bàn huyện Lương Sơn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, huyện cũng có số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT cao. Để giảm số tiền nợ đọng, BHXH huyện đã triển khai nhiều giải pháp linh động, linh hoạt.
Đến hết quý II/2023, số nợ đọng BHXH, BHYT của huyện Lương Sơn ước khoảng 15 tỷ đồng. Trong đó, có 6,5 tỷ đồng là số nợ quá hạn không thể thu hồi. Đây là những đơn vị phá sản, chủ bỏ trốn từ các năm trước đã được khoanh nợ và hiện đang được theo dõi, xin giải pháp xử lý.
Đồng chí Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc BHXH huyện Lương Sơn cho biết: Thời gian gần đây, số nợ đọng BHXH, BHYT vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân là do kinh tế suy thoái, dịch bệnh, chiến tranh ở châu Âu làm cho các đơn hàng bị đứt gãy. Người lao động mất việc làm, đặc biệt là nhóm các công ty may, đồ da, đồ gỗ, điện tử. Kinh doanh thua lỗ làm cho dòng tiền giảm sút nên nhiều đơn vị không có khả năng đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Ngoài ra cũng có nguyên nhân chủ quan là một số đơn vị cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người, số lương thực lĩnh của người lao động, thậm chí thu tiền của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH.
Nhận thức rõ việc thu nợ không chỉ giúp cơ quan BHXH hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà quan trọng hơn cả là góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động. Bởi nếu chủ sử dụng lao động không nộp BHXH kịp thời, người lao động sẽ không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, khám chữa bệnh, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí, tử tuất… Với những doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời điểm nhất định, việc tuyên truyền, vận động thu hồi nợ còn thuận lợi, nhưng với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, mất tích, công việc thu hồi nợ khiến cán bộ thu BHXH gặp nhiều trở ngại với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí có đơn vị trốn không muốn gặp mặt cán bộ BHXH.
Với những khó khăn, thách thức trong công tác thu nợ BHXH, BHYT, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Lương Sơn triển khai nhiều giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành kiểm soát tốt nguồn thu. BHXH huyện phối kết hợp với các cơ quan có liên quan như: Chi cục Thuế, Liên đoàn lao động huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện trong việc rà soát các doanh nghiệp, để các đơn vị tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khó khăn hiện nay. Rà soát và yêu cầu các đơn vị đóng đủ số người, đủ thu nhập theo bảng lương đúng quy định của Luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức các hội nghị đối thoại với người lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để nắm bắt thông tin và tuyên truyền cho họ về quyền, nghĩa vụ để họ tự biết tự bảo vệ mình và có ý kiến với các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có tiêu cực.
Với các doanh nghiệp cố tình vi phạm, nợ dây dưa kéo dài, thậm chí chiếm dụng phần trích đóng BHXH, BHYT từ tiền lương hàng tháng của người lao động thì cơ quan BHXH sẽ nắm diễn biến qua nhiều kênh thông tin để xử lý theo quy định, thậm chí áp dụng biện pháp mạnh để thu hồi nợ. Thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, thanh tra đột xuất những đơn vị có dấu hiệu vi phạm, những đơn vị nợ quá 3 tháng và xử phạt hành chính, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khi phát hiện vi phạm pháp luật. BHXH huyện cũng quan tâm khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho người lao động.
Việt Lâm