Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại trong lòng đồng đội và nhân dân những tình cảm chân thành về "viên ngọc” sáng trong của một cuộc đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại tướng có phong cách sống giản dị, gần dân, tính cách trung thực và thẳng thắn, lối sống nghĩa tình trọn vẹn và nhất là một trái tim nhiệt huyết luôn luôn đòi hỏi sự cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân.

Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan xuất bản của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trung tâm xuất bản của toàn quân do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trực tiếp quản lý, chỉ đạo, Nhà xuất bản QĐND vinh dự được tổ chức bản thảo, biên tập, xuất bản rất nhiều cuốn sách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, trong đó có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Những cuốn sách về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất bản tại Nhà xuất bản QĐND có hai mảng: Sách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tác giả) và sách viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (của đồng chí, đồng đội, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và nhân dân viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5-7-1967). Ảnh: Tư liệu 

Đối với mảng sách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, từ lâu Nhà xuất bản QĐND đã là địa chỉ tin cậy được Đại tướng trao gửi tác phẩm của mình. Có thể điểm qua một số sách mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tác giả hoặc đồng tác giả, như cuốn sách "Chiến thắng lớn lao Thu-Đông 1951”, xuất bản năm 1952. Đây là cuốn sách khổ nhỏ, chỉ 12 trang nhưng có tác dụng kịp thời tuyên truyền về thắng lợi của Thu-Đông năm 1951 của quân và dân ta. Đến năm 1958, thời điểm của những biến chuyển to lớn trong xây dựng QĐND, cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trên lĩnh vực tư tưởng; với mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, hiện đại, là lực lượng nòng cốt bảo vệ miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất bản cuốn sách "Nắm vững đường lối giai cấp trong việc xây dựng Quân đội”. Năm 1964, đứng trước bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng xuất bản cuốn "Nâng cao lập trường, tư tưởng vô sản, đoàn kết, phấn đấu giành thắng lợi mới”...

Về sách viết chung, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có các tác phẩm: "Ba nhất, phong trào thi đua trong Quân đội hiện nay”, viết cùng tác giả Phú Bằng, xuất bản năm 1960; "Đảng là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo Quân đội ta”, viết cùng tác giả Võ Nguyên Giáp và Trần Độ, xuất bản năm 1960; "Tiếp tục nâng cao tinh thần chiến đấu của Quân đội”, viết cùng tác giả Lê Quang Đạo, Quyết Thắng, xuất bản năm 1963; "Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”, viết cùng tác giả Hoàng Văn Thái, Lê Quang Đạo, xuất bản năm 1964...

Ngoài các cuốn sách cơ bản trên, còn nhiều cuốn sách viết riêng và viết chung của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Nhà xuất bản QĐND xuất bản sau ngày Đại tướng đi xa, như cuốn "Luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1970), "Không ngừng nêu cao ý chí chiến đấu”, "Những trận đánh hay, những người đánh giỏi” (năm 1971)...

Các sách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do Nhà xuất bản QĐND ấn hành thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy Đại tướng luôn bám sát nhiệm vụ của dân tộc, đặc biệt là nhiệm vụ của Quân đội để có những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sắc bén, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị-tinh thần. Vì thế, các tác phẩm đó vừa có tính lý luận, lại có tính thực tiễn rất cao trong chỉ đạo hoạt động của lực lượng vũ trang.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Nhà xuất bản QĐND xuất bản rất nhiều tác phẩm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tiêu biểu là các cuốn sách: "Nguyễn Chí Thanh-những bài chọn lọc về quân sự” (năm 1977), "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-nhà chính trị, quân sự lỗi lạc” (năm 1997), "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội” (năm 1997), "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (năm 2007, 2014), "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam về chính trị” (năm 2007), "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập” (năm 2009, 2014), "Nguyễn Chí Thanh-Đại tướng nông dân” (năm 2017), "Nguyễn Chí Thanh-những góc nhìn hậu thế” (năm 2017), "Những cánh thư ra Bắc vào Nam” (năm 2017)...

Việc xuất bản những tác phẩm đó vừa là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của Nhà xuất bản được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị giao, vừa là niềm vinh dự to lớn của những người làm công tác xuất bản mặc áo lính. Đối với việc xuất bản tổng tập của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đến nay, Nhà xuất bản QĐND đã 3 lần vinh dự được tiến hành công tác sưu tầm và biên tập, xuất bản.

Lần thứ nhất, năm 2009, Nhà xuất bản QĐND tiến hành sưu tầm, biên tập cuốn sách "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập”, dày 828 trang, khổ 19 x 27cm. Đây là lần đầu tiên tiến hành sưu tầm và tập hợp các bài nói, bài viết của Đại tướng nên còn chưa đầy đủ. Vì thế, năm 2014, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng cục Chính trị chỉ đạo Nhà xuất bản QĐND tiến hành sưu tầm tài liệu, tổ chức biên tập, xuất bản lần thứ hai cuốn sách "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập”. Lần thứ ba, năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 / 1-1-2023), thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, được sự cho phép của gia đình và sự nhất trí của Nhà xuất bản Thời đại cùng nhóm sưu tầm và tuyển chọn, Nhà xuất bản QĐND tiến hành xuất bản bộ sách gồm hai cuốn: "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập” và "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lòng đồng đội và nhân dân”.

Kích thước cả hai cuốn sách đều thống nhất là 19 x 27cm, đầy đặn trên 1.000 trang mỗi quyển. Quá trình tiếp nhận biên tập xuất bản bộ sách trên, Nhà xuất bản QĐND đã thống nhất với gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại diện nhóm sưu tầm tư liệu nên gộp 4 tập sách thành 2 tập và thống nhất tiêu đề sách, người đứng tên tác giả cho chính xác. Đồng thời, tiến hành biên tập, chỉnh sửa một số sai sót về chính tả, câu văn... Quá trình biên tập, Nhà xuất bản cũng đối chiếu với những xuất bản phẩm trước đó, xin ý kiến gia đình và chuyên gia về những bài viết trùng, hay nội dung chưa thống nhất giữa các sách. 

Đọc "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập”, thế hệ sau hẳn sẽ kinh ngạc về tầm vóc của Đại tướng, một người không được học hành, đào tạo cơ bản mà chỉ tự học, tự nghiên cứu là chính nhưng nắm rất chắc lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực hiện rất nguyên tắc lý luận; một Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của QĐND Việt Nam trong nỗ lực xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo Quân đội, các nguyên tắc công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, xây dựng bản chất giai cấp công nhân của Quân đội. Đặc biệt, người đọc không chỉ bất ngờ mà còn vô cùng khâm phục khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người tiên phong "nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, thể hiện qua một loạt tác phẩm như: "Chống chủ nghĩa cá nhân”, "Phát huy chủ nghĩa tập thể, tiếp tục chống chủ nghĩa cá nhân”, "Vài ý kiến về mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xét lại hiện đại”; với những phê bình mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: "Bị động cơ chủ nghĩa cá nhân chi phối, người ta sẽ đi đến cộng (+) thêm và trừ (-) bớt sự vật khách quan trái với tinh thần duy vật biện chứng. Muốn hay không muốn, do bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, người ta sẽ xuyên tạc sự thật, điều chỉnh sự vật một cách giả tạo theo hướng có lợi cho cá nhân mình, và lẽ cố nhiên là có hậu và gây khó khăn cho cách mạng, dù chỉ là "mỗi cái một tí” thôi”(1).

Là vị Đại tướng Quân đội, nhưng được cử sang phụ trách lĩnh vực hoàn toàn khác, đó là nông nghiệp, khi đọc tổng tập của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ta thấy rõ hơn sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí trong xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Đại tướng luôn luôn bám sát cơ sở, cùng ăn, cùng làm với người nông dân nên tư duy lý luận luôn đi liền với thực tiễn. Đại tướng là người đã cùng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp và các nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu phát triển sản xuất, phá cơ chế "xiềng ba sào”, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất lúa và cây trồng, đồng thời phát động làm dậy lên Phong trào "Gió Đại Phong”. Có những câu chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi về với nông dân, xắn quần lội ruộng, mở kho thóc cứu đói... như huyền thoại. Đại tướng được nhân dân kính trọng gọi là "Đại tướng nông dân”, được nhân dân làng Đại Phong thờ như một Thành hoàng.

Trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà chiến lược, đặt cơ sở lý luận cho cách đánh của chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Bình-Trị-Thiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, "linh hồn” của cuộc kháng chiến tại đây. Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là người đại diện cho Bộ Chính trị vào miền Nam chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng với đối tượng trực tiếp là quân đội Mỹ, chư hầu và ngụy quân Sài Gòn. Đồng chí vào Nam để tìm phương án đánh Mỹ và khẳng định quyết tâm thắng Mỹ. Ở chiến trường miền Nam, qua một loạt bài viết với bút danh Hạ sĩ Trường Sơn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định với niềm tin tuyệt đối là ta đánh được Mỹ và thắng được Mỹ, vấn đề cốt tử là dám đánh và phải có cách đánh phù hợp. Qua các bài viết của mình, "Hạ sĩ” đã cổ vũ, động viên tinh thần dám đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho đồng bào và chiến sĩ. Từ thực tiễn chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nắm và khái quát thành phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh”, hạn chế được thế mạnh hỏa lực và pháo binh dường như tuyệt đối của quân Mỹ, để rồi sau những trận thử lửa đã đi tới khẳng định chắc chắn: "Từ giữa đến cuối năm 1964, sau Chiến dịch Bình Giã, Mỹ đã thấy rõ nguy cơ thất bại. Và đến đầu năm 1965, chúng đã phải thừa nhận rằng về quân sự chúng đã mất, ta đã giành được quyền chủ động trên chiến trường; về chính trị, tay sai chúng đã ở trước ngưỡng cửa của sự sụp đổ hoàn toàn, còn ta thì đã nắm được ưu thế cả quân sự, chính trị và tinh thần”(2).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhân vật lịch sử, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc đến trọng trách lãnh đạo công tác tư tưởng, công tác thanh niên, lãnh đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước là nông nghiệp, Đại tướng đều ghi những dấu ấn lịch sử. Cuốn sách tổng tập của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các trước tác của Đại tướng được Nhà xuất bản QĐND tổ chức thực hiện bản thảo, biên tập, xuất bản những năm qua đã góp phần giúp độc giả hôm nay có cái nhìn xuyên suốt, hệ thống và tương đối toàn diện về Đại tướng, giúp các nhà nghiên cứu có hệ thống tài liệu tham khảo khoa học, giá trị trong nghiên cứu và tra cứu.

Đại tá, ThS PHẠM VĂN TRƯỜNG (Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)

(1) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập, NXB QĐND, Hà Nội, 2022, tr.77

(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập, Sđd, tr.1.082-1.083



Theo Qdnd.vn

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy: Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn huyện Lạc Thủy tập trung đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng lý luận chính trị tư tưởng, truyền thống, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bản sắc không thể mập mờ, lịch sử không thể xuyên tạc

Thời gian gần đây, bám vào một số sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) gây ồn ào trên không gian mạng, nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội có tư tưởng thù địch ra sức cổ xúy cho cái gọi là "nói khác”, "nói ngược”...

Khơi dậy vai trò của tuổi trẻ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thông qua hoạt động tình nguyện, tham quan các địa chỉ đỏ, cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm nay, Huyện Đoàn Mai Châu phối hợp Đoàn Thanh niên các huyện Cao Phong, Lạc Sơn và TP Hòa Bình tổ chức chương trình "Hành trình về địa chỉ đỏ” tại các tỉnh miền Trung.

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Những năm qua, Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã lãnh đạo các chi, đảng bộ trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35-NQ/TW và kế hoạch của BTV Tỉnh ủy về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Đừng để thất bại ngay từ trong suy nghĩ

Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là TikTok, xuất hiện một số TikToker (người dùng TikTok) làm các video clip kiểu như: "Có lẽ tôi sẽ từ bỏ Quân đội để được làm chính mình”; "Có nên rời khỏi ngành Công an để bắt đầu làm lại?”...

Ra mắt sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam

Chiều 21-11, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Lễ giới thiệu cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục