Hội viên CCB Bùi Văn Pi, xóm Ráng, xã Đa Phúc (Yên Thủy) tập trung mở rộng quy mô trồng cây mít Thái, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, trong thời gian qua, Hội CCB huyện tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; năng động, sáng tạo và tìm tòi phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế mới. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 21 mô hình kinh tế phát triển hiệu quả đem lại thu nhập cao. Tiêu biểu như trồng cây ăn quả có múi, cây dược liệu, chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh DV-TM... Toàn huyện có 5 doanh nghiệp, 5 tổ hợp tác, 57 trang trại và gia trại, 258 hộ kinh doanh phát triển hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương.
Đến thăm gia đình ông Bùi Văn Pi ở xóm Ráng, xã Đa Phúc, hội viên CCB tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi tại địa phương. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với ông Pi là tuổi đã ngoài 70 nhưng vẫn nhanh nhẹn, tràn đầy nhiệt huyết làm giàu cho gia đình, quê hương. Dẫn chúng tôi thăm quan mô hình, ông Pi cho biết: "Trước năm 2015, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu từ cây mía, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao, giá thành bấp bênh. Từ số tiền tích góp qua nhiều năm, tôi vay thêm ngân hàng thuê đất của Nông trường 2/9 để trồng các giống cây ăn quả, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với diện tích trang trại cây ăn quả rộng 5 ha, tôi trồng 1.000 cây bưởi các loại, 300 cây cam, 200 cây mít Thái, 500 cây na Thái. Bên cạnh đó để có thu nhập chi tiêu hàng ngày, tôi trồng xen các giống cây dược liệu như cà gai leo, xạ đen, giềng với mục đích "lấy ngắn nuôi dài”.
Nhờ áp dụng hiệu quả kinh nghiệm tích lũy và tiến bộ KHKT vào quá trình sản xuất, trang trại trồng cây ăn quả của gia đình ông Pi phát triển hiệu quả và chuẩn bị cho thu hoạch. Năm 2018, gia đình ông Pi xuất ra thị trường 5 tấn xạ đen, 2 tấn giềng... lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 300 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình ông trang trải trong cuộc sống và tái đầu tư phát triển và mở rộng quy mô cây ăn quả. Dự kiến cuối năm 2019, các giống cây ăn quả có múi sẽ cho thu bói. Ngoài ra, gia đình ông Pi giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 - 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày, cao điểm có thể thuê khoảng 10 người.
Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên CCB phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, Hội CCB huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT. Tính đến tháng 6/2019, Hội CCB huyện đã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ 62,2 tỷ đồng. Qua đó 51 tổ vay vốn đã hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho trên 2.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, Hội CCB các cấp đã tổ chức phát động, xây dựng nguồn quỹ bình quân đạt 570.000 đồng/năm với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Đồng chí Ngô Xuân Cải, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Thủy cho biết: "Tiếp tục phát huy những phẩm chất quý giá của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế thời bình, Hội CCB huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung mở rộng quy mô mô hình trồng cây có múi, cây dược liệu, chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh VLXD… Hội mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ hội viên CCB về vốn, tập huấn chuyển giao KHKT. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống hội viên, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh