(HBĐT) - 70 năm - thời gian đã quá lâu. Không thể tìm được những nhân chứng sống trong thời kỳ lịch sử sục sôi cùng nhân dân cả nước hưởng ứng lời hiệu triệu đánh giặc giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lại càng không dễ tìm ký ức hào hùng, khí thế sục sôi đánh giặc của quân và dân Hoà Bình những ngày toàn quốc kháng chiến trong những trang sử đã ngả ố màu thời gian. Bởi lẽ vẫn cần sự tìm tòi, chắp nối, kiểm chứng tính xác thực của nguồn sử liệu... Và rồi từ những ghi chép còn lại của cụ Nguyễn Văn Hậu lúc sinh thời; được sự kiểm chứng, xác thực của lão thành cách mạng, cụ Lê Thị Tâm, không khí sục sôi đánh giặc của quân và nhân dân Hoà Bình hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tái hiện.
Năm 1946, khi nước Việt Nam non trẻ mới ra đời sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; phải đối mặt với “thù trong, giặc ngoài”. Đặc biệt, cuối năm 1946, đứng trước dã tâm xâm lược trở lại của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức hội nghị mở rộng. Hội nghị đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước. Ngay trong ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn và ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Người đã nhấn mạnh: “... Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tượng đài chiến thắng ghi dấu chiến công đánh giặc của đội du kích xã Toàn Sơn năm 1947.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng đứng đầu là Hồ Chủ tịch, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhất tề đứng lên cùng cả nước cầm vũ khí thực hiện lời thề độc lập. Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững độc lập và tự do của Tổ quốc. Tinh thần ấy đã sôi sục khắp các bản, làng. Trong không khí sôi nổi của những ngày đầu kháng chiến, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vui mừng đón phái đoàn Chính phủ do cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước dẫn đầu về thăm. Trong cuộc nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, cụ Huỳnh Thúc Kháng một lần nữa truyền đạt lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia chuẩn bị kháng chiến.
Tiếp nhận sự chỉ đạo từ Trung ương, Ban cán sự Đảng tỉnh đã tổ chức hội nghị họp toàn thể đảng viên để vạch ra kế hoạch chuẩn bị kháng chiến ở địa phương. Trong đó, xác định phát động toàn dân tiêu thổ kháng chiến, phân vùng hoạt động, gấp rút xây dựng lực lượng và đào tạo cán bộ, tổ chức bảo vệ và phục vụ việc di chuyển các cơ quan, kho tàng của địa phương và Trung ương...
Từ thực tế trên, công tác quân sự mà trọng tâm là chuẩn bị đánh địch được phát động trong toàn tỉnh. Các tổ chức tự vệ chiến đấu, dân quân tự vệ, du kích được kiện toàn. Mỗi thôn, xóm, làng, bản đều xây dựng phương án đánh địch phù hợp. Cùng với việc chuẩn bị mọi mặt để đánh địch, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn tích cực tham gia bảo đảm an toàn cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình từ Hà Nội chuyển lên Việt Bắc đi qua Hoà Bình. Tính đến cuối tháng 2/1947, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với các lực lượng chuyên trách, đơn vị vệ quốc đoàn đã xây dựng được một mạng lưới bảo vệ rộng khắp, nhiều tầng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh trước khi chuyển lên Việt Bắc. Thời kỳ này đã có hàng trăm tấn dụng cụ, máy móc, phương tiện, lương thực; hàng chục nghìn mét vải được vận chuyển an toàn qua các địa phận Hoà Bình với sự tham gia của hàng nghìn nhân dân địa phương.
Sau khi quân - dân Thủ đô Hà Nội thực hiện thắng lợi kế hoạch giam chân địch trong thành phố, rút lui an toàn, bảo toàn được lực lượng. Đến tháng 3/1947, thực dân Pháp dần đánh rộng ra, chiếm giữ một số vùng nông thôn xung quanh thuộc địa phận Hà Đông để lập phòng tuyến bảo vệ Hà Nội. Những cuộc hành quân của địch đã trực tiếp uy hiếp một số địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, ở mặt trận Thượng Lào, quân Pháp cũng tiến về Hoà Bình để nối thông với lực lượng ở Hà Nội. Đến đầu tháng 4/1947, tỉnh ta đứng trước nguy cơ bị địch tiến công từ hai phía. Khoảng thời gian mà Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng để chuẩn bị chiến đấu (từ tháng 9/1946 đến tháng 4/1947) quá ngắn ngủi. Tuy nhiên, trong thời gian này, với sự cố gắng nỗ lực cao, quân và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh đã góp sức xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng; khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, tập trung xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng để cùng cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Có thể nói, cùng với sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng, LLVT của tỉnh bước đầu được củng cố cả về số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động. Cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Bác Hồ xây dựng Hoà Bình thành KVPT vững chắc. Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chiến đấu bảo vệ quê hương. Đồng thời đáp ứng yêu cầu tác chiến trong khu vực và trong cả nước. Cùng với quân và dân cả nước chung sức, đồng lòng đứng lên đánh thắng quân xâm lược, giành lại độc lập, tự do về tay nhân dân.
Mạnh Hùng
Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội đã thu hút đông đảo quần chúng Thủ đô tham gia, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp.
Sáng 17-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT)- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh miền Trung.
(HBĐT) - Trường THPT Lạc Sơn được thành lập vào tháng 12/1966 với tên gọi trường cấp III Lạc Sơn. Sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã thực sự trưởng thành về mọi mặt, trở thành đơn vị giáo dục có chất lượng của tỉnh và huyện.
Việt Nam phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
(HBĐT) - Lịch sử hình thành và phát triển của huyện Đà Bắc gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Hòa Bình. Thuở xa xưa, Đà Bắc thuộc lộ Đà Giang. Đến thế kỷ XV, địa phương là một động của Mộc Châu thuộc phủ Giang Hưng, xứ Hưng Hoá. Ngày 22/6/ 1886, thực dân Pháp lập ra tỉnh Mường đặt lỵ sở ở Chợ Bờ (hay còn gọi là tỉnh Bờ). Tỉnh Mường có 4 phủ là: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Châu Đà Bắc thuộc Chợ Bờ. Ngày 21/9/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định tách huyện Mai Đà thành huyện Mai Châu và huyện Đà Bắc. Đến nay, huyện Đà Bắc có 19 xã và 1 thị trấn, dân số trên 5,5 vạn người.
(HBĐT) - Trong khi ở không ít địa phương, cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ, nội dung nghèo nàn, sinh hoạt chuyên đề còn ít, thiếu linh hoạt, chưa sát với thực tiễn… thì ở Đảng bộ xã Nà Mèo - một xã vùng khó khăn của huyện Mai Châu hầu hết các chi bộ đều thực hiện tốt việc ban hành nghị quyết chuyên đề gắn với thực tiễn cơ sở, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển KT-XH.